Không để các loại dịch bệnh động vật nguy hiểm xảy ra trên diện rộng

(Baohatinh.vn) - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương cần tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh động vật nguy hiểm xảy ra trên diện rộng nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Sáng 11/2, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật (trên cạn và thủy sản) năm 2022. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn và Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Không để các loại dịch bệnh động vật nguy hiểm xảy ra trên diện rộng

Đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Đối với ngành chăn nuôi, từ đầu năm 2022 đến nay, dịch bệnh động vật như: cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu bò… tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương.

Bệnh cúm gia cầm phát sinh 4 ổ dịch với tổng số gia cầm mắc bệnh chết và tiêu hủy là 13.600 con; bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 321 xã của 36 tỉnh, thành phố, tiêu hủy 19.628 con lợn; dịch viêm da nổi cục xảy ra tại 17 xã của 2 tỉnh, thành phố, tiêu hủy 15 con trâu, bò...

Không để các loại dịch bệnh động vật nguy hiểm xảy ra trên diện rộng

Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long trình bày báo cáo về tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm (ảnh chụp màn hình).

Đối với lĩnh vực thủy sản, từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh hoại tử gan tuỵ cấp xảy ra tại 8 xã của 3 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh là 16 ha; bệnh đốm trắng xảy ra tại 12 xã của 3 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh là hơn 22 ha. Ngoài ra, khoảng 14 ha cá tra nuôi bị các bệnh như gan thận mủ, xuất huyết và bệnh do ký sinh trùng tại các tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Đồng Tháp.

Theo đánh giá, về cơ bản, các bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tiếp tục được kiểm soát tốt, không lây lan diện rộng, đặc biệt không để các bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi xâm nhập vào trong nước.

Không để các loại dịch bệnh động vật nguy hiểm xảy ra trên diện rộng

Đại biểu nghe báo cáo của ngành chuyên môn về công tác phòng chống dịch bệnh trên động vật.

Để đảm bảo sự phát triển ổn định của ngành chăn nuôi, thủy sản, Bộ NN&PTNT, Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp để khống chế dịch, trọng tâm là: nhập khẩu khẩn cấp theo quy định các loại vắc-xin; ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương tập trung khoanh vùng, dập dịch; lập các đoàn công tác đến các địa phương có dịch bệnh trầm trọng, địa phương có nguy cơ cao để chỉ đạo, hướng dẫn; bố trí kinh phí mua hóa chất xử lý môi trường…

Không để các loại dịch bệnh động vật nguy hiểm xảy ra trên diện rộng

Hà Tĩnh kiểm soát tốt hoạt động mua bán, giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm.

Nguy cơ phát sinh, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi trong thời gian tới là rất cao do nhiều loại mầm bệnh lưu hành với tỷ lệ cao, ở phạm vi rộng; tổng đàn gia súc, gia cầm rất lớn (khoảng 515 triệu con gia cầm, gần 27 triệu con lợn, 10 triệu con trâu, bò), trong đó, chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ lệ lớn; thời tiết bất lợi tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh lây lan...

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình dịch bệnh xảy ra tại các địa phương và những nhiệm vụ triển khai trong công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian tới; hoạt động cung ứng thức ăn, vắc-xin, thuốc thú y của các doanh nghiệp.

Tại Hà Tĩnh, nhờ vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, cơ bản các đợt dịch bệnh nguy hiểm trên động vật đều được kiểm soát tốt, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò và dịch tả lợn châu Phi xảy ra tập trung chủ yếu từ tháng 1 - 5/2021. Hiện nay, các địa phương đều đã công bố hết dịch trên địa bàn.

Cuối năm 2021, HĐND tỉnh cũng đã thông qua chính sách hỗ trợ cho công tác phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh động vật đến năm 2025, trong đó tập trung cải tao để nâng cao năng suất chất lượng giống vật nuôi, hỗ trợ cho đội ngũ nhân viên thú y cấp xã, hỗ trợ cải tạo nâng cấp các cơ sở giết mổ tập trung và dự phòng vắc-xin, hóa chất để chủ động phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, thủy sản...

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Vì thế, các địa phương cần tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên diện rộng, giảm thiểu tổn thất về kinh tế cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Không để các loại dịch bệnh động vật nguy hiểm xảy ra trên diện rộng

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị (ảnh chụp màn hình).

Về xây dựng hệ thống thú y cơ sở, khẩn trương kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực thú y các cấp theo Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030 để bảo đảm các nguồn lực phòng, chống dịch bệnh động vật hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Cùng với đó, bố trí các nguồn lực để tổ chức có hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo thực hiện; tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.

Các địa phương cần tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm; khẩn trương xây dựng, trình phê duyệt và bố trí kinh phí để tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022; cung ứng hóa chất bằng nguồn ngân sách của địa phương để chủ động xử lý môi trường tại các khu vực nguy cơ cao nhằm cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh.

Chủ đề Dịch bệnh GS-GC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast