Nông nghiệp Hà Tĩnh - khi thách thức cũng là cơ hội

(Baohatinh.vn) - Năm 2021, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh phải đối diện với những khó khăn chưa từng có, song cũng là năm gặt hái những “mùa vàng”, đưa tái cơ cấu ngành đi vào chiều sâu…

Vượt khó khăn, đảm đương vai trò trụ đỡ nền kinh tế

Nông nghiệp Hà Tĩnh - khi thách thức cũng là cơ hội

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tổng sản lượng lương thực năm 2021 vẫn đạt trên 62,5 vạn tấn, tăng hơn 4,69 vạn tấn so với năm 2020.

Có thể nói, 2021 là năm nhiều khó khăn của sản xuất nông nghiệp, khi hậu quả của trận lũ lịch sử năm 2020 vẫn chưa thể khắc phục hết thì dịch tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện. Cùng với đó, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc cách ly y tế, phong tỏa các khu dân cư liên tiếp được thiết lập làm gián đoạn kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Ngành nông nghiệp xác định trọng trách vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa làm động lực giữ đà tăng trưởng chung của tỉnh. Để sớm khôi phục sản xuất, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh triển khai các kế hoạch phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 và gắn với đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM”. Trong đó, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các kênh thương mại điện tử; tích tụ ruộng đất; sản xuất áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn… Cùng với đó, thực hiện các giải pháp khống chế nhanh dịch bệnh trên gia súc và triển khai linh hoạt trong cách thức tổ chức sản xuất, thu hoạch…”.

Nông nghiệp Hà Tĩnh - khi thách thức cũng là cơ hội

Sản xuất lúa được mùa cả hai vụ xuân và hè thu, vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa đưa lại thu nhập cao cho bà con nông dân.

Vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 căng thẳng nhất, trong khi nông dân quyết bám đồng, bám vườn thì chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội đều vào cuộc hỗ trợ bà con thu hoạch, tiêu thụ nông sản. Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Thời điểm thu hoạch lúa hè thu 2021, một số địa phương đang thực hiện cách ly y tế, huyện đã trực tiếp điều hành từ máy gặt, tổ chức thu hoạch đến huy động lực lượng hỗ trợ bà con nông dân. Do vậy, năng suất lúa đạt 56 tạ/ha (tăng 2,23 tạ/ha so với cùng kỳ năm 2020), dẫn đầu toàn tỉnh về năng suất và tiến độ thu hoạch; sản lượng đạt 50.887 tấn (tăng hơn 2.194 tấn so với cùng kỳ năm 2020)”.

Không chỉ Cẩm Xuyên, mùa vàng cũng về khắp các địa phương. Trong điều kiện khó khăn chưa từng có, vụ hè thu 2021 xác lập kỷ lục, đưa sản xuất lúa gạo Hà Tĩnh có 2 năm liên tiếp (2020-2021) được mùa toàn diện. Năm 2021, tổng sản lượng lương thực đạt trên 62,5 vạn tấn, tăng hơn 4,69 vạn tấn so với năm 2020. Trong đó, sản lượng lúa đạt trên 58,05 vạn tấn, tăng gần 4,6 vạn tấn so với năm 2020. Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi được khống chế và tái cơ cấu theo hướng an toàn sinh học. Tổng sản lượng thịt hơi các loại xuất chuồng đạt trên 113.440 tấn, đạt 103,5% kế hoạch, đáp ứng nhu cầu thực phẩm nội tỉnh và xuất bán các thị trường.

Nông nghiệp Hà Tĩnh - khi thách thức cũng là cơ hội

HTX Nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm (Hương Khê) tuân thủ quy trình sản xuất cam VietGap, tạo ra những giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và các phong trào xây dựng NTM đã giúp sản xuất nông nghiệp chuyển hướng theo chiều sâu và gia tăng chất lượng, giá trị kinh tế. Toàn tỉnh có 110 sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP; 3.734 ha thực hiện phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn, tích tụ ruộng đất.

Theo số liệu đánh giá, đến cuối năm 2021, tăng trưởng toàn ngành đạt trên 3,78%; tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh) đạt 13.579 tỷ đồng (tăng 3,9% so với năm 2020); giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích ước đạt trên 93 triệu đồng/ha; chăn nuôi duy trì tỷ trọng chiếm trên 53% trong cơ cấu nông nghiệp; tỷ lệ độ che phủ rừng trên 52%.

Vững chắc “bệ phóng” đưa nông nghiệp số phát triển

Ở góc độ lạc quan nhất, dịch COVID-19 đã mở ra cơ hội mới cho sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh. Tỉnh đã hoàn thành thu thập thông tin, số hóa dữ liệu cho 2.859 hộ SXKD bưởi Phúc Trạch thuộc 2 doanh nghiệp, 6 HTX, 128 tổ hợp tác và 13 vùng hộ sản xuất tự do với diện tích 899 ha; 1.848 ha của 274 HTX, tổ hợp tác với 1.555 hộ sản xuất cam chanh, cam bù. Bưởi, lúa gạo, cam… lần lượt “lên sóng” thương mại điện tử và thâm nhập vào hệ thống phân phối hiện đại như: Vinmart, Co.opmart, các sàn thương mại điện tử.

Nông nghiệp Hà Tĩnh - khi thách thức cũng là cơ hội

Vào tháng 9/2021, Bưởi Phúc Trạch đã kết nối tiêu thụ trên 6 sàn thương mại điện tử.

Sản xuất tiến dần theo hướng tiêu chuẩn, quy chuẩn và hữu cơ, Hà Tĩnh có 300 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP, VietGAHP, HACCP, GMP; 1 cơ sở chế biến gạo có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 22000. Hiện, nông sản Hà Tĩnh đã tham gia 25 chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn; hơn 19.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh được cập nhật thông tin dữ liệu, trong đó, 500 cơ sở cập nhật phần mềm quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc.

Ông Lê Vạn Hải - Giám đốc HTX Gia Phúc (xã Thường Nga, Can Lộc) cho biết: “Với 30 ha diện tích sản xuất, HTX đã thực hiện số hóa tất cả các dữ liệu từ quy trình chăm sóc, bón phân, bảo vệ thực vật đến truy xuất nguồn gốc, thu hoạch… Chúng tôi đang tiếp tục đầu tư sâu hơn về công nghệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm hướng đến mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, sinh thái, an toàn và xuất khẩu”.

Nông nghiệp Hà Tĩnh - khi thách thức cũng là cơ hội

Để đáp ứng yêu cầu về sản xuất và tiêu thụ, HTX Gia Phúc (xã Thường Nga, Can Lộc) đầu tư các mô hình chuyển đổi số để gia tăng giá trị sản xuất và hướng đến thị trường xuất khẩu.

Năm 2022, ngành nông nghiệp phấn đấu đưa tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt hơn 13.928 tỷ đồng; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt trên 96 triệu đồng/ha. Trong năm, có thêm 3 xã NTM, 15 xã NTM nâng cao, 3 xã NTM kiểu mẫu và 1 huyện hoàn thành các nội dung thuộc ngành đạt chuẩn NTM.

“Cánh cửa lớn” mở ra khi BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Khắp các địa phương đang sôi nổi thực hiện “cuộc cách mạng” chuyển đổi ruộng đất, quy hoạch theo hướng quy mô lớn, chuyên canh và liên kết với doanh nghiệp. Đây là cơ hội để sản xuất lúa gạo tiếp tục khẳng định năng suất, giá trị và “chinh phục” thị trường rộng lớn. Cùng với đó, các chính sách về hỗ trợ xúc tiến thương mại của tỉnh đang tạo động lực mới trong sản xuất và sự chuyển mình của bà con nông dân trước thử thách của chuyển đổi số và thương mại điện tử, góp phần khẳng định thương hiệu Hà Tĩnh trên bản đồ nông sản Việt Nam.

Nông nghiệp Hà Tĩnh - khi thách thức cũng là cơ hội

Vụ xuân 2022, sản xuất lúa tiếp tục bước vào giai đoạn mới khi các cơ chế, chính sách đang “mở đường” cho những cánh đồng lớn.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt cho biết thêm: “Năm 2022, ngành nông nghiệp tiếp tục cụ thể hóa, tham mưu triển khai các phương án, nội dung phát triển ngành, sản phẩm nông nghiệp theo quy hoạch tỉnh; chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ theo mục tiêu nghị quyết đại hội Đảng các cấp đề ra nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp toàn diện, đưa tái cơ cấu ngành đi vào chiều sâu gắn với xây dựng tỉnh NTM bền vững. Cùng với đó, triển khai kế hoạch sản xuất ứng phó an toàn, linh hoạt trong bối cảnh dịch COVID-19”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast