Dòng họ Trần Hậu ở Hà Tĩnh tỏa bóng tiền nhân

(Baohatinh.vn) - Nhà thờ họ Trần Hậu đại tôn trên địa bàn tổ dân phố Tiền Tiến, phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh được xây dựng vào năm 1632, để thờ tự các bậc tiền nhân từng có nhiều công lao với dân, với nước qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc.

Dòng họ Trần Hậu ở Hà Tĩnh tỏa bóng tiền nhân

Nhà thờ họ Trần Hậu đại tôn tọa lạc ở tổ dân phố Tiền Tiến, phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh

Căn cứ các chiếu chỉ, sắc phong, cùng nhiều nguồn tư liệu lịch sử khác cũng như “Lịch sử Đảng bộ phường Thạch Quý”, dòng họ Trần Hậu định cư trên vùng đất này cách đây gần 500 năm. Ông thủy tổ vốn dòng dõi triều Trần di cư vào Thanh Hóa, Nghệ An, sau đó đến định cư tại thôn Tiền Bạt, xã Trung Tiết, tổng Thượng Nhị, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, trấn Nghệ An (nay là tổ dân phố Tiền Tiến, phường Thạch Quý).

Từ đó cho đến nay, dòng họ Trần Hậu không ngừng phát triển, trở thành một trong những vọng tộc ở vùng đất Hà Tĩnh. Qua các thời kỳ lịch sử, dòng họ đã đóng góp nhiều công lao cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Đặc biệt, vào thời kỳ nội chiến Lê - Mạc (1533 - 1677), nhiều người con dòng họ đã có công giúp triều Lê trong những năm đầu của thời “Lê trung hưng”, được nhà vua ban tặng nhiều chức tước, bổng lộc.

Từ những cống hiến cho nước, cho dân, dòng họ được vua ban cho chữ “Hậu” làm tên đệm và họ “Trần Hậu” từ đó. Theo nghĩa Hán, chữ “Hậu” ở đây là “dày”, một dòng họ có nhiều công lao với nhà Lê lúc bấy giờ; chữ “Hậu” còn có nghĩa là “bách tử”, là “trăm đời”, nghĩa rộng là đời đời.

Dòng họ Trần Hậu ở Hà Tĩnh tỏa bóng tiền nhân

Nhà thờ được xây dựng cách đây gần 400 năm, nơi thờ tự vị tiên tổ và các bậc tiền bối đã có nhiều công lao đối với quê hương, đất nước.

Nhà thờ họ Trần Hậu là chốn linh thiêng, nơi thờ tự vị tiên tổ và các bậc tiền bối đã có nhiều công lao đối với quê hương, đất nước, được các triều đại Lê sơ, Lê trung hưng, thời Tây Sơn, thời Nguyễn ban phong sắc chỉ, bằng cấp ghi nhận vì đã có công đánh giặc, giúp triều đình thống nhất đất nước trong cuộc chiến Nam - Bắc triều (thời Lê - Mạc) và thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh…

Ngoài những giá trị về mặt lịch sử, nhà thờ họ Trần Hậu còn lưu giữ được nhiều nét đẹp kiến trúc và những hiện vật quý như: câu đối, bát hương, bộ bát, đĩa thờ chạm khắc họa tiết hoa văn trang trí mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê; ngai thờ mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Từ công trình ban đầu rất đơn giản, trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, đến nay, từ đường được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của con cháu trong dòng họ. Với thiết kế mang phong cách cổ truyền, kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh”, giữ được vẻ đẹp cổ kính, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Dòng họ Trần Hậu ở Hà Tĩnh tỏa bóng tiền nhân

Nhà thờ cũ xuống cấp, con cháu Trần Hậu khắp mọi miền Tổ quốc đã đóng góp, xây dựng nhà thờ mới trong khuôn viên cũ.

Từ đường họ Trần Hậu là công trình mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, sự tri ân công đức với các bậc tiền nhân đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của dòng họ. Tiêu biểu trong số đó có 3 vị quận công: Diên Quận công Trần Hậu Hoa (1533 - 1600); Lệ Quận công Trần Hậu Dinh (1569 - 1655); Đô đốc Đồng Tri Trí Quận công Trần Hậu Dật (1617 - 1688).

Hiện nay, tại nhà thờ Trần Hậu phường Thạch Quý còn giữ được nhiều sắc phong ban cho các quận công. Ngoài các vị quận công nói trên, nhà thờ còn là nơi thờ tự 42 võ quan cũng là những người có nhiều công lao với dân, với nước, được phong tước Hầu Ông.

Dòng họ Trần Hậu ở Hà Tĩnh tỏa bóng tiền nhân

Nhà thờ họ Trần Hậu với sự tồn tại trong suốt chiều dài 388 năm, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần to lớn của một dòng tộc có lịch sử hình thành và phát triển suốt gần 500 năm qua.

Nối tiếp truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất trong đánh giặc của bao bậc tiền nhân, theo tiếng gọi của Tổ quốc, trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, nhiều người con dòng họ đã hăng hái lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Những đóng góp của dòng họ Trần Hậu qua các thời kỳ lịch sử đã tô đậm thêm truyền thống đấu tranh anh dũng của quê hương; có ảnh hưởng to lớn trong việc giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng đối với các thế hệ con cháu dòng họ nói riêng và Nhân dân phường Thạch Quý nói chung.

Dòng họ Trần Hậu ở Hà Tĩnh tỏa bóng tiền nhân

Nhà thờ luôn có vị trí đặc biệt với con cháu dòng tộc, là nơi nguyện cầu những ước vọng của mỗi người con dòng họ mỗi khi tụ về.

Tiếp nối truyền thống, đến nay, con cháu trong dòng họ đã và đang đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. Các thế hệ dòng họ Trần Hậu chăm lo học hành, khoa cử, hàng trăm người đỗ tiến sỹ, cử nhân, trở thành kỹ sư, bác sỹ, thầy giáo, thầy thuốc ưu tú, những doanh nhân giỏi; những cán bộ cao cấp trong cơ quan Đảng và Nhà nước; giữ vị trí quan trọng trong quân đội nhân dân, công an nhân dân.

Dòng họ Trần Hậu ở Hà Tĩnh tỏa bóng tiền nhân

Ngày 11/2/2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định số 543/QĐ-UBND xếp hạng nhà thờ họ Trần Hậu là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Nhà thờ họ Trần Hậu với sự tồn tại trong suốt chiều dài 388 năm, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần to lớn của một dòng tộc có lịch sử hình thành và phát triển suốt gần 500 năm qua. Là nơi thờ phụng những danh nhân, người có công với đất nước, làm lưu danh dòng họ trong sử vàng của dân tộc, nhà thờ luôn có vị trí đặc biệt với con cháu dòng tộc, là nơi nguyện cầu những ước vọng của mỗi người con dòng họ mỗi khi tụ về; nơi định hướng và giáo dục con cháu tiếp nối, phát huy truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng.

Ghi nhận công lao của các bậc tiền nhân dòng họ Trần Hậu ở phường Thạch Quý, ngày 11/2/2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định số 543/QĐ-UBND xếp hạng nhà thờ họ Trần Hậu phường Thạch Quý là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.