Nông dân Hà Tĩnh tích cực chăm bón lúa xuân “thì con gái”

(Baohatinh.vn) - H iện nay, nông dân Hà Tĩnh bắt đầu vào đợt thực hiện bón thúc đòng cho lúa xuân nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng của cả vụ sản xuất. Thời tiết nắng nóng, bà con chủ động duy trì mực nước trong chân ruộng, theo dõi các đối tượng dịch bệnh để phòng trừ kịp thời.

Nông dân Hà Tĩnh tích cực chăm bón lúa xuân “thì con gái”

Chị Trần Thị Xuân (xã Tùng Lộc, Can Lộc) bón thúc đòng cho một số diện tích lúa của gia đình.

Tranh thủ thời gian thuận lợi trong ngày, chị Trần Thị Xuân (thôn Đông Vinh, xã Tùng Lộc, Can Lộc) lại ra đồng để thực hiện bón thúc đòng cho số diện tích lúa của gia đình. Đây là lần bón thúc thứ 2, đặc biệt quan trọng nhất đối với sự phát triển của cây lúa, tạo điều kiện cho lúa có bông to, ruộng đều bông và trổ bông tập trung.

Chị Xuân cho biết: “Vụ này, tôi gieo cấy trên diện tích gần 2 mẫu, phần lớn trà gieo trước tết Nguyên đán, cây lúa có đang sự biến đổi rõ rệt như: tròn khóm, thân cứng, xuất hiện lá thắt eo, lá đứng so le… Lúa đang ở “thì con gái”, để tiếp dinh dưỡng cho cây, tôi bắt đầu ra đồng nhiều hơn nhằm canh thời điểm bón thúc đòng”.

Thời điểm này, các trà lúa của huyện Đức Thọ cũng đang chuẩn bị vào giai đoạn làm đòng. Chị Phan Thị Ngân (thôn Trung Đại Lâm, xã Lâm Trung Thủy) tranh thủ ra đồng vừa làm cỏ bờ vừa bón phân thúc đòng cho lúa.

“Theo kinh nghiệm, tầm cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, điều kiện thời tiết thuận lợi cho cây lúa hấp thu dinh dưỡng, đây là thời điểm tốt nhất để bón thúc đòng hợp lý. Từ đó, cây lúa phân hóa đòng và nuôi đòng tốt, cho bông lúa to, nhiều hạt. Mấy hôm nay, nắng nóng đột ngột, tôi chọn bón phân về buổi chiều, khi nhiệt độ “dịu” hơn, mặt lá khô hẳn giúp phân không dính lại trên lá”.

Nông dân Hà Tĩnh tích cực chăm bón lúa xuân “thì con gái”

Bà con nên căn cứ vào màu lá lúa để quyết định lượng phân bón phù hợp. Nếu lá có màu xanh đậm, bà con nên giảm lượng đạm ure, nếu lá có màu xanh sáng thì bón đủ lượng ure.

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, bà con cần căn cứ thời gian lúa trổ để xác định thời điểm bón, thông thường bón khi ruộng lúa chuyển màu vàng sáng, chóp lá có thắt eo. Lượng bón: 3kg đạm ure + 4kg kali + 1kg Bosica (đối với thúa thuần); 3kg đạm ure + 6kg kali + 1kg Bosica (đối với lúa lai). Căn cứ vào màu lá lúa để quyết định lượng phân bón phù hợp, nếu lá có màu xanh đậm bà con nên giảm lượng đạm ure, nếu lá có màu xanh sáng thì bón đủ lượng ure.

Thời điểm lúa sinh trưởng từ giai đoạn đẻ nhánh rộ đến trổ bông, cây cần lượng nước quan trọng để chuyển hóa các chất dinh dưỡng. Những ngày qua, nhiệt độ thời tiết ban ngày tăng cao đột ngột, có thời điểm lên trên 37 độ C. Bên cạnh bổ sung kịp thời dinh dưỡng cho cây, bà con các địa phương cũng sốt sắng lấy nước thêm vào chân ruộng.

Anh Phan Xuân Hưng (thôn Ngụ Quế, xã Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên) cho biết: "Mấy ngày nay, tôi thường xuyên ra đồng để kiểm tra mực nước và lấy nước vào chân ruộng. Ở giai đoạn này, lúa rất cần nước để giúp cho quá trình phân hóa đòng, nuôi đòng, trổ bông được thuận lợi. Nếu để thiếu nước, cây lúa sẽ bị vàng lá, bộ rễ kém phát triển không hút được dinh dưỡng nuôi cây, bông lúa ít hạt và bị lép nhiều”.

Nông dân Hà Tĩnh tích cực chăm bón lúa xuân “thì con gái”

Giai đoạn này, cỏ sinh trưởng mạnh, dễ “ăn” hết dinh dưỡng, ánh sáng, nước và làm cho cây lúa còi cọc, phát triển kém.

Cùng với đó, bà con cũng tranh thủ làm cỏ để cây không bị cạnh tranh chất dinh dưỡng, hạn chế chỗ trú ngụ của sâu, bệnh, chuột...

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, đây cũng là thời kỳ mẫn cảm nhất của cây lúa đối với các đối tượng sâu bệnh hại. Khi sâu bệnh phát sinh gây hại vào giai đoạn này thì khó có thể phục hồi. Vì vậy, bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm, phòng trừ kịp thời đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng khỏe mạnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

Nông dân Hà Tĩnh tích cực chăm bón lúa xuân “thì con gái”

Nông dân xã Ích Hậu (Lộc Hà) thường xuyên thăm đồng để kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo mực nước trong chân ruộng.

Ông Bùi Trọng Đỉnh - Phó Chủ tịch UBND xã Ích Hậu (Lộc Hà) cho biết: “Cán bộ chuyên môn của huyện cùng xã đang theo dõi diễn tiến của các loại sâu bệnh dễ phát sinh, gây hại diện rộng như: đạo ôn lá, đạo ôn cổ lá, bệnh khô vằn, đốm sọc vi khuẩn, bạc lá… Đợt vừa rồi, một số diện tích xuất hiện tình trạng kém phát triển do thiếu dinh dưỡng và ngộ độc phèn. Trước tình hình đó, xã đã chỉ đạo bà con chủ động bổ sung vôi bột, thau chua, rửa mặn và kết hợp phun các loại thuốc kích thích rễ, bón thêm phân chuồng hoai mục hoặc phân vi sinh. Hiện lúa đã phục hồi tốt và đảm bảo sinh trưởng".

Nông dân Hà Tĩnh tích cực chăm bón lúa xuân “thì con gái”

Hệ thống thủy lợi liên tục cấp nước cho giai đoạn phát triển quan trọng của lúa vụ xuân.

Giai đoạn này, bà con cần tiến hành kiểm tra tình hình sinh trưởng của các trà lúa để bón thúc đòng kịp thời, mang lại hiệu quả cao. Thời điểm bón phù hợp nhất là từ khoảng từ ngày 25/3 đến ngày 5/4. Chú ý bón phân cân đối sẽ giúp đảm bảo số hạt trên bông tốt nhất, cho bông to, cây lúa giữ được bộ lá xanh bền, số hạt chắc, hạn chế đổ ngã, và bùng phát của các loại dịch hại. Trong quá trình cây đang phát triển mạnh để chuẩn bị đứng cái, làm đòng, nhất thiết luôn duy trì mực nước trong ruộng từ 2 - 3cm, không được để thiếu nước.

Đồng thời, cần theo dõi thường xuyên sâu bệnh dễ bùng phát như đạo ôn lá, đạo ôn cổ lá, bệnh khô vằn, đốm sọc vi khuẩn, bạc lá, sâu đục thân, sâu cuốn lá, chuột... để phòng trừ kịp thời, tuân thủ theo các khuyến cáo của ngành chuyên môn

Ông Nguyễn Tống Phong
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast