Một ngày ở trại chăn nuôi lớn nhất Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sáng tháng 4 rực rỡ nắng vàng, chúng tôi có chuyến ngược lên vùng thượng Kỳ Anh, Cẩm Xuyên “mục sở thị” trang trại chăn nuôi bò của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà. Bên những khu chăn nuôi rộng lớn là trùng điệp cỏ non khắp các triền đồi, như một thảo nguyên yên bình, tô điểm thêm màu xanh no ấm...

Bò được nuôi đúng kỹ thuật, phát triển tốt

Bò được nuôi đúng kỹ thuật, phát triển tốt

Biết chúng tôi đến thăm, anh Hồ Thành Tấn - phụ trách trang trại chăn nuôi bò Cẩm Xuyên ra đón từ cổng. Qua 2 trạm gác và 2 lần phun khử trùng, xe chúng tôi mới tiếp cận được khu chăn nuôi. Giữa bốn bề đồi núi bạt ngàn đồng cỏ thuộc địa phận xã Cẩm Quan, khu trang trại rộng lớn, hiện đại hiện ra trước mắt.

Anh Hồ Thành Tấn cho biết: “Trang trại được khởi công vào ngày 15/7/2015, đến 11/10 thì hoàn thành 10 chuồng, đưa vào thả nuôi 5.000 con bò thịt nhập khẩu từ Australia. Từ khi khởi công, công ty cho triển khai hàng loạt hạng mục công trình, gồm 4 nhà thầu chính và nhiều nhà thầu phụ tham gia, nhằm đẩy nhanh tiến độ một cách nhanh nhất. Đến thời điểm hiện tại, trang trại Cẩm Xuyên đã trồng được 600 ha cỏ; hoàn thành 40 chuồng, thả nuôi 32 chuồng với tổng đàn 17.000 con. Ngoài ra, hoàn thành hệ thống kho bãi, nhà chức năng, nhà ở, nhà ăn cho cán bộ, công nhân các điểm phun khử trùng, hệ thống nhà máy xử lý phân bò thành phân vi sinh…”.

Mênh mông đồng cỏ làm thức ăn cho đàn bò

Mênh mông đồng cỏ làm thức ăn cho đàn bò

Cùng dạo qua các khu chuồng trại, ngắm những chú bò dòng Brahman nhập khẩu từ Australia và New Zealand béo mộng, thạc sỹ Nguyễn Trọng Đại – phụ trách nông nghiệp Công ty Bình Hà cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là xây dựng trang trại chăn nuôi hiện đại hướng đến tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng tất cả các điều kiện tiêu chuẩn theo quy định. Về xử lý phân, mỗi ngày hai lần, toàn bộ chuồng được phun hóa chất khử trùng; 3 ngày cho máy thu gom phân một lần, sau đó, đưa vào nhà ủ và dùng làm nguyên liệu chế biến phân vi sinh phục vụ việc trồng cỏ. Các hồ xử lý chỉ xử lý nước thải sinh hoạt, nước vệ sinh từ việc thay máng uống cho bò. Tuy vậy, do hiện nay đang trong giai đoạn vừa thi công, vừa sản xuất nên quy trình chưa hoàn thiện, công ty đã cho xây dựng hệ thống hồ lắng đầy đủ, cố gắng đảm bảo môi trường một cách tối đa”.

Cỏ nguyên liệu sau khi thu hoạch được xay nhỏ, trộn lẫn với thức ăn tinh rồi được phân bổ tới các chuồng bò bằng máy
Cỏ nguyên liệu sau khi thu hoạch được xay nhỏ, trộn lẫn với thức ăn tinh rồi được phân bổ tới các chuồng bò bằng máy

Cỏ nguyên liệu sau khi thu hoạch được xay nhỏ, trộn lẫn với thức ăn tinh rồi được phân bổ tới các chuồng bò bằng máy

Rời trang trại Cẩm Xuyên, kỹ sư Nguyễn Trọng Đại dẫn chúng tôi thăm trang trại chăn nuôi Kỳ Anh, đóng tại xã Kỳ Tây. Bạt ngàn thảm cỏ xanh tít tắp đón chào khách sau chặng dài đường rừng núi khiến chúng tôi quên hết mệt mỏi. Đúng giờ ăn của bò, mấy chiếc xe thùng thay nhau chạy dọc hành lang các chuồng, tự động phun thức ăn xuống.

Những chú bò béo mộng sắp đến kỳ xuất chuồng

Những chú bò béo mộng sắp đến kỳ xuất chuồng

Anh Trần Huy Quang - phụ trách trang trại Kỳ Anh cho biết: Trang trại hiện đã đưa vào thả nuôi 19 chuồng với gần 10.000 con. Tại đây, cỏ, ngô nguyên liệu được xay nhỏ, trộn lẫn thức ăn tinh bằng máy tự động, sau đó, được phân bổ cho bò bằng máy. Nhờ nhập con giống chất lượng, kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn nên bò đạt tiêu chuẩn về chất lượng và trọng lượng, được khách hàng ưa chuộng. Đến nay, toàn công ty đã xuất bán trên 2.000 con, trung bình mỗi con đạt từ 500 kg trở lên.

Một góc trang trại

Một góc trang trại

Sau một ngày rong ruổi tại các trang trại, chúng tôi vui hơn khi được Tổng Giám đốc Đinh Văn Dũng chia sẻ: “Doanh nghiệp rất vui mừng khi được chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện, xã quan tâm, giúp đỡ. Dự án bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo được nhiều việc làm cho người dân Hà Tĩnh. Đến nay, toàn công ty có 400 cán bộ, công nhân viên, với mức lương bình quân 7 triệu đồng/người/ tháng, trong đó, đại đa số là người dân địa phương. Hiện nay, chúng tôi đã liên kết với các hộ dân để trồng ngô nguyên liệu theo phương thức cung ứng phân, giống, sau đó, bao tiêu sản phẩm cho họ. Tính ra, mỗi ha ngô liên kết, trung bình mỗi năm thu nhập 100 triệu đồng. Dự kiến, khi dự án hoàn thành vào cuối năm 2016, chúng tôi sẽ liên kết khoảng 5.000 ha ngô nguyên liệu và sẽ hướng đến liên kết chăn nuôi với người dân, góp phần tăng thu nhập, làm giàu cho người dân địa phương. Hiện nay, ở một số điểm, mặt bằng còn có những vướng mắc, chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp và người dân quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ theo đúng quy định pháp luật để doanh nghiệp và người dân cùng hợp tác, phát triển”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast