Mất một chân, cựu binh già Hà Tĩnh vẫn xung phong trực chốt kiểm soát đẩy lùi “giặc dịch”

(Baohatinh.vn) - Mất một bên chân với thương tật vĩnh viễn 61%, ấy vậy mà người cựu binh già Nguyễn Văn Thạo ở thôn Nam Hà, xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vẫn nhất mực xin tham gia ứng trực ngày đêm tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại địa phương.

Video: Ông Nguyễn Văn Thạo chia sẻ tâm nguyện tham gia phòng chống dịch

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Thạo (SN 1947) ngay tại điểm chốt phòng dịch trên đường vào thôn Nam Hà. Đôi chân tập tễnh bởi chiếc chân giả vẫn không cản được sự cần mẫn, tận tâm công việc của người lính ở tuổi thất thập này.

Câu chuyện từ ngày nhập ngũ đến những trận đánh ác liệt trong suốt những năm tháng chiến tranh như một thước phim được người thương binh hồi tưởng lại: “Năm 1965, khi đó tôi vừa bước sang tuổi 18, cũng là giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tôi tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc, trải qua các chiến trường, tham gia rất nhiều trận đánh và bị thương nhiều lần.

Năm 1967, lúc đó tôi là chiến sĩ thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Binh trạm 4, Binh đoàn 559, trong một trận đánh truy kích địch tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi bị thương và phải cắt bỏ chân trái. Sau lần đó, tôi được chuyển về tuyến sau điều trị và làm công tác phục vụ, đến khi đất nước được giải phóng, tôi phục viên trở về quê hương với tỷ lệ thương tật hạng 2/4 (61%)”.

Mất một chân, cựu binh già Hà Tĩnh vẫn xung phong trực chốt kiểm soát đẩy lùi “giặc dịch”

Chiến tranh khốc liệt đã vĩnh viễn cướp đi một phần thân thể của ông

Sau khi trở về quê hương, không chấp nhận cuộc sống nghèo khó, ông cùng vợ lăn lộn với nhiều công việc như vừa làm ruộng, đào ao nuôi cá… Mặc dù chỉ có một chân nhưng ông không quản khó khăn, tích cực lao động sản xuất và tham gia công tác xã hội.

Mất một chân, cựu binh già Hà Tĩnh vẫn xung phong trực chốt kiểm soát đẩy lùi “giặc dịch”

Vết thương chiến tranh còn đau đớn khi trái gió trở trời vẫn không ngăn được ý chí, bản lĩnh của người lính Cụ Hồ xông pha giữa thời bình

Nói về hành động xung phong cắm chốt dịch bất chấp thương tật và tuổi tác, người lính già có những trải lòng: “Lúc chiến tranh chúng tôi cầm súng đánh giặc Mỹ, giữa thời bình chúng tôi quyết đẩy lùi “giặc dịch”, nên khi Tổ quốc cần chúng tôi luôn sẵn sàng.

Mặc dù xã đã có khuyến cáo đối với người cao tuổi trên 60 nên ở nhà tránh dịch nhưng tôi nghĩ còn cống hiến được phút giây nào thì những người lính như chúng tôi sẽ không nề hà. Với tôi, chế độ phụ cấp có cũng được mà không có cũng chẳng sao khi chúng tôi tình nguyện vì Tổ quốc và vì Nhân dân, thì điều đó chẳng mấy quan trọng nữa”.

Mất một chân, cựu binh già Hà Tĩnh vẫn xung phong trực chốt kiểm soát đẩy lùi “giặc dịch”

Ông Thạo phun hóa chất khử khuẩn cho các phương tiện ra vào chốt kiểm soát dịch ở thôn mình.

Mất một chân, cựu binh già Hà Tĩnh vẫn xung phong trực chốt kiểm soát đẩy lùi “giặc dịch”

... xịt dung dịch sát khuẩn cho người dân ra vào địa bàn

Cứ như vậy, suốt hơn 2 tuần qua, khi 10 chốt chặn kiểm dịch của xã Kỳ Hà được mở ra, người lính già với chiếc xe đạp cũ vẫn đều đặn đúng giờ thay ca trực cho anh em. Có những hôm mưa gió bung cả lều tạm, ông vẫn tiếp tục vững vàng bám trực.

Chia sẻ với người dân và các lực lượng làm nhiệm vụ ở khu cách ly tập trung, có những hôm ông lội bùn bắt cá trong hồ và xúc cả yến gạo để mang lên hỗ trợ cho bữa cơm thêm phần tươm tất.

Mất một chân, cựu binh già Hà Tĩnh vẫn xung phong trực chốt kiểm soát đẩy lùi “giặc dịch”

Ông Thạo góp tặng cá và gạo cho khu cách ly tập trung của xã. Ảnh CTV

Khi tôi hỏi ông thêm, lý do vì sao ông nhất quyết xung phong bám chốt chống dịch, ông nói: “Tôi chỉ làm theo lời Bác Hồ dạy! Bác luôn nhắc nhở mọi người luôn đồng cam cộng khổ, giúp đỡ đùm bọc lẫn nhau.

Hình ảnh các chiến sỹ tuyến đầu chống dịch phải hy sinh rất nhiều điều riêng để vì công cuộc chống dịch, những vất vả, hiểm nguy họ đang ngày đêm đối mặt… càng thôi thúc những người lính già như tôi phải góp sức cùng cộng đồng”.

Mất một chân, cựu binh già Hà Tĩnh vẫn xung phong trực chốt kiểm soát đẩy lùi “giặc dịch”

Tham gia một trận chiến mới trong thời bình, những người cựu chiến binh này vẫn vẹn nguyên tinh thần “sẵn sàng cống hiến khi Tổ quốc gọi tên”

Tham gia trận chiến mới trong thời bình, những người cựu chiến binh này vẫn vẹn nguyên tinh thần “sẵn sàng cống hiến khi Tổ quốc gọi tên”. Nghiêm túc khi làm nhiệm vụ và cũng hào sảng, sôi nổi khi ôn lại những câu chuyện năm xưa trên chiến trường, trong những phút giải lao, câu chuyện của người cựu chiến binh như tiếp lửa trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Ông Lê Văn Luyện - Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà cho biết: "Hành động cao đẹp, tinh thần của những cựu chiến binh như ông Nguyễn Văn Thạo đã tác động mạnh mẽ đến cán bộ, Nhân dân trong toàn xã.

Đến nay, đã có nhiều tập thể, cá nhân tự nguyện cùng địa phương đóng góp bằng nhiều hình thức để cùng chung tay đẩy lùi đại dịch. Những tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp như cựu chiến binh Nguyễn Văn Thạo thực sự nêu gương sáng để bà con noi theo".

Mất một chân, cựu binh già Hà Tĩnh vẫn xung phong trực chốt kiểm soát đẩy lùi “giặc dịch”

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast