Nước mắt người trồng bưởi sau bão

(Baohatinh.vn) - Trở lại vùng bưởi Phúc Trạch, Hương Trạch, Lộc Yên… (Hương Khê) ngay sau khi cơn bão số 10 “càn” qua, cái nắng mới đầu ngày như khắc họa rõ nét hơn những xác xơ, tiêu điều của các vườn bưởi.

nuoc mat nguoi trong buoi sau bao

Vườn bưởi hàng trăm triệu đồng của chị Lê Thị Toàn, xóm 9, xã Phúc Trạch bị thiệt hại nghiêm trọng.

Trên gương mặt của những người trồng bưởi, nước mắt xót xa như chực trào. Không xa xót sao được khi hàng trăm triệu đồng bỗng trôi sông, trôi biển. Công sức chăm bón, những hoạch định cho đời sống vật chất, tinh thần của cả gia đình bị đảo lộn hoàn toàn chỉ sau 1 ngày mưa bão.

Nhặt nhạnh, gom góp những trái bưởi lấm lem bùn đất, sũng nước bi rơi rụng khắp vườn, chị Lê Thị Toàn (xóm 9, xã Phúc Trạch) rưng rưng nước mắt: “Mất hết rồi chú ơi, vườn bưởi hơn trăm triệu đồng gia đình tôi đang cố giữ chờ cuối vụ bán cho được giá thì bão tràn vào. Mấy chục năm rồi mới lại thấy cơn bão lớn đến thế này, gió quật đổ cây, “vặt” quả quẳng xuống đất hết. Vốn liếng, công sức trông chờ vô đó, không biết đến lúc nào gia đình mới gượng dậy được đây.”

Toàn xã Phúc Trạch có hơn 350 ha bưởi, trong đó đã thu hoạch được khoảng 70%, số còn lại tan tác theo cơn bão số 10. Ông Trần Quốc Khánh – Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết: Ngày sau khi cơn bão đi qua, xã đã chỉ đạo bà con nhanh chóng thu gom, phân loại bưởi và kết nối với thương lái cố gắng tiêu thụ hết những quả còn có chất lượng sử dụng. Đồng thời, nhanh chóng dựng lại các cây bị nghiêng, đổ và xử lý, chăm bón.

“Thiệt hại về thu nhập từ quả có thể thống kê được ngay, nhưng thiệt hại về chất lượng, sản lượng bưởi và cây chết vì thối rễ, sâu bệnh thì lâu dài và không đo đếm được”, - ông Khánh chia sẻ.

Hương Trạch là xã bị thiệt hại về bưởi nhiều nhất của huyện Hương Khê. Theo thống kê ban đầu, toàn xã có hơn 100 ha cây bưởi bị thiệt hại do bão. Trong đó, nhiều hộ trắng tay do “ém” bưởi để bán vào cuối vụ. Điển hình như gia đình ông Cao Đình Tượng, thôn Trung Lĩnh có khoảng 1ha bưởi, với hơn 7.000 quả đang ở trên cây. Và, chỉ sau một vài giờ gió bão, phần lớn quả rơi rụng xuống đất, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

“Những quả rơi xuống, phần lớn là bị hư hỏng, không tiêu thụ được. Số còn lại phải bán ào ạt, giá cũng chẳng được là bao. Đó là chưa nói, những quả còn trên cây rồi cũng phải thu hoạch sớm vì sợ sức cây không nuôi nổi. Mất cả 2 đầu, xót xa quá”, – anh Nguyễn Văn Tỵ, xóm Phú Lễ, xã Hương Trạch tiếc nuối.

nuoc mat nguoi trong buoi sau bao
nuoc mat nguoi trong buoi sau bao

Bưởi trong vườn anh Nguyễn Văn Tỵ bị gãy đổ, trốc gốc

Trên những ngã đường liên thôn của các xã, chúng tôi gặp nhiều hộ dân đang dùng xe máy kéo xe bò chất đầy bưởi về xuôi bán sĩ. Dù biết là giá bán sẽ không được là bao, nhưng người dân đang cố lựa những quả có chất lượng, kịp thời tiêu thụ để vớt vát được phần nào. Với những quả bị hư hỏng, chất đầy trong nhà chưa biết phải làm gì. Thậm chí, nhiều hộ chưa thèm thu gom, để rơi rụng thành đống giữa vườn, ven đường đi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Nguyễn Văn Việt cho biết: Trước bão, toàn huyện còn 500 ha bưởi chưa thu hoạch. Năm nay, gió bão bất thường, và vào sớm hơn thường lệ, bà con chưa kịp thu hoạch xong mùa bưởi. Vì vậy, thiệt hại rất nặng nề. Toàn huyện có khoảng 425ha bưởi bị hư hỏng, giá trị thiệt hại khoảng 170 tỉ đồng.

“Thiệt hại nhất là các tiểu thương, họ mua bưởi của dân trên cây để chủ động thu hoạch, bán theo thời vụ. Nhiều người bỏ ra hàng tỷ đồng để “gom” hàng. Bây giờ thì trắng tay.” – ông Viêt thông tin thêm.

Chủ đề Cây trồng - Mùa vụ

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.