Thu nhập cao từ sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi, nông dân huyện Kỳ Anh phấn khởi mở rộng diện tích

(Baohatinh.vn) - Sau 2 vụ sản xuất thí điểm, mô hình “Sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ” tại thôn Đậu Giang, xã Kỳ Khang (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) đã khẳng định hiệu quả kinh tế, tạo động lực để bà con tiếp tục mở rộng diện tích trong vụ xuân 2023.

Video: Người dân, chính quyền xã Kỳ Khang nói về hiệu quả của mô hình.

Thôn Đậu Giang, xã Kỳ Khang là vùng thấp trũng (cạnh kênh Nhà Lê), nguồn nước mặn lợ ở đây từng có khá nhiều rươi tự nhiên, tuy nhiên, trong một thời gian dài, do người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nên rươi cũng như các loại sinh vật sống trên đồng ruộng dần biến mất.

Vụ xuân 2022, thực hiện chủ trương sản xuất lúa hàng hóa theo hướng hữu cơ, huyện Kỳ Anh bắt đầu triển khai thí điểm mô hình “Sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ” tại thôn Đậu Giang với diện tích 5 ha. Mô hình có 8 hộ tham gia, trong đó, một số hộ có diện tích lớn như: ông Nguyễn Văn Huấn (hơn 1,5ha), ông Nguyễn Hữu (gần 1ha)...

Thu nhập cao từ sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi, nông dân huyện Kỳ Anh phấn khởi mở rộng diện tích

Ban ngày, nước được lấy ngập cánh đồng; ban đêm, hệ thống cống sẽ được mở để rươi trôi theo dòng nước vào trong túi lưới được giăng sẵn.

Là người từng có thu nhập từ rươi tại vùng đất này vài chục năm trước, ông Nguyễn Văn Huấn hết sức phấn khởi khi biết chủ trương khôi phục sản phẩm rươi tự nhiên và sản xuất lúa hữu cơ của thôn và xã.

Ông Huấn chia sẻ: “Từ khi con rươi không còn sinh sôi tại vùng đất này, tôi đã có dự định chuyển sang sản xuất hữu cơ để khôi phục rươi tự nhiên nhưng chưa thực hiện được. Khi có chủ trương của xã, lại được liên kết với doanh nghiệp, được hướng dẫn kỹ thuật và tạo nhiều điều kiện trong quá trình sản xuất, tôi rất vui. Vì vậy, tôi đã đăng ký sản xuất thí điểm ngay từ vụ đầu tiên”.

Thu nhập cao từ sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi, nông dân huyện Kỳ Anh phấn khởi mở rộng diện tích

Một trong những cống đóng mở nước để bắt rươi.

Với 1,5 ha đất sản xuất lúa, dưới sự hướng dẫn của Ban Khuyến nông xã, ông Huấn đã quy hoạch lại để vừa đảm bảo nâng cao năng suất lúa vừa đảm bảo rươi phát triển tốt và thuận lợi trong thu hoạch.

Thực hiện liên kết với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, vụ đầu tiên ông sản xuất hết diện tích, sử dụng giống lúa mới chất lượng cao ST25. Với việc áp dụng triệt để kỹ thuật sản xuất theo hướng hữu cơ, mặc dù không sử dụng thuốc BVTV nhưng lúa vẫn phát triển bình thường, không bị sâu bệnh.

Thu nhập cao từ sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi, nông dân huyện Kỳ Anh phấn khởi mở rộng diện tích

Ông Nguyễn Văn Huấn (bên phải) đang kiểm tra rươi và các sinh vật vừa được tái sinh trên đồng ruộng.

Vụ xuân 2022, ông thu về 7 tấn lúa, với giá bán 20 nghìn đồng/kg (cao gấp 3,5 lần giá giống lúa thường), sau khi trừ hết các khoản chi phí, lãi 100 triệu đồng. Đặc biệt, sản phẩm không đủ đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường.

Vụ hè thu vừa qua, mô hình “Sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ” tại thôn Đậu Giang tăng lên 17,5 ha với 40 hộ tham gia.

Thu nhập cao từ sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi, nông dân huyện Kỳ Anh phấn khởi mở rộng diện tích

Ốc bươu đen là một trong những loài được tái tạo nhanh nhất sau khi cánh đồng thôn Đậu Giang không còn thuốc BVTV.

Điều đáng mừng nhất là sau 2 vụ tiến hành sản xuất hoàn toàn theo hướng hữu cơ, không còn thuốc BVTV, rươi đã bắt đầu xuất hiện và phát triển khá nhanh; các loại sinh vật sống ở ruộng như: niềng niễng, cà cuống, cáy… được tái sinh; các loại ốc, cá, cua đồng cũng xuất hiện ngày càng nhiều.

Thời gian này, ông Huấn cũng như các hộ dân tham gia mô hình ở đây đã thu được khá nhiều rươi và một số sản phẩm như: ốc bươu đen, cà cuống...

Thu nhập cao từ sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi, nông dân huyện Kỳ Anh phấn khởi mở rộng diện tích

Thành quả bước đầu sau 2 vụ sản xuất hữu cơ tại cánh đồng thôn Đậu Giang là rươi đã sinh sôi trở lại.

Trên đà phát triển, vụ xuân 2023 này - vụ thứ 3 triển khai sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ, toàn thôn có thêm gần 13 ha, đưa tổng diện tích mô hình lên hơn 30 ha với 87 hộ tham gia.

Mặc dù thời gian chưa dài nhưng hiệu quả bước đầu mang lại trong thực hiện chủ trương sản xuất lúa hữu cơ, tái tạo rươi tự nhiên đã được khẳng định rõ.

Ông Nguyễn Tiến Dân - Bí thư Chi bộ thôn Đậu Giang chia sẻ: “Việc sản xuất hữu cơ với giống lúa chất lượng cao và sản phẩm rươi tự nhiên được tái tạo đã giúp hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao thu nhập cho người dân. Điều đáng phấn khởi hơn là từ hướng sản xuất đó, người dân được nâng cao nhận thức, ý thức về việc sử dụng thuốc BVTV”.

Thu nhập cao từ sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi, nông dân huyện Kỳ Anh phấn khởi mở rộng diện tích

Rươi non xuất hiện khắp các thửa ruộng của mô hình “Sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ” tại thôn Đậu Giang

Thời gian tới, bên cạnh tập trung mở rộng thêm diện tích, xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc tái tạo và phát triển rươi tự nhiên, xã sẽ tranh thủ tối đa chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện để “tiếp sức” cho bà con. Bên cạnh đó, tiếp tục liên kết chặt chẽ với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm để hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến bảo quản và tiêu thụ sản phẩm lúa hữu cơ chất lượng cao. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, đảm bảo vệ sinh môi trường trên đồng ruộng.

Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Khang Hồ Lương Hùng

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast