Lo dịch tả lợn lây lan, nhiều địa phương Hà Tĩnh ráo riết phòng ngừa

(Baohatinh.vn) - Trước thực trạng dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, những ngày qua, các địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh tiếp tục đồng loạt triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch.

Lo dịch tả lợn lây lan, nhiều địa phương Hà Tĩnh ráo riết phòng ngừa

Cẩm Xuyên lập chốt trên QL 8C đoạn thị trấn Cẩm Xuyên - Thiên Cầm để phun tiêu độc khử trùng phương tiên qua lại vùng dịch

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xuất hiện tại hộ ông Đặng Văn Đoàn, thị trấn Cẩm Xuyên từ ngày 16/5/2019. Ngày 22/5/2019, ổ dịch thứ hai tiếp tục được phát hiện tại hộ ông Nguyễn Trọng Cuông, thị trấn Thiên Cầm, cũng thuộc huyện Cẩm Xuyên. Đến nay, đã có 67 con lợn ở hai ổ dịch nói trên buộc phải tiêu hủy.

Ngoài 2 ổ dịch tả lợn châu Phi đã được xác định, điều nguy hại hiện nay là trên địa bàn Cẩm Xuyên có nhiều trường hợp lợn bị ốm chết chưa rõ nguyên nhân.

Ông Đặng Văn Đoàn (thị trấn Cẩm Xuyên) cho biết: “Khi thấy lợn có những triệu chứng bất thường, tôi đã gọi điện báo ngay cho chính quyền xã, huyện Cẩm Xuyên. Kết quả kiểm tra, đàn lợn của gia đình dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Tuy đàn lợn là “cơ nghiệp” của gia đình, nhưng vì lo ngại dịch lây lan sang các hộ khác trong vùng nên tôi chấp hành các quy định về tiêu hủy, kể cả với những con còn khỏe, theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.”

Nguy cơ dịch bệnh bùng phát diện rộng trên địa bàn Hà Tĩnh hiện đang ở mức rất cao, vì vậy không chỉ vùng dịch mà các doanh nghiệp, người chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đang quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống, bảo vệ an toàn cho đàn lợn.

Lo dịch tả lợn lây lan, nhiều địa phương Hà Tĩnh ráo riết phòng ngừa

Cơ quan chức năng tổ chức tiêu hủy số lợn bị dịch bệnh ở thị trấn Cẩm Xuyên

Các địa phương lân cận vùng "uy hiếp" chủ động phòng chống

Để chủ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi, thành phố Hà Tĩnh đã khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đồng thời tập trung tuyên truyền để người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn sạch, nhằm giúp thị trường ổn định.

Hiện các chợ trên địa bàn TP Hà Tĩnh có gần 200 hộ kinh doanh các sản phẩm từ thịt, là đầu mối tiêu thụ lớn của cả tỉnh. Ban Quản lý chợ thành phố Hà Tĩnh đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và Công an thành phố kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn từ các cơ sở giết mổ vào chợ. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các tiểu thương tuân thủ nghiêm các hoạt động kinh doanh, buôn bán thịt lợn tại chợ.

Lo dịch tả lợn lây lan, nhiều địa phương Hà Tĩnh ráo riết phòng ngừa

TP Hà Tĩnh là đầu mối tiêu thụ thịt lợn lớn của cả tỉnh. Ảnh: Hữu Trung

Ông Phạm Hùng Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh cho biết: Thành phố đã giao cho UBND các phường xã, phòng chức năng đặt các trạm kiểm soát vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc vào địa bàn thành phố. Đồng thời nghiêm cấm dưới mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm của lợn vào địa bàn.

Ngoài công tác phòng chống dịch, thành phố cũng tuyên truyền cho các hộ kinh doanh, người dân không nên quay lưng với thị lợn sạch, có nguồn gốc xuất xứ.

Huyện Kỳ Anh, khu vực giáp ranh vùng dịch, công tác phòng chống, ngăn ngừa, đối phó với dịch tả lợn châu Phi cũng "nóng" không kém. Ngay sau khi xuất hiện dịch ở Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh đã ban hành công văn hỏa tốc, chỉ thị về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện phòng chống trên toàn huyện, nhất là tăng cường ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh bệnh vào địa bàn. Đồng thời thành lập đoàn liên ngành kiểm tra trực tiếp tại các cơ sở giết mổ gia súc tập trung, trang trại chăn nuôi lớn, chợ kinh doanh thực phẩm…

Mặt khác, huyện cũng hướng dẫn người chăn nuôi triển khai ngay các biện pháp phun tiêu độc khử trùng, hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi, thu gom, xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường, nắm bắt tình hình để kịp thời xử lý khi dịch xảy ra.

Doanh nghiệp chăn nuôi tự bảo vệ mình

Ông Hồ Sỹ Huy Thảo, phụ trách Công ty CP Chăn nuôi Mitraco (hiện chiếm thị phần chăn nuôi lớn nhất Hà Tĩnh - PV) chia sẻ: “Nhiều tháng nay, gần 120 công nhân của 2 trung tâm nái quy mô 1.200 con và 3 trại nái vệ tinh ở xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên), Kỳ Bắc (huyện Kỳ Anh) mỗi tháng chỉ được về nhà 2 ngày. Khi vào trại phải vào sớm 1 ngày để cách ly, vệ sinh tiêu độc khử trùng. Để phòng dịch, công ty đặt thêm 4 chốt phun tiêu độc khử trùng quanh các khu vực chăn nuôi và tăng tần suất, nồng độ phun trong trại, từ 3 ngày phun 1 lần nay lên 1 ngày phun 1 lần.”

Lo dịch tả lợn lây lan, nhiều địa phương Hà Tĩnh ráo riết phòng ngừa

Cán bộ thú y Hà Tĩnh phát tờ rời hướng dẫn các hộ chăn nuôi về biện pháp phòng chống DTLCP.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chi cục Chăn nuôi và Thú ý Hà Tĩnh vừa tổ chức lớp tập huấn bổ cứu các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi cho gần 100 chủ cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn.

Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Hà Tĩnh cho biết: Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi có khả năng lan ra diện rộng là rất cao do bệnh này hiện chưa có vắc xin và thuốc đặc hiệu; vi rút tồn tại trong môi trường khá lâu, kể cả trong các sản phẩm thịt khô... Bởi vậy, không chỉ ở vùng dịch, mà tất cả các địa phương cũng phải huy động hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, thực hiện những biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh. Đặc biệt là phải giám sát chặt chẽ, phát hiện dịch bệnh kịp thời để hạn chế lây lan, bùng phát trên diện rộng.

"Dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người, nên bà con không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh...” - ông Hùng khuyến cáo.

Lo dịch tả lợn lây lan, nhiều địa phương Hà Tĩnh ráo riết phòng ngừa
Tin liên quan:

Chủ đề Dịch bệnh cây trồng - vật nuôi

Chủ đề PHÒNG CHỐNG DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast