Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án – chế định pháp lý có lợi cho đương sự

(Baohatinh.vn) - Hơn 1 năm có hiệu lực thi hành (từ 1/1/2021), Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án đã góp phần giải quyết triệt để, hiệu quả nhiều tranh chấp; tạo sự thân thiện, đồng thuận; tiết kiệm chi phí, thời gian của đương sự lẫn các cơ quan tiến hành tố tụng ở Hà Tĩnh.

Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án – chế định pháp lý có lợi cho đương sự

Hòa giải viên Đào Thị Thanh đang tiến hành hòa giải, đối thoại cho các đương sự tại TAND huyện Nghi Xuân.

Cuối tháng 2/2022, chị T.T.S (trú thôn 5, Xuân Hồng) tới TAND huyện Nghi Xuân để làm thủ tục ly hôn chồng là anh T.T.N. Tại đây, chị S. được thư ký hướng dẫn, đưa ra các lựa chọn về trình tự giải quyết.

Theo quy trình tố tụng thông thường, chị S. viết đơn xin ly hôn gửi TAND huyện Nghi Xuân để được thụ lý, xem xét, từ đó, ra thông báo nộp tiền án phí. Tuy nhiên, nếu muốn giải quyết bằng phương thức hòa giải, đối thoại, chị S. được lựa chọn hòa giải viên.

Ý kiến của nguyên đơn được ghi nhận trong biên bản, TAND sẽ tiến hành gửi về cho bị đơn để xin ý kiến. Trong trường hợp đồng ý, toàn bộ hồ sơ sẽ được chuyển cho hòa giải viên để tiến hành làm việc. Thời hạn để giải quyết theo hòa giải, đối thoại là 2 tháng và chị S. không phải chịu án phí dân sự.

Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án – chế định pháp lý có lợi cho đương sự

TAND huyện Nghi Xuân là 1 trong những đơn vị triển khai sớm Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án

Ông Phạm Huy Bình - Chánh án TAND huyện Nghi Xuân trao đổi: “TAND huyện Nghi Xuân là 1 trong những đơn vị triển khai sớm nhất Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trên toàn tỉnh. Sau hơn 1 năm thực hiện, đơn vị đã giải quyết 51 vụ việc hòa giải, đối thoại, trong đó, có đến 60% án hôn nhân gia đình, còn lại là các loại án khác; có 39% vụ việc hòa giải thành, 43% vụ đương sự rút đơn, còn lại là vụ việc không thành được chuyển sang giải quyết theo thủ tục tố tụng”.

Theo Chánh án Phạm Huy Bình, hiện, Nghi Xuân có 3 hòa giải viên tham gia thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Ngoài việc thông tin rộng rãi cho hòa giải viên tham gia các lớp tập huấn do TAND Tối cao và TAND tỉnh tổ chức, TAND huyện Nghi Xuân còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, kiến thức pháp lý, trang bị kịp thời các văn bản pháp luật cho hòa giải viên nhằm nâng cao kỹ năng thực hiện nhiệm vụ.

Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án – chế định pháp lý có lợi cho đương sự

TAND huyện Nghi Xuân trang bị cơ sở vật chất để thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Việc giải quyết theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án tạo sự thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc để các đương sự ngồi lại với nhau, cùng nhìn nhận lại sự việc để đối thoại. Qua đó, góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt trong gia đình và cộng đồng xã hội. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử

Cùng quan điểm, Chánh án TAND huyện Kỳ Anh Hoàng Ngọc Tùng thông tin thêm: “Thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án giúp tiết kiệm chi phí, công sức của các bên liên quan; giúp Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết được khối lượng lớn công việc. Bên cạnh đó, với ưu điểm có thể tiến hành hòa giải, đối thoại ngoài tòa án vào các ngày thứ 7, chủ nhật còn tạo điều kiện thuận lợi về mặt thời gian, địa điểm cho các bên tham gia. Đây cũng là phương thức giúp hạn chế được nhiều tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội”.

Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án – chế định pháp lý có lợi cho đương sự

Một phiên hòa giải tại TAND TP. Hà Tĩnh.

Kể từ khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2021) đến nay, TAND 2 cấp tỉnh Hà Tĩnh đã chuyển 271 đơn đương sự đồng ý hòa giải, đối thoại cho hòa giải viên. Trong đó, tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành 123 vụ việc, đương sự rút đơn khởi kiện 39 vụ việc; chuyển thụ lý theo thủ tục tố tụng 69 vụ việc, còn 40 vụ việc đang trong thời hạn tổ chức hòa giải, đối thoại.

“Lựa chọn giải quyết tranh chấp theo Luật Hòa giải, đối thoại sẽ tránh gây ảnh hưởng đến tình cảm giữa các bên; không kéo dài thời gian để đương sự đi đến tòa án các cấp (sơ thẩm, phúc thẩm hay thậm chí là giám đốc thẩm, tái thẩm) và người dân không phải chịu án phí trong trường hợp hòa giải thành. Tuy nhiên, một số đương sự khi được lựa chọn lại từ chối hòa giải, đối thoại mà không tìm hiểu những giá trị nhân văn mà phương thức giải quyết này đem lại. Chính vì vậy, các cấp, các ngành cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và lựa chọn hòa giải, đối thoại khi giải quyết tranh chấp” - Chánh án TAND tỉnh Phan Thị Nguyệt Thu cho biết.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast