Sở NN&PTNT Hà Tĩnh chỉ cách phòng trừ dịch hại trên lúa hè thu

(Baohatinh.vn) - Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, thời tiết thời gian tới tiếp tục nắng nóng, xen kẽ có mưa rào là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại.

Sở NN&PTNT Hà Tĩnh chỉ cách phòng trừ dịch hại trên lúa hè thu

Thời tiết nắng nóng, xen kẽ có mưa rào là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại.

Sở NN&PTNT vừa có văn bản hướng dẫn phòng trừ dịch hại trên lúa hè thu 2022, trong đó cho biết, thời điểm này, các trà lúa hè thu ở giai đoạn làm đòng, một số diện tích gieo cấy giống ngắn ngày (BT09, HN6, PC6,…) tại các xã Thạch Trị, Thạch Lạc, Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Khê… (Thạch Hà), Kỳ Tiến, Kỳ Phong, Kỳ Bắc, Kỳ Văn… (huyện Kỳ Anh) bước vào thời kỳ trổ bông, dự kiến lúa Hè Thu trổ tập trung từ 10 - 15/8.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đến ngày 29/7/2022, rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại mật độ phổ biến 300 - 500 con/m2, nơi cao 800 - 1.500 con/m2, chủ yếu rầy tuổi 3, tuổi 4, diện tích nhiễm 11ha, phân bố chủ yếu tại: Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Kỳ Anh,…

Dự báo rầy nâu, rầy lưng trắng lứa tiếp theo sẽ xuất hiện và gây hại từ thời điểm 10/8/2022 trở đi trùng với giai đoạn lúa trổ bông - chín sữa và có thể gây cháy cục bộ ở một số diện tích nếu không phòng trừ kịp thời; bệnh khô vằn phát sinh gây hại ở hầu hết các địa phương, tỷ lệ bệnh trung bình 5-7%, nơi cao 20-25%, diện tích nhiễm 229ha; bệnh bạc lá phát sinh gây hại trên giống Nếp, KD18, phân bố tại Cẩm Xuyên, Đức Thọ,…; chuột gây hại rải rác trên toàn tỉnh, diện tích nhiễm 139ha.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, thời tiết thời gian tới tiếp tục nắng nóng, xen kẽ có mưa rào là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại.

Để chủ động phòng trừ các đối tượng dịch hại, bảo vệ an toàn sản xuất vụ hè thu 2022, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung điều tiết, duy trì đủ nước tạo điều kiện thuận lợi cho lúa làm đòng, trổ bông nhất là đối với số diện tích cuối kênh, cao cưỡng có thể xảy ra hạn cục bộ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển; phân công cán bộ bám sát cơ sở, thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, đôn đốc, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại trên lúa:

- Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng: Trước mắt, tập trung xử lý triệt để các diện tích hiện nay đã xuất hiện rầy để hạn chế nguồn phát tán, lây lan trên đồng ruộng; thường xuyên giám sát đồng ruộng thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, chú trọng vùng thấp trũng, vùng hàng năm rầy thường phát sinh gây hại; chủ động cảnh báo, hướng dẫn các địa phương và bà con nông dân tiến hành phun trừ kịp thời khi rầy tuổi 1, tuổi 2. Thời điểm tổ chức phòng trừ lứa rầy tiếp theo xung quanh 10/8/2022, căn cứ thời điểm rầy nở rộ, mật độ rầy tại từng địa phương để tiến hành phòng trừ đảm bảo hiệu quả. Giai đoạn trước trổ bông, sử dụng một trong các loại thuốc: Chess 50WG, Sutin 50SC, Osago 80WG, Dantotsu 50WG, Ba Đăng 300WP, ...Giai đoạn lúa sau trổ, sử dụng một trong các loại thuốc: Bassa 50EC, Didifox 40EC...

Lưu ý: Khi phun thuốc phải rẽ lúa thành những băng rộng 0,5-0,6m, điều tiết nước hợp lý, phun đảm bảo cho thuốc tiếp xúc với rầy, sau khi phun thuốc 4-5 ngày kiểm tra nếu mật độ rầy trên đồng ruộng còn cao tiến hành phun lại lần 2.

Sở NN&PTNT Hà Tĩnh chỉ cách phòng trừ dịch hại trên lúa hè thu

Sở NN&PTNT khuyến nghị tập trung xử lý triệt để các diện tích hiện nay đã xuất hiện rầy để hạn chế nguồn phát tán, lây lan trên đồng ruộng

- Đối với bệnh khô vằn: Tập trung điều tra phát hiện và hướng dẫn phun phòng trừ kịp thời khi bệnh chớm xuất hiện, sử dụng một trong các loại thuốc: Vida 5WP, Validacin 5SL, Anvil 5SC, Nevo 330EC, Tilt super 300ND,...

- Đối với bệnh bạc lá: Tập trung xử lý kịp thời số diện tích đã nhiễm bệnh, đồng thời thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, chủ động phun phòng trừ bệnh bạc lá trên diện tích gieo cấy các giống lúa nhiễm bệnh như TH3-3, TH3-5, nếp, KD18, Nhị ưu 838,Thái Xuyên 111,… và những diện tích hàng năm bệnh phát sinh gây hại, sử dụng một trong các loại thuốc: Starner 20WP, Kamsu 2SL, Xantocin 40WP,...

- Đối với chuột: Tổ chức ra quân diệt chuột, tập trung đồng loạt; giai đoạn lúa làm đòng là thời điểm chuột sinh sản và nuôi con, sử dụng biện pháp diệt chuột thủ công đạt hiệu quả cao như: Đào hang hoặc dùng các loại bẩy cơ học.

Lưu ý: Trong quá trình sử dụng thuốc phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và thực hiện việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định. Bên cạnh đó cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, chấu chấu, bọ xít đen,…để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Trong quá trình thực hiện có những vấn đề còn vướng mắc phản ánh kịp thời về Sở NN&PTNT (qua Chi cục Trồng trọt và BVTV, số 04 Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP Hà Tĩnh).

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast