Ngư dân Hà Tĩnh háo hức vươn khơi đón vụ cá Bắc

(Baohatinh.vn) - Dù thường gặp bất lợi về thời tiết nhưng vụ cá Bắc thường hay xuất hiện nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Đó là lý do để ngư dân Hà Tĩnh tích cực chuẩn bị ngư lưới cụ, nhu yếu phẩm cho những chuyến vươn khơi.

Ngư dân Hà Tĩnh háo hức vươn khơi đón vụ cá Bắc

Ngư dân xã Cẩm Lộc tiến hành sửa chữa ngư lưới cụ để chuẩn bị cho mùa đánh bắt mới.

Vào vụ cá Bắc, thời tiết trên vùng biển Hà Tĩnh có nhiều bất lợi do gió mùa, biển động, vì thế bà con ngư dân thường đến các vùng biển có nhiều đảo như Cô Tô (Quảng Ninh) hoặc các vùng biển từ Đà Nẵng trở vào để đánh bắt. Vào mùa này, nước biển lạnh, cá thường ra xa bờ nên chủ yếu khai thác các loại tầng đáy với nghề lồng bẫy, dạ kéo, câu, rê đáy...

Đang tập trung tu sửa máy móc, ngư lưới cụ chuẩn bị cho chuyến ra khơi, anh Lê Văn Toài - chủ tàu cá công suất 420 CV (thôn Tân Trung Thủy, xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên) cho biết: “Tôi đã đầu tư gần 80 triệu sửa chữa tàu, trang bị thêm ngư lưới cụ để có thể khai thác hiệu quả hơn và cũng đảm bảo an toàn trong mùa biển động. Vụ này, thời tiết không ổn định nhưng thường gặp các luồng ghẹ, ốc hương lớn nên anh em cũng có thu nhập tốt. Mỗi chuyến có thể thu về 25 - 30 triệu đồng. Dự kiến, sang đầu tháng 11 này, chúng tôi sẽ vươn khơi đánh bắt”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lộc Nguyễn Văn Tuân, toàn xã hiện có trên 130 tàu thuyền đánh bắt ghẹ, trong đó có trên 50 tàu có công suất từ 90 CV trở lên. Nghề bóng ghẹ được ngư dân ở đây khai thác quanh năm, mang lại thu nhập khá, cải thiện kinh tế gia đình nên bà con yên tâm bám biển. Chính quyền xã luôn theo dõi hoạt động đánh bắt của ngư dân để đảm bảo an toàn trên biển và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Ngư dân Hà Tĩnh háo hức vươn khơi đón vụ cá Bắc

Ngư dân Xuân Yên, huyện Nghi Xuân vui mừng trúng ghẹ sau ngày biển động.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều hiểm nguy trên biển, sản lượng trong vụ cá Bắc không cao như vụ cá Nam nhưng đổi lại, các đối tượng thủy sản đánh bắt được lại có giá trị kinh tế cao như: cá thu, cá ngừ, cá bè, cá lượng, cá cam.

Ông Trần Thế Dương – chủ tàu 700 CV làm nghề câu khơi tại xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) cho biết: “Thời tiết không thuận lợi, sóng to gió lớn nên để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá thì việc kiểm tra, tu sửa máy móc trước khi ra khơi là hết sức cần thiết. Để đối phó với triều cường, bão tố, chúng tôi liên kết tương trợ lẫn nhau theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Vụ này chúng tôi thường “trúng” cá cam, cá mú, cá trổng, cá sơn đá… với sản lượng lớn, giá trị kinh tế cao. Đó là lý do mà vào mùa này, bà con ngư dân luôn nóng lòng được vươn khơi, bám biển”

Vụ cá Bắc còn đem lại cho vùng biển ven bờ nguồn thu nhập khá nhờ những loại cá được người tiêu dùng ưa chuộng như: cá cháo, tôm biển, ruốc, cá cơm... Ngư dân Trần Văn Chiến (thôn Yên Lợi, xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân) cho biết: “Trước và sau đợt biển động, vùng biển Nghi Xuân thường xuất hiện nhiều cá cháo, ghẹ. Đợt đầu và giữa tháng 10, chúng tôi trúng “đậm” ghẹ. Trong vòng một tuần, mỗi thuyền mang về khoảng 60 – 70 kg ghẹ, thu về từ 10 - 12 triệu đồng”.

Ngư dân Hà Tĩnh háo hức vươn khơi đón vụ cá Bắc

Ngư dân vùng bãi ngang Thạch Hà sửa chữa tàu thuyền để đảm bảo an toàn trong mùa biển động.

“Lượng cá cháo đánh bắt được nhiều tập trung vào các tháng 11, 12 và kéo dài đến tháng 1 năm sau, mỗi thuyền dễ dàng thu về ít thì 6 - 7 kg, nhiều thì 10 - 12 kg chỉ sau vài giờ đồng hồ bám biển” - ngư dân Võ Hồng Lĩnh (thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà) chia sẻ thêm.

Ngư dân Hà Tĩnh háo hức vươn khơi đón vụ cá Bắc

Vụ cá Bắc chủ yếu khai thác các nguồn lợi như cá cơm, nhuyễn thể, ruốc, các loại cá tầng đáy...

Theo ông Nguyễn Tông Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), ở vụ cá Bắc 2022, chúng tôi kỳ vọng ngư dân tỉnh nhà sẽ khai thác được khoảng 19.000 tấn, trong đó, khai thác biển 17.000 tấn. Cá cơm, nhuyễn thể, ruốc, các loại cá tầng đáy… là những sản phẩm đánh bắt chủ lực.

Từ đầu tháng 10 đến nay, thời tiết chưa thuận lợi nên bà con ngư dân chưa tập trung vươn khơi nhiều. Dự báo thời tiết đầu tháng 11 sẽ tốt hơn, ngành chuyên môn, chính quyền địa phương tiếp tục khuyến khích ngư dân bám biển sản xuất, đầu tư công nghệ, trang thiết bị đánh bắt các loại thuỷ sản có giá trị kinh tế gắn với khai thác có trách nhiệm; tăng cường cung cấp thông tin về ngư trường, nguồn lợi thuỷ sản và thị trường tiêu thụ cho ngư dân lập kế hoạch tổ chức sản xuất có hiệu quả. Cùng đó là chú trọng tuyên truyền thành lập tổ đội khai thác thuỷ sản để hỗ trợ nhau trong sản xuất và khi có tai nạn rủi ro xẩy ra trên biển nhằm nâng cao hiệu quả khai thác. Lực lượng chức năng thường xuyên theo dõi, kiểm soát và tiến hành xử phạt các hành vi khai thác IUU theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast