Thịnh Lộc trước nguy cơ trắng đồng do mạ chết rét

(Baohatinh.vn) - Vụ lúa xuân năm nay đã bắt đầu trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng nhiều hộ dân Thịnh Lộc (Lộc Hà) lại đang “dở khóc, dở mếu” vì xuống giống không đúng lịch thời vụ, gặp rét nên mạ gần như chết “trắng”, nguy cơ bỏ trống ruộng rất cao.

Diện tích mạ còn lại ở Thịnh Lộc được che phủ ni-lon chống rét.
Diện tích mạ còn lại ở Thịnh Lộc được che phủ ni-lon chống rét.

Theo thống kê, trong 7 thôn của xã thì có đến 4 thôn (Yêm Điềm, Hồng Thịnh, Hồng Phong và Quang Trung) không có mạ cấy. Nguyên nhân là bởi nông dân không tuân thủ chủ trương của các cấp, ngành về lịch nông vụ và việc thay thế giống lúa cũ bằng giống lúa mới.

Trước đó, Sở NN&PTNT đã khuyến cáo giống lúa IR1820 không cơ cấu sản xuất vì thời gian sinh trưởng dài (190-200 ngày), khả năng chịu rầy nâu kém, khâu đầu tư cao dẫn đến năng suất, hiệu quả kinh tế thấp. Trong khi đó, giống B-TE1 mới đưa vào sử dụng đã được đánh giá là triển vọng cao. Đây là giống lúa lai 3 dòng, năm 2007 được đưa vào áp dụng tại đồng bằng sông Cửu Long; năm 2008 cho sản xuất đại trà tại miền Bắc.

Điều đáng chú ý là giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn: vụ đông xuân 135-145 ngày, vụ mùa 120-125 ngày. Không chỉ thế, B-TE1 cấy mật độ 30-40 khóm/m2 nên tiết kiệm được giống và ngày công, khả năng chịu rầy nâu tốt, kháng được bệnh bạc lá, năng suất bình quân vụ xuân đạt 90 tạ/ha, vụ mùa dù điều kiện thời tiết bất thuận, dịch hại nhưng ước đạt 70 tạ/ha.

Thực hiện chỉ đạo của các cấp, ngành, lãnh đạo xã Thịnh Lộc đã trực tiếp đến các thôn cũng như tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương chuyển đổi giống mới. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn đi lệch chủ trương vì “tin” rằng, chỉ những giống lúa như 1820 mới phù hợp với đồng đất và cho năng suất cao. Hệ quả là hiện nay, nhiều diện tích mạ của 4/7 thôn ở Thịnh Lộc đã mất trắng.

Đơn cử như gia đình ông Dương Văn Khoán (thôn Hồng Phong) bắc 35 kg, trong đó phần đa là giống IR1820, nay đã chết hết; gia đình bà Viễn Đông (thôn Yêm Điềm) cũng tương tự. Được biết, hiện một số gia đình này đã “chữa cháy” bằng việc bắc lại mạ bằng giống B-TE1 và tiến hành phủ nilon.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Dong - Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết: Thực hiện đề án của tỉnh bỏ trà xuân sớm, thay vào đó các giống lúa khác thuộc trà xuân trung và xuân muộn như tập đoàn X, B-TE1, ngay từ đầu, xã cũng đã trợ giá cho người dân vì giống B-TE1 khá đắt. Tuy nhiên, người dân ở một số thôn không thực hiện, vẫn tiến hành bắc mạ xuân sớm, gặp rét nên mạ chết nhiều và nguy cơ bỏ trống ruộng rất cao.

“Xã sẽ kiên quyết chỉ đạo khắc phục tình trạng này, nhất quyết không để ruộng hoang. Trước mắt, chính quyền xã sẽ phối hợp với các ban ngành tăng cường các giống xuân muộn như xuân mai, nếp 97, 98” - ông Dong cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của PV, trường hợp mạ chết rét do người dân không tuân thủ chỉ đạo của tỉnh và ngành chuyên môn về cơ cấu giống cũng như lịch thời vụ như xã Thịnh Lộc không phải cá biệt. Vì vậy, các ban ngành cần có biện pháp tuyên truyền, vận động tích cực hơn nữa để người dân luôn bám sát chủ trương trong sản xuất, đảm bảo vụ mùa thắng lợi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast