Thêm một lần lưu luyến với Trường Lưu

(Baohatinh.vn) - Lễ kỷ niệm năm sinh các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và đón Bằng công nhận di sản Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu đã khép lại trong những dư âm đẹp đẽ về lòng tự hào, về khát vọng dựng xây. Qua đây, tiếp tục tô đậm niềm tin về một mạch nguồn văn hoá luôn chảy mãi trong đời sống hiện đại.

Thêm một lần lưu luyến với Trường Lưu

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương đã trao bằng chứng nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và chính quyền địa phương Can Lộc.

Tự hào “kho báu” cha ông

Lễ kỷ niệm kỷ niệm 310 năm năm sinh Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713 - 2023), 280 năm năm sinh danh nhân Nguyễn Huy Tự (1743 - 2023), 240 năm năm sinh danh nhân Nguyễn Huy Hổ (1783 - 2023) và đón Bằng công nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương được UBND tỉnh tổ chức trang trọng vào sáng nay (24/6) tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh.

Thêm một lần lưu luyến với Trường Lưu

Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ kỷ niệm các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và công bố Bằng công nhận di sản Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu.

Trong không khí hết sức trang trọng và thiêng liêng, ai ai cũng dâng đầy niềm tự hào. Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Huy Hoàng (Mátxcơva, Liên bang Nga) bày tỏ: “Lễ kỷ niệm các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và đón Bằng công nhận di sản Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu của UNESCO là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với cá nhân tôi và người dân Can Lộc cũng như Hà Tĩnh. Tôi cảm thấy rất phấn khởi và tự hào khi di sản văn hóa ông cha được UNESCO vinh danh và được chính quyền các cấp tổ chức lễ đón nhận rất trang trọng”.

Thêm một lần lưu luyến với Trường Lưu

Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Huy Hoàng (hàng đầu, thứ 2 từ phải qua) tham dự buổi lễ.

Buổi lễ được mở đầu bằng chương trình nghệ thuật vừa rộn ràng vừa sâu lắng. Với tổ khúc dân ca “Rạng ngời đất học Trường Lưu”, các nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh đã tái hiện lại tiến trình lịch sử đi lên của một làng quê hiếu học, nơi đã sinh ra các danh nhân làm rạng ngời quê hương núi Hồng, sông La trên bản đồ đất Việt.

Thêm một lần lưu luyến với Trường Lưu

Chương trình nghệ thuật tái hiện hình tượng sỹ tử làng khoa bảng Trường Lưu xưa.

Đó là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789), một trong những danh nhân nổi bật nhất, có công kiến tạo nên tên tuổi ngôi làng khoa bảng và văn hóa. Ông là người “khai sinh” ra Phúc Giang thư viện và Trường Lưu học hiệu - ngôi trường làng chỉ đứng sau Quốc Tử Giám ở kinh kỳ trong một giai đoạn lịch sử thời quân chủ. Tại đây đã có hàng nghìn sỹ tử từ Thăng Long cho đến vùng Hoan Châu theo học và đỗ đạt trong các kỳ thi hương, thi hội, thi đình từ thế kỷ XVIII cho đến đầu thế kỷ XX.

Đó là Nguyễn Huy Tự (1743-1790), người con trai cả của Nguyễn Huy Oánh, vừa có tài thao lược vừa góp công lớn làm rạng rỡ Thư viện Phúc Giang và Trường Lưu học hiệu, để lại cho đời tác phẩm văn học Hoa Tiên, lưu danh hậu thế. Là danh nhân Nguyễn Huy Hổ (1783 - 1841) - một trong những người con trai xuất sắc của Nguyễn Huy Tự, ngoài nổi tiếng xuất chúng trong nghề thuốc, địa lý, ông còn để lại tác phẩm văn học giá trị “Mai Đình mộng ký”…

Không chỉ tái hiện không gian văn hóa Trường Lưu với đất học, đất thơ rực rỡ một thời, chương trình nghệ thuật còn đưa khán giả hòa mình vào một miền quê núi Hồng, sông La của ngày hôm nay, với sự kế thừa văn hóa ông cha, kiên cường trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, mạnh mẽ sáng tạo trong xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Nhân lên niềm tự hào về những giá trị văn hóa ông cha và khát vọng vun đắp, dựng xây.

Thêm một lần lưu luyến với Trường Lưu

Không gian diễn xướng hát ví phường Vải tại làng Trường Lưu xưa, được tái hiện trong chương trình nghệ thuật chào mừng.

Chị Trần Thu Giang (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Tham dự lễ kỷ niệm, tôi càng hiểu rõ hơn về lịch sử, những giá trị văn hóa mà bao thế hệ người dân Hà Tĩnh đã kiến tạo. Thêm ngưỡng mộ và tự hào về con người và văn hóa quê hương núi Hồng sông La, trong đó có các danh nhân làng Trường Lưu. Họ đã tạo nên những giá trị to lớn, góp phần làm phong phú thêm các giá trị của nền văn hóa, văn hiến của dân tộc Việt Nam”.

Thêm một lần lưu luyến với Trường Lưu

Chị Trần Thu Giang (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Sau lễ kỷ niệm, lễ rước bằng chứng nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới châu Á - TBD do UNESCO công nhận cũng được tổ chức trang trọng. Trên quãng đường gần 27 km, từ TP Hà Tĩnh về làng Trường Lưu (xã Kim Song Trường, Can Lộc), đoàn rước diễu hành trong sự chứng kiến, niềm phấn khởi của hàng nghìn người dân Hà Tĩnh. Đặc biệt, tại điểm đón đoàn rước ở xã Kim Song Trường, cùng với cờ hoa, biểu ngữ rộn ràng, hàng trăm người dân đã có mặt từ rất sớm, hân hoan chờ đón bằng công nhận về với quê hương.

Ông Đào Quyền Trưởng - Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) bày tỏ: “Tôi được chứng kiến niềm tự hào trên mỗi nét mặt người dân Hà Tĩnh nói chung và người dân Kim Song Trường nói riêng. Điều đó cho thấy, ý thức trân quý và giữ gìn di sản cha ông để lại của người dân Hà Tĩnh. Cùng với Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu và các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy được vinh danh hôm nay, Hà Tĩnh đang sở hữu một “kho báu” di sản văn hóa vô tận mà không phải vùng đất nào cũng có được. Nhân dân Hà Tĩnh có quyền tự hào và vận dụng kho báu đó làm sức mạnh nội lực xây dựng quê hương trong bối cảnh mới”.

Thêm một lần lưu luyến với Trường Lưu

Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hoá và UNSCO - Đào Quyền Trưởng (ngoài cùng bên trái) và Tiến sỹ Nguyễn Văn Tú – Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá – khoa học Văn miếu Quốc Tử Giám trao Bằng công nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho đại diện UBND xã Kim Song Trường và Giáo sư – Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ (đại diện các dòng họ).

Nhân lên sức mạnh, tạo động lực phát triển

Sức mạnh nội sinh của văn hoá Hà Tĩnh như được nhân lên trong những đánh giá của Bộ VH-TT&DL về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa thời gian qua. Ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL khẳng định, di sản văn hoá của Hà Tĩnh là một kho tàng vô cùng phong phú, đặc sắc và quý giá, có nhiều di sản mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. Trong đó sự đóng góp của các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và di sản văn hóa làng Trường Lưu. Thật hiếm có nơi nào có bề dày văn hóa như làng Trường Lưu (xã Kim Song Trường, Can Lộc). Trong suốt chiều dài dân tộc, các danh nhân văn hóa làng Trường Lưu như: Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ…đã nhiều đóng góp to lớn cho dân tộc trên nhiều lĩnh vực: giáo dục, văn học, quân sự…

Thêm một lần lưu luyến với Trường Lưu

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại buổi lễ.

Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL cũng gợi mở cho tỉnh Hà Tĩnh về hướng đi để khai thác sức mạnh mềm của các di sản làng Trường Lưu trong tương lai như: Sớm quy hoạch Làng văn hóa Trường Lưu, tranh thủ các nguồn lực, có kế hoạch tổng thể để nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, tập trung khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu; các dòng họ, các chủ sở hữu quản lý di sản nêu cao trách nhiệm, phát huy truyền thống của vùng đất địa linh nhân kiệt này, tiếp tục chung tay, góp sức với Nhà nước để bảo vệ khai thác thật hiệu quả, khoa học kho tàng di sản văn hóa, coi đó là niềm vinh dự tự hào, là trách nhiệm lớn lao của mỗi người dân đối với quê hương đất nước.

Thêm một lần lưu luyến với Trường Lưu

Những người con của quê hương Trường Lưu đi xa trở về, chờ đợi giây phút đón Bằng công nhận di sản văn hóa Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu được rước về địa phương.

Cùng với Văn bản Hán Nôm, làng Trường Lưu, Hà Tĩnh hiện sở hữu 5 di sản văn hóa, danh nhân đã được UNESCO vinh danh như: ca trù, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ, Đại thi hào Nguyễn Du. Hiện nay, Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã được Nhà nước Việt Nam đề nghị UNESCO vinh danh (dự kiến vào năm 2024). Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có hơn 1.800 di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 86 di tích cấp quốc gia và 550 di tích cấp tỉnh. Đây chính là sức mạnh nội sinh, động lực để con người Hà Tĩnh qua các thời kỳ không ngừng nỗ lực vươn lên.

Thêm một lần lưu luyến với Trường Lưu

Ngã ba Đồng Lộc nơi ghi nhận sự anh hùng, bất khuất của Nhân dân Hà Tĩnh trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Đình Nhất

Trong chiến tranh, có biết bao anh hùng, liệt sỹ, chiến sỹ, đồng bào trên quê hương Hà Tĩnh đã trở thành những tượng đài bất tử trong các cuộc chiến đấu bảo bệ Tổ quốc. Trong thời bình, nhiều người con của quê hương Trường Lưu nói riêng và Hà Tĩnh nói chung đã không ngừng nỗ lực và đạt được nhiều thành quả góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Tiêu biểu như các giáo sư, tiến sỹ: Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Huy Mỹ…

Tiếp bước cha anh, trong thời đại mới, Hà Tĩnh có thêm nhiều học sinh, sinh viên xuất sắc đạt được nhiều thành tích trong các kỳ thi cấp quốc gia và quốc tế như: Trịnh Kim Chi - HCV Olympic Toán Đông Nam Á năm 1998; Lê Nam Trường - HCB Olympic Toán quốc tế năm 2006; Võ Anh Đức - HCV Olympic Toán quốc tế năm 2013; Nguyễn Thị Việt Hà - HCĐ Olympic Toán quốc tế năm 2015; Phan Nhật Duy - HCV Olympic Toán quốc tế năm 2017; Nguyễn Đình Đại - HCB Olympic Tin học châu Á năm 2017; Phan Xuân Hành - HCV Olympic Hóa học quốc tế 2022...

Thêm một lần lưu luyến với Trường Lưu

Phan Xuân Hành thêm một lần mang vinh quang về cho Tổ quốc và quê hương Hà Tĩnh với tấm HCV Olympic Hóa học quốc tế 2022. Ảnh: Đình Nhất.

Nghĩ về những giá trị của di sản văn hóa làng Trường Lưu cùng “kho báu” đồ sộ của di sản văn hóa quê hương núi Hồng, sông La mà thế hệ đi trước để lại, ai nấy càng thêm tin tưởng vào những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc vận dụng văn hóa vào phát triển đất nước hiện nay.

Đó cũng chính là thông điệp mà Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu nhấn mạnh tại buổi lễ: Với phương châm phát huy dân chủ, đoàn kết, ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Hà Tĩnh”, Hà Tĩnh đang triển khai tích cực, hiệu quả các nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; thực hiện Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung cao độ cho các chương trình, dự án lớn về kinh tế - xã hội; chú trọng việc đầu tư, khai thác các tiềm năng, lợi thế về văn hoá, du lịch, nhằm đảm bảo sự phát triển hài hoà, bền vững; hệ thống di sản văn hoá vật thể và phi vật thể trên địa bàn được quan tâm, bảo tồn và phát huy, góp phần giáo dục truyền thống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thêm một lần lưu luyến với Trường Lưu

Bằng công nhận được rước từ Trung tâm Văn hoá – điện ảnh tỉnh về xã Kim Song Trường (huyện Can Lộc).

Sự kiện kỷ niệm năm sinh các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và đón nhận Bằng công nhận di sản Nôm làng Trường Lưu đã thêm một lần nữa tô đậm thêm các giá trị văn hoá truyền thống của Hà Tĩnh; khơi dậy những khát vọng mạnh mẽ của cư dân miền núi Hồng - sông La; khẳng định di sản văn hóa làng Trường Lưu nói riêng và truyền thống văn hoá Hà Tĩnh nói chung là kho báu vô tận, là sức mạnh cho những kiến tạo mới trên quê hương Hà Tĩnh hôm nay và mai sau…

Chủ đề Di sản văn hóa làng Trường Lưu

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast