Người dân phải chủ động mua vắc-xin H5N1

Đến thời điểm này, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chưa được Nhà nước cấp vắc-xin cúm gia cầm H5N1 như những năm trước. Trong khi kế hoạch tiêm phòng định kỳ cho gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2013 của tỉnh đã được triển khai gần 1/2 thời gian. Trong chuyên mục “Câu hỏi tuần này”, P.V Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y về nội dung trên.

- Một số địa phương phản ánh, công tác tiêm phòng gia cầm năm nay gặp nhiều khó khăn do không còn được cấp vắc-xin H5N1. Ông có thể cho biết rõ hơn về điều này?

Theo thông báo của Cục Thú y, đến nay, Bộ NN-PTNT chưa có kế hoạch cụ thể về cấp vắc-xin cúm gia cầm H5N1. Năm nay, Cục Thú y cũng không cấp miễn phí vắc-xin tiêm phòng H5N1 cho gia cầm đại trà như những năm trước mà chỉ cấp cho địa phương nào khi có dịch bệnh xẩy ra để khống chế, dập dịch kịp thời. Do đó, muốn đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia cầm, người chăn nuôi cần phải chủ động đăng ký với chính quyền cơ sở mua vắc-xin H5N1 để cơ quan chuyên môn có kế hoạch cung ứng đảm bảo theo nhu cầu.

Muốn đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia cầm, người chăn nuôi cần phải chủ động đăng ký với chính quyền cơ sở mua vắc-xin H5N1
Muốn đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia cầm, người chăn nuôi cần phải chủ động đăng ký với chính quyền cơ sở mua vắc-xin H5N1

- Điều đó sẽ ảnh hưởng đến công tác tiêm phòng định kỳ như thế nào thưa ông?

Những năm trước, người dân còn được Nhà nước cấp vắc-xin thì đến thời điểm này, cả tỉnh cũng đã đăng ký được hơn 3 triệu liều, đạt 80 - 90% so với tổng đàn, nhưng năm nay đạt rất thấp. Cụ thể: toàn tỉnh mới đăng ký mua vắc-xin H5N1 tại Chi cục Thú y được hơn 540 nghìn liều/trên tổng đàn gia cầm 5,2 triệu con (chỉ đạt hơn 10%). Điều đáng nói, số lượng trên chỉ là con số đăng ký, còn thực tế các địa phương mới nhận 100 nghìn liều. Với tỉ lệ như vậy, sẽ khó đảm bảo cho công tác phòng dịch, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Qua đó cho thấy ý thức chủ động phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm còn rất thấp, người chăn nuôi còn nặng tư tưởng trông chờ vào bao cấp, bởi vậy, công tác tiêm phòng dịch cúm gia cầm H5N1 sẽ khó đạt được kế hoạch đề ra.

- Từ thực trạng trên, ngành chuyên môn đã có giải pháp và đề xuất gì để kế hoạch tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm đạt được kết quả cao?

Theo tôi, trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức người dân về việc bảo vệ đàn vật nuôi của mình, trong đó có đàn gia cầm. Bởi vì, H5N1 là bệnh hết sức nguy hiểm, không chỉ gây thiệt hại lớn cho chăn nuôi gia cầm mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người, có thể lây sang người với tỉ lệ tử vong cao. Chính vì vậy, việc tuyên truyền để người dân chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm H5N1, đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững là hết sức cần thiết.

Chính quyền các cấp tăng cường các biện pháp, các quy chế, quy phạm để vừa tuyên truyền, vận động, vừa thuyết phục nhưng phải có cơ chế, theo Pháp lệnh Thú y. Mọi người dân phải tuân thủ theo quy định. Bởi vì, tiêm phòng cho gia súc, gia cầm là việc làm bắt buộc đối với tất cả người chăn nuôi.

Đối với ngành chuyên môn, phải thường xuyên giám sát chặt chẽ để phát hiện kịp thời diễn biến của dịch, khống chế bao vây ổ dịch, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trên đàn vật nuôi nói chung và gia cầm nói riêng.

Gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện dịch cúm gia cầm, nhưng hiện tại đã được ngăn chặn. Tuy nhiên, trong điều kiện chưa triển khai kịp thời việc tiêm phòng dịch cho đàn gia cầm thì nguy cơ dịch bệnh vẫn rất lớn. Theo đó, ngành chuyên môn ở cơ sở phải thường xuyên rà soát lại tổng đàn tại các vùng có nguy cơ cao, tiến hành tiêu độc khử trùng, nắm bắt diễn biến của dịch, phát hiện kịp thời và dập dịch ngay khi còn diện hẹp.

Tiêm vắc-xin luôn là biện pháp chủ động phòng bệnh số 1; vì vậy, các địa phương cần vào cuộc chỉ đạo quyết liệt để công tác tiêm phòng vắc-xin H5N1 đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện cho đàn gia cầm phát triển ổn định và bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast