Ông Nguyễn Khắc Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh.
- P.V: Thời gian qua, Hà Tĩnh đã kiểm soát khá tốt dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Tuy vậy, hiện nay, dịch bệnh nguy hiểm này đã tái xuất hiện ở một số địa phương trong tỉnh. Ông có thể chia sẻ những nguyên nhân của thực trạng này?
Ông Nguyễn Khắc Khánh: Dịch tả lợn châu Phi đang xuất hiện tại 5 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh, gồm: Thạch Bình (TP Hà Tĩnh), Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên), Lâm Trung Thủy (Đức Thọ), Tùng Lộc (Can Lộc) và thị trấn Vũ Quang (Vũ Quang). Cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy 48 con lợn bị chết và nhiễm bệnh.
Những địa phương này đã từng xảy ra DTLCP nên mầm bệnh còn tồn tại, phát tán trong tự nhiên. Đây là dịch bệnh nguy hiểm, chưa có vắc-xin phòng ngừa, do vậy, nguy cơ tái bùng phát cao. Hơn nữa, hiện nay đã bước vào mùa mưa bão, những đợt mưa lớn, gây ngập ở một số địa phương khiến cho vi-rút, vi khuẩn phát tán, lây lan, kéo theo sự bùng phát trở lại của dịch bệnh.
Đặc biệt, toàn bộ số lợn bị nhiễm bệnh đều rơi vào chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ, chuồng trại hở, việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học chưa đảm bảo...
Xã Lâm Trung Thủy (Đức Thọ) tiêu hủy số lợn nhiễm DTLCP ngày 5/10/2021.
- P.V: Dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn đã tái bùng phát trở lại. Trước tình hình này, Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp nào để ứng phó, thưa ông?
Ông Nguyễn Khắc Khánh: Ngay sau khi DTLCP tái xuất hiện, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã tăng cường chỉ đạo các địa phương có dịch triển khai đồng bộ các giải pháp để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, ngăn chặn không cho dịch bệnh lây lan trên diện rộng, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.
Theo đó, các địa phương đã khẩn trương tiêu hủy toàn bộ số lợn bị chết và nhiễm bệnh; tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực phát sinh ổ dịch theo quy định; lập chốt kiểm soát dịch bệnh 24/24h.
Ngoài ra, các địa phương tiếp tục cử cán bộ rà soát cụ thể, kiểm soát chặt chẽ tổng đàn; tạm dừng các hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ lợn tại khu vực có dịch (riêng những cơ sở chăn nuôi quy mô lớn trong vùng dịch nếu muốn xuất trại phải có kết quả vật nuôi xét nghiệm âm tính với DTLCP); thực hiện ký cam kết đến từng hộ chăn nuôi không giấu dịch và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm…
Người chăn nuôi Hà Tĩnh không được chủ quan và tuyệt đối không được giấu dịch tả lợn châu Phi.
- P.V: Theo ông, vấn đề lo ngại nhất ở Hà Tĩnh hiện nay đối với dịch bệnh này là gì?
Ông Nguyễn Khắc Khánh: Thời tiết hiện thay đổi đột ngột, nắng mưa xen kẽ làm độ ẩm trong không khí cao, thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi-rút phát triển nên đàn vật nuôi thường phát sinh một số bệnh truyền nhiễm. Hà Tĩnh cũng đang bước vào mùa mưa bão và những ngày gần đây, toàn tỉnh xảy ra mưa lớn. Đây là điều bất lợi, có thể khiến vi-rút lây lan nhanh hơn.
Tổng đàn lợn của Hà Tĩnh hiện đạt 383.000 con, trong đó quy mô chăn nuôi nông hộ chiếm tới 42%. Thực tế cho thấy, chăn nuôi quy mô nông hộ thường không đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học trong khi DTLCP chưa có vắc-xin phòng ngừa nên nguy cơ tái bùng phát sẽ cao.
Điều đáng lo ngại nữa là Hà Tĩnh có nhiều cung đường giao thông chính, quốc lộ đi qua, lưu lượng các phương tiện vận chuyển lợn từ các tỉnh đi qua địa bàn khá lớn gây khó khăn cho việc kiểm soát, dẫn đến nguy cơ xảy ra dịch bệnh.
Người dân cần đầu tư chăn nuôi theo hướng trang trại để đảm bảo an toàn, bền vững.
- P.V: Thời điểm này, người chăn nuôi Hà Tĩnh cần lưu ý những vấn đề gì để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, giảm thiểu tối đa thiệt hại, thưa ông?
Ông Nguyễn Khắc Khánh: Theo tôi, việc người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học là yếu tố quyết định. Bà con cần thực hiện chăn nuôi theo mô hình chuồng kín, tách biệt; mua con giống ở những cơ sở uy tín, chất lượng; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định; hằng ngày vệ sinh chuồng trại, dụng cụ cho ăn sạch sẽ; bổ sung các loại thuốc bổ như: điện giải Bcomplex, vitamin nhằm nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi trong thời điểm giao mùa.
Trong thời điểm này, người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, không giấu dịch. Nếu thấy lợn có triệu chứng bất thường cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh lây lan dịch bệnh.
Về lâu dài, người dân cũng cần tính toán, đầu tư chăn nuôi theo hướng quy mô trang trại khép kín để đảm bảo an toàn, bền vững.
- P.V Vâng, xin cảm ơn ông!