La Sơn phu tử với vấn đề “xuất”, “xử” và những thông điệp gửi hậu thế

(Baohatinh.vn) - La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723 - 1804, xã Kim Song Trường, Can Lộc, Hà Tĩnh) là người nói trực tiếp nhiều đến lẽ “xuất”, “xử”, cả trong sáng tác và trước thuật. Một mặt, ông không phủ định hướng “xuất”: ra làm quan, hành đạo. Mặt khác, ông rất coi trọng lối “xử”: về ở ẩn, giữ đạo.

1. Nhà Nho là những người tin tưởng Nho giáo, coi trọng Nho học, theo đuổi “đường mây”: đi học, đi thi. Thi đỗ: hoặc ra làm quan, gánh vác việc quốc gia, xã hội/ “xuất” (“hành”); hoặc lui về ở ẩn/ “xử” (“tàng”)... Đối với La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723-1804), vấn đề “xuất”, “xử” của ông khác nhiều với các nhà Nho khác. Chính vì thế, ông trở nên một hiện tượng hết sức đặc biệt.

La Sơn phu tử với vấn đề “xuất”, “xử” và những thông điệp gửi hậu thế

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp luôn thể hiện sự uy nghi của một người thầy tài ba

2. La Sơn phu tử là người nói nhiều đến lẽ “xuất”, “xử”, cả trong trước thuật và sáng tác. Trong thơ, ít nhất, có 15 lần, ông nói đến lẽ “xuất”, “xử”: Đa thiểu anh hùng sản vực trung/ Kỳ vi chí dã bất tương đồng/ Xuất tư kiêm thiện công quang thế/ Xử tất thâm tàng đạo tuẫn cung (Biết bao kẻ anh hùng sinh ra ở đời này/ Mỗi người có một chí hướng, không ai giống ai/ Người ra làm quan làm điều thiện, công lao sáng cả cõi đời/ Kẻ đi ở ẩn giấu kín một nơi, giữ trọn đạo lý).

Có thể xem đây như là một “tuyên ngôn” của ông về chí hướng của kẻ sĩ. Một mặt, ông không phủ định hướng “xuất”: ra làm quan, hành đạo. Mặt khác, ông rất coi trọng lối “xử”: về ở ẩn, giữ đạo. Cả hai hướng đều phải đảm bảo yêu cầu: “Xuất” - ra làm quan, phải làm điều thiện, phải đóng góp công lao cho thế sự; “Xử” - đi ở ẩn, phải giữ trọn được đạo lý và có trách nhiệm với đời. Vì thế: Thời tai thân khuất phương vi chính/ Thị đạo dư tương miễn dụng công (Tùy thời cơ, co hay duỗi đều là điều phải/ Ta sẽ gắng công để làm theo đạo ấy).

La Sơn phu tử là người kiệm lời, nói đi đôi với làm, nói được, làm được. Ông chủ động lựa chọn hướng “xử” (ẩn) ngay khi vừa đậu Hương giải (1743), khi con đường công danh đã bắt đầu rộng mở. Và rồi, ý định ấy trở nên thường trực, theo ông suốt cả cuộc đời. Vậy, tại sao ông không “li khai” hẳn được hướng “xuất”, vẫn “dính” vào “chính trường”, vẫn làm quan (ít nhất là 13 năm)?

3. Dõi theo hành trình “xuất”, “xử” của La Sơn phu tử , thấy ông rất kiên định, thống nhất với quan điểm: “xuất” hay “xử” đều xuất phát từ suy ngẫm thấu đáo về 3 điều kiện: 1, Hoàn cảnh cho phép khả năng đóng góp thực sự của mình; 2, Niềm tin vào bậc “minh chủ” mà mình lựa chọn; 3, Xu thế của thời vận mà mình dự cảm được.

Ở điều kiện 1, ông đã nhiều lần nói rõ những trở ngại trong các bản tấu, biểu, Hạnh Am ký cũng như trong thơ ca. Ở điều kiện 2 và 3, ít ai dám bộc lộ chính kiến như La Sơn phu tử. Với chúa Trịnh Sâm, ông từ chối hợp tác vì hiểu mưu đồ muốn tiếm ngôi vua của nhà Trịnh.

Với Nguyễn Huệ, sau 3 lần khéo léo từ chối (lý do cơ bản nhất là vì ông chưa thấu hiểu và cần “dò xét” thêm bậc “minh chủ” vừa mới xuất hiện), phải đợi đến tháng 4/1788, khi đã đủ dữ liệu cần thiết, ông mới nhận lời mời, xuống núi hội kiến; cho đến cuối năm 1788, tham mưu cho Nguyễn Huệ về thời cơ và kế hoạch tiêu diệt quân Thanh xâm lược; từ đây, ông cộng tác đắc lực, trở thành vị quân sư của vua Quang Trung. Sau khi vua Quang Trung mất, với vua Cảnh Thịnh và tiếp đó là Gia Long, ông đều từ chối lời mời.

Đáng chú ý là cộng tác hết mình với vua Quang Trung, nhưng La Sơn phu tử vẫn ở nơi ông ẩn cư. Và ông đã giúp vua Quang Trung làm được nhiều việc không dễ: phụ trách Viện Sùng chính; dịch từ chữ Hán sang chữ Nôm nhiều công trình kinh điển của Nho gia; soạn sách và dạy học, triển khai chấn hưng giáo dục...

La Sơn phu tử với vấn đề “xuất”, “xử” và những thông điệp gửi hậu thế

Toàn cảnh Khu lăng mộ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp trên núi Bùi Phong (thuộc dãy núi Thiên Nhẫn, xã Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ An). Ảnh Thiên Vỹ

4. Về gần cuối đời, La Sơn phu tử bộc lộ những tâm sự mang tính đúc kết qua bao nhiêu nếm trải: “Người ta ở đời, họa phúc như trở bàn tay. Người quân tử biết có mệnh mà không ủy thác vào mệnh”, “Muôn sự tại mình”; “viết bài ký này chỉ mong cáo với đồng bào ta, những ai bị khốn đốn mà không hay tự chấn”; “chỉ lo đạo không hành được chứ không lo không hiểu rõ” (Hạnh Am ký)... Những lời tâm sự ấy cùng toàn bộ trước thuật, sáng tác cũng như hành trình nhận thức và hoạt động “xuất”, “xử” của ông, có biết bao nhiêu thông điệp gửi hậu thế còn nóng hổi tính thời sự.

Cuối 1791, nhận lời mời của vua Quang Trung, vào Phú Xuân, La Sơn phu tử đã dâng lên vua bản tấu bàn về “Quân đức”, “Dân tâm” và “Học pháp”. Ở đây, cần phải hiểu và biết cách khai thác biện chứng của giá trị từ tư tưởng cùng các diễn ngôn và hoạt động thực tiễn của La Sơn phu tử, ít nhất là ở những vấn đề đang rất nóng hiện nay.

Trước hết, là vấn đề trọng dụng hiền tài. Điều này có liên quan tới việc “cầu hiền” của chủ thể “cầm quyền”, nhưng hạt nhân của vấn đề là phải có sự hiện hữu đích xác của bản thân đối tượng là hiền tài. Tự bản thân La Sơn phu tử đã là một tấm gương về con đường học hành và quá trình thực thi ý tưởng; về ý thức trách nhiệm đối với vận nước, vận dân; về nỗ lực đóng góp hữu ích cho đời những gì mình có thể, La Sơn phu tử là người dứt khoát trong từ chối mọi ân sủng danh, lợi; sẵn sàng “bỏ ghế” chốn phồn hoa nhung lụa, chấp nhận “đứng từ xa” mà “hành đạo”; hóa giải hữu hiệu những xung đột giữa “xuất” và “xử”. Mọi việc, đúng như ông nói: “muôn sự do mình”.

Trên cả hai hướng “xuất” và “xử”, La Sơn phu tử đều tỉnh táo, sáng suốt. Những đóng góp của ông cho đời về tư tưởng, tri thức; về khả năng dự báo và phương hướng xây dựng, chấn hưng giáo dục có ý nghĩa hết sức sâu sắc, bền vững. Người trí thức hiện đại có thể tiếp thu những bài học kinh nghiệm quý báu từ ông, từ việc tu dưỡng vốn sống tự lực, sáng tạo; việc lựa chọn và thực thi hướng ứng xử mà mình xác quyết (hướng nào cũng phải gắn với nghĩa lớn, nhất là sự hưng, vong của quốc gia) đến việc hình thành nhân cách, bản lĩnh, chính kiến, danh dự và vị thế của người trí thức chân chính.

Thứ hai, vấn đề đạo đức, nhân cách của người lãnh đạo (biện chứng từ vấn đề “Quân đức” mà La Sơn phu tử đề xuất). Ông từng “cẩn tấu”: nhà vua phải “làm thế nào để có đức”, “Vua dốc một lòng tu đức, ấy là gốc của vạn sự”. Ông khuyên vua cũng phải học và xác định: “Từ xưa thánh hiền chưa có ai không bởi sự học mà có đức”. Đây cũng chính là điều mà từ thế kỷ X, Thiền sư Đỗ Pháp Thuận đã trả lời vua Lê Đại Hành một cách thâm viễn về sự tồn tại lâu dài của vận nước đòi hỏi bậc quân vương phải biết “vô vi”, tức phải có đức, biết tập hợp muôn dân, thông hiểu quy luật của mọi sự vật, hiện tượng.

Sức thuyết phục của việc “cầu hiền” và sử dụng người tài cũng xuất phát từ đây. Vua Quang Trung là một trường hợp như vậy. Giới chức lãnh đạo hiện đại thấy gì từ thông điệp về sự khẩn thiết, thực tâm, chân thành, kiên nhẫn đến cùng trong “cầu hiền”, trọng dụng người tài như vua Quang Trung đối với La Sơn phu tử?

Thứ ba, vấn đề lòng dân, niềm tin của dân (“Dân tâm”) - thành tố gốc đảm bảo sự bền vững của mọi chế độ, mọi quốc gia, bởi “Dân là gốc nước, gốc vững nước mới yên”. Tấu lên nhà vua, một mặt, ông trình bày rõ thực trạng cuộc sống dân tình lúc bấy giờ (“mất mùa”, “kẻ cùng quẫn không thể kêu”, “Nhà nước thì võ uy có thừa mà ân trạch chưa ban ra khắp”; “tiếng sầu oán dậy đường sá”)...

La Sơn phu tử với vấn đề “xuất”, “xử” và những thông điệp gửi hậu thế

La Sơn phu tử đàm đạo với vua Quang Trung. Minh họa Internet.

Mặt khác, ông khẩn thiết mong nhà vua phải thực sự thương dân; phải sâu sát, thấu hiểu số phận, hoàn cảnh và mức sống của dân; nắm chắc đặc điểm các thành phần cư dân cũng như đặc điểm từng vùng đất của dân, từ đó có những phương sách phù hợp về thuế má, về hỗ trợ, cứu giúp dân... Có như thế mới quy thuận được lòng dân. Làm thế nào để dân tin, dân quy thuận? Câu hỏi cháy bỏng cùng những phương sách mà La Sơn phu tử đặt ra cho Quang Trung, thực chất cũng là những yêu cầu cần thực thi đang nóng lên từng ngày hiện nay.

Thứ tư, vấn đề xây dựng và chấn hưng giáo dục (biện chứng từ thực luận về “Học pháp” của La Sơn phu tử). “Học pháp” là phép học - cách học - phương pháp học, nói rộng ra là phương pháp xây dựng và chấn hưng giáo dục. Vấn đề này, không chỉ có được trình bày riêng trong bản tấu dâng lên vua mà còn ở các loại diễn ngôn khác và thực tiễn hoạt động của La Sơn phu tử.

Luận về “học pháp”, La Sơn phu tử tập trung xoáy sâu vào 5 nội dung:

- Vai trò quan trọng hàng đầu của “Học pháp” trong hướng đạo và hình thành nhân cách con người.- Phê phán lối học “cầu công lợi”, phi “Chính học”, dẫn đến hậu quả khôn lường (“Chúa tầm thường, tôi nịnh hót, quốc phá, gia vong, những tệ kia đều ở đó mà ra”).

- Đối tượng học và nơi học cần được linh động xem xét (“các trường phủ, huyện, thầy trò các trường tư, con cháu các nhà văn, võ,... đâu tiện thì học”).

- Nội dung và trình tự dạy - học (“Theo Chu Tử. Trước học Tiểu học... Tuần tự tiến lên, rồi đến Tứ thư, Ngũ kinh, Chư sử”).

- Phương pháp học (“Học cho rộng rồi ước lược cho gọn, theo điều học biết mà làm”). Trong thơ, La Sơn phu tử cũng từng nhấn mạnh học phải theo hướng “tinh”, suy luận: Học phi dục tạp tu tri bác/ Thư đồ bất đa duy quý tinh (Học đừng vụn vặt, cần biết suy cho rộng/ Sách chẳng cần nhiều mà cốt tinh).

Trong 5 luận điểm về “Học pháp” của La Sơn phu tử, trừ luận điểm thứ tư không còn phù hợp với ngày nay, bốn luận điểm còn lại hãy còn có sức sống mãnh liệt, hoàn toàn có thể tham khảo, vận dụng phục vụ cho công cuộc “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” mà chúng ta đang thực hiện.

La Sơn phu tử đã hiện thực hóa được phần lớn tư tưởng “Học pháp” và khát vọng chấn hưng giáo dục: đã dịch hàng loạt công trình từ chữ Hán sang chữ Nôm, thực hiện chủ trương của vua Quang Trung: đề cao chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức, chuẩn bị những điều kiện thiết yếu cho chế độ giáo dục, khoa cử theo hướng đổi mới... Thật tiếc, sau khi Quang Trung mất, sự nghiệp của La Sơn phu tử phải dừng lại. Đấy là nỗi đau, là bi kịch của dân tộc và thời đại...

(Trường Đại học Vinh)

Chủ đề Kỷ niệm 300 năm ngày sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.