Vào mùa lạnh, người dân dễ mắc cảm cúm, cảm lạnh và có biểu hiện như ngạt mũi, ho, đau đầu, đau nhức cơ thể. Khi Omicron xuất hiện và lây lan nhanh, cộng đồng trở nên lo ngại vì triệu chứng của các bệnh quá giống nhau.
Ở bang New York, Mỹ, cơn sổ mũi nhỏ khiến nhiều người hủy bỏ kế hoạch nghỉ lễ, gây nhiều phiền toái. Tal Lavin, nhà văn 32 tuổi đến từ Manhattan, cho biết anh đã làm xét nghiệm tại nhà tới ba lần vào tuần trước. Tất cả đều âm tính bởi anh chỉ bị cảm cúm.
“Tôi đã suy nghĩ quá nhiều về căn bệnh trong hai năm qua, đến nỗi chỉ một biểu hiện nhỏ cũng khiến tôi hoang mang”, anh chia sẻ với NY Times.
Khi giới khoa học đang nghiên cứu về độc lực, triệu chứng của Omicron và Covid-19 nói chung, trong giai đoạn sống chung với dịch bệnh, một số người đắn đo khi không thể phân biệt biểu hiện nhiễm nCoV và cảm cúm thông thường.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) và BBC, cộng đồng vẫn nên chú ý đến các triệu chứng cổ điển của Covid-19 như ho liên tục và sốt. Ở một số người, nhiễm nCoV “giống với cảm cúm”, biểu hiện đau đầu, đau họng và chảy nước mũi.
Ứng dụng nghiên cứu Zoe Covid của Anh đã ghi lại triệu chứng của hàng trăm nghìn bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta và Omicron. Đến nay, 5 biểu hiện phổ biến nhất là: sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, hắt xì và viêm họng.
“Khi bệnh tiến triển, người bệnh sẽ bắt đầu ho nặng và khó thở”, tiến sĩ Hai Shao, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Viện Chula Vista, cho biết trong buổi phỏng vấn với CBS, ngày 27/12.
Nhân viên y tế chăm sóc người mắc Covid-19 tại trung tâm y tế khu vực Kootenai Health ở Idaho, ngày 6/9. Ảnh: AP
Người mắc Covid-19 còn bị mất vị giác và khứu giác. Đây là biểu hiện không ghi nhận ở các bệnh nhân cúm. Tình trạng này xảy ra do Covid-19 tấn công tế bào thần kinh. Theo nghiên cứu của Đại học Harvard , nCoV liên kết với protein ACE2 trong niêm mạc mũi và miệng của người. Virus làm tổn thương tế bào, tạo phản ứng viêm khiến người bệnh không cảm nhận được mùi vị. Ở một số bệnh nhân Covid-19, thịt có mùi như xăng. Hiện tượng này có tên gọi parosmia, nghĩa là rối loạn khứu giác.
Đây là cách tiêu biểu để dự đoán một người có mắc Covid-19 hay không. Bên cạnh đó, còn một số đặc điểm để phân biệt cảm lạnh, cúm và nhiễm Omicron.
Cảm lạnh thường không gây sốt cao và đau đầu dữ dội . Song đây là triệu chứng chủ yếu ở người nhiễm Omicron. “Nếu có các biểu hiện đó, rất có thể bạn đã nhiễm Covid-19 chứ không phải cảm lạnh thông thường”, tiến sĩ Shao nói.
Bệnh cúm thường kéo đến đột ngột, khiến người bệnh đau nhức cơ, ớn lạnh, mệt mỏi, chảy nước mũi và kèm theo ho. Cảm lạnh có xu hướng phát triển dần dần và ít nghiêm trọng hơn. Người bệnh có thể bị ho, hắt hơi, sổ mũi, nhưng hiếm khi lên cơn sốt, đau cơ hoặc đau đầu.
Ho do Covid-19 thường kéo dài trong một giờ hoặc chia thành nhiều cơn trong 24 giờ. Ở người bị phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), cơn ho nặng hơn bình thường. Các chuyên gia khuyến cáo người dân đi xét nghiệm nCoV nếu xuất hiện cơn ho mới, khác với trước đây và dai dẳng nhiều ngày.
Thực tế, nhiều người bệnh có triệu chứng khác nhau phụ thuộc vào tình trạng tiêm chủng . Maya N. Clark-Cutaia, trợ lý giáo sư tại Đại học Y tá Meyers thuộc Đại học New York, nhận định người đã tiêm phòng nhiễm biến chủng Delta có xu hướng bị đau đầu, ngạt mũi, đau xoang mũi. Bệnh nhân không tiêm chủng thường bị khó thở, ho và hoa mắt. Triệu chứng của Omicron cũng tương tự, theo quan sát của tiến sĩ Cutaia trên những người bệnh ở Pennsylvania. Các bệnh nhân Omicron đã tiêm chủng thường bị đau đầu, nhức cơ và sốt, triệu chứng giống với cơn cảm nặng. Người chưa tiêm phòng có biểu hiện khó thở, ho và hoa mắt.
Ngoài ra, thời gian ủ bệnh của biến chủng này có thể ngắn hơn. Tiến sĩ Waleed Javaid, Giám đốc phòng chống và kiểm soát nhiễm trùng tại Hệ thống Y tế Mount Sinai cho biết người bệnh biểu hiện triệu chứng sau khi tiếp xúc nguồn lây khoảng ba ngày. Điều này có thể do đột biến giúp virus đi vào tế bào dễ dàng hơn.
Thời tiết trở lạnh, chuyên gia y tế thế giới cảnh báo các bậc cha mẹ có thể không phân biệt được triệu chứng cảm cúm, cảm lạnh và Covid-19 ở con cái. “Khi trẻ có biểu hiện bị bệnh, cần cho các em ở nhà để không lây lan virus cho bất cứ ai (dù nhiễm loại virus nào), đặc biệt cần thiết nếu các em bị Covid-19”, tiến sĩ Mark Sawyer, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng Rady, nhận định.
Để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 và tất cả các mầm bệnh đường hô hấp khác, chuyên gia khuyến cáo cộng đồng rửa tay thường xuyên, sử dụng khẩu trang khi ra ngoài, cố gắng giữ khoảng cách an toàn với những người xung quanh, kể cả thành viên trong gia đình.
Trưa 28/12, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Việt Nam đã phát hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên. Đây là một người về từ Anh 9 hôm trước, cách ly tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Bệnh nhân không có triệu chứng, hoàn toàn khỏe mạnh từ khi về viện đến nay.