Về Tượng Sơn xem dân trồng rau sạch

(Baohatinh.vn) - Nhắc tới rau, ai cũng hiểu là nhu cầu thực phẩm thiết yếu hàng ngày của mỗi gia đình, nhưng trồng được rau sạch thật không dễ. Qua việc trồng rau ở vùng đất ven đô xã Tượng Sơn (Thạch Hà) mới hiểu, ngoài yếu tố cần cù, người dân còn phải sớm nắm bắt, lĩnh hội những kiến thức làm ăn mới.

“Xem bụt” phải đến “tận chùa”

Trong buổi làm việc cách đây vài tháng, tôi nghe ông Nguyễn Phi Quang (thời điểm đó là Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà) trao đổi một vài thông tin khá lạc quan rằng: Không chỉ Thạch Văn mở rộng diện tích chuyên canh trồng rau, mà xã Tượng Sơn nằm ven TP Hà Tĩnh bây giờ cũng kín màu xanh của rau. Anh nên dành thời gian về tận nơi mới hiểu được sự đột biến này.

Về Tượng Sơn xem dân trồng rau sạch ảnh 1
Bí xanh Tượng Sơn

Tới xã Tượng Sơn, ngợp trước mắt tôi 4 phía ngun ngút màu xanh. Ông Phan Văn Thìn - Chủ tịch UBND xã, người có thâm niên làm cán bộ cấp cơ sở tâm sự: “Ở mô thì tui không biết, chứ đất Tượng Sơn này, ban đầu, nói chuyện trồng rau không dễ chút nào. Xưa nay, không ai xem rau là sản phẩm hàng hóa, chủ yếu trồng đủ dùng, không phải ra chợ mua là được. Mặt khác, gặp thời tiết bất lợi, rau chết thì uổng công, mất thời gian”.

Để xóa dần những tư tưởng mang tính cố hữu này, điều cần nhất là đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn phải biết làm “dân vận khéo”. Trước “nói làm sao dân nghe”, sau nữa, những điều mình thuyết trình phải có cơ sở để dân tin. Những chuyến đi xa học hỏi kinh nghiệm hay đụng đến “túi ngân sách”, chính quyền xã tự lo liệu kinh phí. Biết vậy, nhưng Tượng Sơn vẫn mạnh dạn đưa cán bộ và dân đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ Đông Anh (Hà Nội), Nam Sách (Hải Dương) đến Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Đến đâu, mọi người cũng có chung nhận định: đất đai họ ít và không màu mỡ bằng đất mình, tại sao họ làm được mà Tượng Sơn lại không. Nếu không mở thêm nghề trồng rau thì đất vẫn thừa, dân vẫn nghèo. Từ những chuyến tham quan bổ ích và hứng khởi ấy, bước đầu, người dân Tượng Sơn mới thấm thía: “làm ăn, hai chữ quen mà lạ”. Họ giàu hơn mình vì họ dám đổi mới, xóa bỏ lối làm ăn manh mún, lạc hậu.

Men theo lối đồng để tới những cánh đồng rau vừa được quy hoạch, Chủ tịch Thìn bảo tôi: “Ngày trước, nhà thơ Hoàng Trung Thông vẽ hình ảnh anh chủ nhiệm “áo nâu bạc màu bay với gió”, rồi “chạy ngược chạy xuôi chân rối rít”. Bây giờ, ông chủ tịch xã ăn mặc lịch sự và áp lực công việc cũng lớn hơn nhiều. Mình định hướng cho dân, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ trên chưa đủ mà phải làm thực sự để khích lệ dân”.

Theo lời tự bạch của ông Thìn, ban đầu, ông huy động nhân lực trong gia đình đưa trâu ra cày đất, nhổ cỏ, đánh luống và tự mình đi chặt tre vườn thiết kế giàn để trồng bí xanh. Chưa đầy tuần lễ sau, có 4 gia đình học và làm theo. Những vườn bí thử nghiệm đầu tiên được sự chăm sóc của bà con, được hít dưỡng không khí trong lành cứ thế đội đất lên, đua nhau trổ ngọn, quấn quýt lên giàn. Những giàn bí phô đầy nụ hoa vàng pha cái nắng tươi ròng đất Tượng Sơn, tíu tít gọi ong về thụ phấn. Không cần đợi lâu, thứ giống bí khỏe sức nhờ được nuôi dưỡng tốt, quả xanh chăng đầy giàn.

Năm 2009, những vườn bí thử nghiệm ở xóm ông Thìn cho kết quả 3,5-4 tấn/sào. Nếu mỗi kg bí giá 4.000 đồng thì mỗi ha có thể thu nhập 320 triệu đồng.

Đi từ nhỏ tới lớn

“Năm 2009, chính quyền xã Tượng Sơn mở đợt tập huấn trồng rau cho bà con nông dân, có 23 hộ đăng ký. Năm đó, học xong, họ bắt tay sản xuất ngay và 2,3 ha rau làm mô hình thí điểm và đã thành công”, anh Tuấn - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã cho hay.

Anh Tuấn tiết lộ, năm 2010, địa phương chủ động mời cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh kiểm tra mẫu đất, nước, sản phẩm. Sở khẳng định: đây là loại rau sạch, đủ điều kiện hội nhập vào thị trường và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, dân có thể an tâm sản xuất.

Về Tượng Sơn xem dân trồng rau sạch ảnh 2
Những ngày đầu triển khai mô hình sản xuất rau - củ - quả chất lượng cao ở Tượng Sơn

Từ vụ bí xanh đầu tiên của ông chủ tịch xã tung ra thị trường đã phát đi một tín hiệu mới, thương lái về đất Tượng Sơn mua sản phẩm ngay tại chân vườn. Tôi tìm gặp 2 hộ làm rau nổi tiếng đất này là ông Trần Danh Sơn và Nguyễn Phi Dũng tại cánh đồng Tây Nương Lộ (xóm Thượng Vũ). Thấy từng ô rau, quả được dàn xếp vuông vắn như một bàn cờ khổng lồ: chỗ này bí xanh, chỗ kia dưa chuột, mướp đắng và cơ man rau cải, mùng tơi... Một vành đai xanh tươi đã đẩy lùi sự cố hữu trên mảnh đất khô cằn, ngày trước chỉ sản xuất 1 vụ lúa xuân, bây giờ, trồng rau mỗi năm 3 vụ, lợi nhuận gấp 6 lần.

Ông Nguyễn Phi Dũng - bộc bạch: “Lúc đầu, tôi cứ nghĩ đất ni thì rau phát triển răng được. Nhưng dừ chú coi, cứ nhìn thấy cây, củ, quả là đã thèm hái rồi. Thú thật, tôi rất phục cán bộ xã ở đây, họ đúng là người cầm tay chỉ việc. Họ không chỉ lo trợ giá giống cho bà con, mà còn làm công tác khâu nối với khách hàng, đưa cả ô tô tải về chở rau, bí, bầu. Bà con chỉ lo làm đất rồi đưa phân trâu, bò ủ rơm rạ bón cho cây”.

Khi lợi ích gắn bó thiết thực với đời sống hàng ngày thì cán bộ chẳng cần vận động nhiều, dân cũng tự giác bắt tay sản xuất. Bắt đầu từ một tổ chức sản xuất nhỏ theo “nhóm sở thích”, đến nay Tượng Sơn đã có 5 vùng như Hà Khanh, Bắc Bình, Sâm Lộc, Phú Sơn ngợp mắt những cánh đồng rau, quả chuyên canh. Đến năm 2012, xã Tượng Sơn chính thức ra mắt HTX Trồng rau Hoàng Hà với 213 xã viên tham gia. Năm 2014, HTX Hoàng Hà đã mở rộng diện tích trồng 40 ha rau, quả và tiêu thụ được 2.400 tấn. Theo lộ trình đã được địa phương hoạch định, đến năm 2015, với diện tích đất nông nghiệp 440 ha, ngoài trồng lúa, Tượng Sơn sẽ xây dựng chiến lược trồng rau, củ, quả và màu, mang tính chuyên canh ổn định với 289,5 ha.

Chiến lược thị trường

Một câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là rau, củ, quả của đất Tượng Sơn liệu có kiên nhẫn để duy trì giống rau sạch đã dày công gây dựng? Đây cũng là cuộc chiến thầm lặng giữa người sản xuất và thị trường, bởi ai cũng hiểu, tất cả sản phẩm đều được quy luật thị trường điều tiết, nhưng “trăm người bán” sẽ có “vạn người mua”. Chỉ hiềm nỗi, chất lượng sản phẩm có đáp ứng được yêu cầu khách hàng hay không?

Khuyến khích dân làm đã vất vả, nhưng tìm thị trường để “giải phóng đầu ra” cho dân lại còn vất vả gấp trăm lần. Chính từ “chạy ngược chạy xuôi chân rối rít”, cán bộ xã Tượng Sơn thực sự đã “khôn lên” trong tìm kiếm thị trường. Rau, quả Tượng Sơn không chỉ có mặt nhỏ lẻ ở chợ quê hay chợ tỉnh mà đã tìm những bạn hàng, đối tác tin cậy có thể hợp tác lâu dài từ Vinh, Hà Nội, Quảng Ninh. Khi vấn nạn rau, củ, quả từ thị trường Trung Quốc không an toàn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng, thì rau, quả Tượng Sơn tạo được thương hiệu “Rau, củ, quả sạch”, đó là cơ sở để phát triển bền vững.

Tin ở hướng đi đúng, xã Tượng Sơn đang từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm xe ô tô vận chuyển, đầu tư xây dựng nhà bảo quản; tăng cường mạng lưới thông tin và tiếp thị “nối vòng tay lớn” với bạn hàng nhiều hơn nữa bằng đích thực sản phẩm chất lượng cao của mình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast