Đề xuất phạt 6 triệu đồng đối với người cầm cố căn cước công dân

Trong dự thảo mới ban hành, Bộ Công an cũng đề xuất phạt này đối với hành vi nhận cầm cố, cho thuê, hủy hoại căn cước công dân hoặc chứng minh thư.

Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo nghị định mới để thay thế Nghị định 167/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình.

Tại khoản 4 Điều 10 dự thảo nghị định mới, Bộ Công an đề xuất phạt hành chính 4-6 triệu đồng đối với hành vi thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại căn cước công dân (CCCD) hoặc chứng minh nhân dân.

Mức phạt này cũng được áp dụng cho người mua, bán, thuê, cho thuê; mượn, cho mượn giấy tờ tùy thân để thực hiện hành vi trái pháp luật.

Đề xuất phạt 6 triệu đồng đối với người cầm cố căn cước công dân

Nếu quy định mới có hiệu lực, người mang giấy tờ tùy thân đi cầm đồ có thể bị phạt 4-6 triệu đồng. Ảnh minh họa: N.H.

Đây là các điểm mới so với nghị định đang có hiệu lực. Nghị định 167/2013 quy định xử phạt 4-6 triệu đồng đối với hành vi thế chấp chứng minh thư để thực hiện hành vi trái pháp luật; phạt 1-2 triệu đồng đối với hành vi thuê, mượn hoặc cho thuê, cho mượn chứng minh thư để thực hiện hành vi trái quy định.

Như vậy, theo Nghị định 167/2013, người thực hiện các hành vi liên quan giấy tờ tùy thân với mục đích làm những việc trái pháp luật mới bị xử phạt hành chính. Còn trong dự thảo nghị định mới, tất cả hành vi thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp chứng minh thư hoặc CCCD đều bị phạt tiền.

Đồng tình với đề xuất trên, trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học của Bộ Công an) cho rằng tình trạng mua, bán, trao đổi chứng minh nhân dân gây nguy cơ lộ lọt thông tin. Tội phạm còn lợi dụng dữ liệu cá nhân của người khác để làm việc xấu như mở tài khoản ngân hàng nhằm thực hiện các giao dịch rút tiền không minh bạch hoặc hoạt động tín dụng đen.

Theo ông Hiếu, đề xuất phạt tiền ở mức 4-6 triệu đồng đối với người mang giấy tờ tùy thân đi thế chấp, cầm cố và người nhận cầm cố sẽ góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen và giảm thiểu các loại tội phạm khác.

Tuy nhiên, vị chuyên gia băn khoăn bởi theo quy định hiện hành, dịch vụ cầm cố tài sản (cầm đồ) là loại hình được cấp phép. Số lượng người mang chứng minh nhân dân, thẻ căn cước đi cầm cố khá nhiều. Hình thức này giúp những người có năng lực tài chính thấp, như sinh viên hay người làm thuê không có tài sản thế chấp, có thể vay được một khoản tiền nhỏ.

Ông Hiếu đặt vấn đề khi xử phạt hành chính với người cầm cố, thế chấp chứng minh thư hay CCCD cần tính toán đến sự tương thích giữa quy định pháp luật và thực tiễn đời sống.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast