Sản xuất lúa vụ hè thu 2022: “Căng” thời vụ, lo ngại dịch bệnh tấn công

(Baohatinh.vn) - Thời vụ gấp gáp, nguy cơ dịch bệnh tấn công do thời tiết diễn biến thất thường đang khiến các địa phương tại Hà Tĩnh phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất lúa vụ hè thu năm 2022.

Thời vụ gieo cấy chậm 7 - 10 ngày

Sản xuất lúa vụ hè thu 2022: “Căng” thời vụ, lo ngại dịch bệnh tấn công

Cánh đồng lúa của thôn Thọ (xã Thạch Liên, Thạch Hà) nước đã về đến chân ruộng nhưng nông dân vẫn chưa kịp cày ải để xuống giống.

Các năm trước, vào thời điểm này, cánh đồng sản xuất lúa của thôn Thọ (xã Thạch Liên, Thạch Hà) đã cơ bản hoàn thành xuống giống vụ hè thu, thế nhưng năm nay, cánh đồng này mới chỉ hoàn thành gần 50% diện tích được cày ải, làm đất.

Ông Trần Xuân Bắc (xã Thạch Liên) cho biết: “Vụ này tôi gieo cấy gần 1 mẫu ruộng nhưng chỉ mới xuống giống được gần 4 sào, còn lại đang “trông” hết vào máy làm đất. Thời điểm này cũng là thời vụ xuống giống một số cây trồng cạn nên việc huy động máy móc làm đất cũng khó khăn hơn. Cứ đà này thì chúng tôi đang rất lo đến kì thu hoạch sẽ gặp đúng đợt mưa, bão lớn”.

Sản xuất lúa vụ hè thu 2022: “Căng” thời vụ, lo ngại dịch bệnh tấn công

Nhiều diện tích sản xuất ở các huyện lúa trọng điểm như Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ, Cẩm Xuyên... vẫn chưa hoàn thành việc làm đất.

Theo ông Lê Văn Thuận - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà, dù huyện đã chỉ đạo bà con tranh thủ thời gian và huy động tối đa máy móc xuống đồng, tuy nhiên, do tiến độ thu hoạch lúa xuân vẫn chậm hơn cùng kỳ nhiều năm từ 8 - 10 ngày nên thời vụ sản xuất hè thu cũng bị kéo giãn ra. Nhằm đảm bảo "ăn chắc”, né tránh thiên tai, huyện tập trung chỉ đạo làm đất đến đâu gieo cấy đến đó, tập trung cơ cấu các giống ngắn ngày (dưới 100 ngày), nhất là ở những vùng khả năng ngập lụt cao.

Trong khi đó, ở TX Hồng Lĩnh, tiến độ làm đất mới đạt gần 40%, gieo thẳng đạt gần 10%, vì thế, việc hoàn thành theo kế hoạch của tỉnh trước 10/6 rất khó thành hiện thực.

Ông Hoàng Thanh Sơn - Trưởng phòng Kinh tế TX Hồng Lĩnh cho biết: “Tập trung cao thì cũng phải trong khoảng từ 15 - 20/6 địa phương mới cơ bản xong gieo cấy vụ hè thu. Ngoài ra, các chi phí sản xuất đầu vào như phân bón, lúa giống, máy cày, thuốc bảo vệ thực vật… đều tăng cao khiến nhiều người dân không mặn mà đầu tư sản xuất. Theo dự báo thời tiết, những ngày tới, Hà Tĩnh sẽ có mưa rào và dông, tập trung vào chiều và đêm nên địa phương đang chỉ đạo, đốc thúc người dân tranh thủ từng khoảng thời gian thuận lợi để gieo cấy lúa hè thu".

Sản xuất lúa vụ hè thu 2022: “Căng” thời vụ, lo ngại dịch bệnh tấn công

Đến thời điểm này, toàn tỉnh mới hoàn thành làm đất được hơn 75.000 ha (đạt hơn 80% diện tích), xuống giống được hơn 18.000 ha (đạt hơn 38% diện tích).

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh (Sở NN&PTNT), sản xuất lúa vụ hè thu năm nay chậm diễn ra đồng thời ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Đến thời điểm này, toàn tỉnh mới hoàn thành khoảng 36.000 ha đã làm đất (đạt hơn 80% diện tích), xuống giống hơn 17.000 ha (đạt hơn 38% diện tích). Một số địa phương tiến độ cày ải, làm đất còn khá chậm như TX Hồng Lĩnh (hơn 40%), Hương Sơn (65%), TP Hà Tĩnh (gần 50%), Lộc Hà (gần 70%)…

Nguyên nhân chung là do toàn tỉnh thu hoạch lúa vụ xuân kết thúc muộn hơn cùng kỳ nhiều năm từ 7 - 10 ngày. Điều này buộc các địa phương phải tập trung trong công tác chỉ đạo, huy động tối đa máy móc làm đất, lấy nước điều tiết thời vụ, đồng thời hỗ trợ nông dân gieo cấy thuận lợi.

Đồng thời với đó, cơ cấu giống lúa phù hợp (nằm trong khung thời gian sinh trưởng 100 ngày) như N98, N87, Khang Dân đột biến, Khang Dân 18, Xuân Mai 12…

Sản xuất lúa vụ hè thu 2022: “Căng” thời vụ, lo ngại dịch bệnh tấn công

Ông Trần Văn Nam (thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) phun phòng trừ bọ trĩ ngay khi xuống giống xong.

Dự báo nhiều loại sâu bệnh tấn công

Hiện nay, thời tiết vẫn còn nhiều diễn biến thất thường, mưa nắng đan xen, nền nhiệt thay đổi đột ngột. Điều này đã tạo môi trường tiểu khí hậu thích hợp cho sinh vật gây hại dễ phát sinh lây lan, nhất là ở giai đoạn đầu vụ.

Ông Trần Văn Nam (thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) chia sẻ : “Theo kinh nghiệm nhiều năm, ở thời kỳ mạ, lá lúa non, mềm mỏng thường xuất hiện bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ. Trước khi gieo, tôi làm khá kỹ khâu làm đất và đã tiến hành phun thuốc phòng trừ ngay khi xuống giống xong”.

Trong khi đó, nhiều bà con nông dân huyện Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Thạch Hà... còn đầu tư rải thêm lượng vi sinh để phân giải gốc rạ ngay sau khi kết thúc mùa vụ trước, vừa vệ sinh đồng ruộng sạch hơn để chuẩn bị cho khâu làm đất, vừa xử lý các mầm bệnh có thể tiềm ẩn trong rơm rạ cũ. Một số bà con còn cẩn thận làm cỏ bờ, phát quang để hạn chế tối đa khả năng lưu trú của mầm bệnh có thể gây ảnh hưởng đến vụ sản xuất hè thu.

Sản xuất lúa vụ hè thu 2022: “Căng” thời vụ, lo ngại dịch bệnh tấn công

Người dân cần chú ý xử lý tốt khâu làm đất, có thể dùng các loại vi sinh để phân giải gốc rạ, làm đất được tơi xốp, thuận lợi cho gieo sạ.

Theo dự báo của ngành chuyên môn, vụ sản xuất hè thu năm nay có khả năng sẽ phải đối mặt với một số sâu bệnh hại như sâu cuốn lá nhỏ, bọ trĩ, rầy nâu, rầy lưng trắng, chuột, bệnh khô vằn… Ở giai đoạn đầu vụ sẽ là hai đối tượng chủ yếu: bọ trĩ và sâu cuốn lá nhỏ.

Lịch thời vụ gieo cấy lúa hè thu không còn nhiều, đề nghị các địa phương tập trung huy động nhân lực, vật lực để đẩy nhanh tiến độ gieo cấy. Nhất thiết phải hoàn thành trong khung từ ngày 10 - 15/6; cơ cấu giống lúa phù hợp, nhất là các vùng dễ bị ngập lụt, phải đảm bảo thu hoạch trước ngày 10/9. Cùng với đó, người dân cần chú ý xử lý tốt khâu làm đất; bón phân cân đối, đầy đủ nhóm chất, gia tăng các sản phẩm như phân chuồng ủ hoai để giảm thiểu chi phí trong sản xuất; thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm, phòng trừ ngay các loại dịch bệnh gây hại.

Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.