Thị xã Kỳ Anh đã hết dịch tả lợn châu Phi

(Baohatinh.vn) - Sau hơn 30 ngày kể từ ca bệnh cuối cùng chết và không phát sinh mới lợn ốm chết, UBND thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã ra quyết định công bố hết dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Đến nay, 9/11 xã, phường của TX Kỳ Anh (trừ xã Kỳ Nam, Kỳ Hà chưa phát dịch) đã qua 30 ngày kể từ ca bệnh cuối cùng chết và không phát sinh mới lợn ốm, chết.

Căn cứ các quy định, UBND TX Kỳ Anh đã ra Quyết định số 548/QĐ-UBND ngày 20/2/2020 về việc công bố hết DTLCP trên địa bàn.

Thị xã Kỳ Anh đã hết dịch tả lợn châu Phi

Tiêu hủy số lợn bị nhiễm bệnh tại trại chăn nuôi thuộc Biên phòng cửa khẩu Vũng Áng - Sơn Dương vào tháng 9/2019

Trước đó, từ ngày 18/9/2019 đến ngày 3/1/2020, DTLCP xảy ra tại 72 hộ chăn nuôi ở 26 thôn, tổ dân phố, của 9 xã, phường (Kỳ Lợi, Hưng Trí, Kỳ Phương, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Hoa, Kỳ Ninh, Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh).

DTLCP trên địa bàn TX Kỳ Anh đã làm chết và tiêu hủy 642 con lợn với trọng lượng 25.469 kg.

Ngay khi phát hiện dịch bệnh, các cơ quan chức năng đã khẩn trương triển khai công tác phòng chống, dập dịch, xử lý triệt để, đồng bộ theo hướng dẫn và sự chỉ đạo từ các ngành chức năng, tổ chức tốt các chốt phòng dịch; sử dụng 496 lít hóa chất và 14.300 kg vôi bột phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Thị xã Kỳ Anh đã hết dịch tả lợn châu Phi

HTX Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp thanh niên xã Kỳ Hoa thường xuyên phun hóa chất quanh khu vực ra vào HTX

Ông Phan Duy Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết: “Hiện nay, tổng đàn lợn trên địa bàn thị xã đang còn khá lớn (hơn 6.500 con), thời tiết giao mùa hiện nay thuận lợi cho mầm bệnh phát triển.

Vì vậy, dù công bố hết dịch tả lợn châu Phi, TX Kỳ Anh vẫn tiếp tục chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị và kinh tế, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật & Bảo vệ cây trồng vật nuôi thị xã phối hợp với UBND các xã, phường và các đơn vị liên quan tiếp tục giám sát tình hình dịch bệnh, áp dụng các biện pháp phòng dịch theo quy định, đặc biệt, tại khu vực ổ dịch cũ, các hố chôn xác lợn; hướng dẫn người dân tiêu độc, khử trùng môi trường khu vực chăn nuôi, khu vực có nguy cơ cao nhằm tránh dịch bệnh tái phát…”.

Chủ đề Dịch bệnh cây trồng - vật nuôi

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast