Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị phạt tù tối đa 20 năm

(Baohatinh.vn) - Từ ngày 1/7/2016, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bò, lợn sẽ bị truy tố theo Bộ luật Hình sự với mức phạt tù tối đa 20 năm.

Phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Sở NN&PTNT) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị phạt tù tối đa 20 năm. (Ảnh chỉ mang tính mang họa)

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị phạt tù tối đa 20 năm. (Ảnh chỉ mang tính mang họa)

- Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015 đã quy định khung xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thay vì xử phạt hành chính như trước đây. Xin ông cho biết rõ hơn về điều này?

Hiện nay, chế tài xử lý các vi phạm trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi áp dụng theo Nghị định số 119/2013-CP ngày 9/10/2013 của Chính phủ; chế tài xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) thực hiện theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013. Mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, hình thức bổ sung là đình chỉ 1-3 tháng hoạt động SXKD. Mức xử phạt trên chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm.

Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi được nâng thành tội phạm theo Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016. Cụ thể: Điều 190 (sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 193 (sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 317 (vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm) quy định, các cá nhân, tổ chức sử dụng hóa chất, phụ gia bị cấm trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi sẽ bị phạt hành chính từ 50-200 triệu đồng. Các hành vi dùng chất cấm, ngay cả khi chưa xác định được hậu quả nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 1-5 năm. Nếu có tình tiết tăng nặng, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể xử phạt tù lên đến 20 năm và có thể bị phạt tiền 1 tỷ đồng.

- Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản sẽ triển khai những giải pháp nào để thực hiện có hiệu quả hơn việc kiểm soát hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thưa ông?

Thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản luôn ưu tiên hàng đầu cho nhiệm vụ quản lý, kiểm soát chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản. Theo đó, tiến hành kiểm soát chặt chẽ chất lượng các loại hàng hóa vật tư nông nghiệp sản xuất, cung ứng trên địa bàn; giám sát ATTP trong suốt quá trình sản xuất nông, thủy sản, từ sản xuất đến quá trình bảo quản, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Kiểm tra, đánh giá, phân loại A, B, C các cơ sở, thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng kết quả kiểm tra, tái kiểm tra, đặc biệt là các cơ sở xếp loại C (không đạt); quản lý điều kiện đảm bảo ATTP các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ theo Thông tư 51; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm về chất lượng, ATTP.

Bộ luật Hình sự mới được thực thi, nâng chế tài xử phạt sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm do ngành quản lý, đặc biệt là chất cấm trong chăn nuôi. Để triển khai hiệu quả quy định mới, công tác tuyên truyền là giải pháp tối ưu và quan trọng hàng đầu. Cùng với việc thực hiện Kế hoạch số 47/2016/KH- UBND ngày 26/2/2016 của UBND tỉnh về quản lý nhà nước chất lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp và ATTP trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản đã tổ chức tập huấn tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm; tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Thông qua các buổi tập huấn, chi cục phối hợp với UBND các huyện tổ chức cho các hộ chăn nuôi ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Theo kế hoạch, đến hết tháng 4 này, chúng tôi sẽ hoàn thành công tác tập huấn cho 13/13 huyện, thị, thành phố.

Chất cấm trong chăn nuôi chủ yếu là Salbutamol, Clebuterol thuộc nhóm Beta agonist, thường sử dụng để kích thích tăng trọng, hay còn gọi là chất tạo nạc. Khi hấp thụ vào cơ thể động vật, chất này sẽ điều tiết quá trình sinh trưởng, thúc đẩy hình thành cơ bắp, phân giải mỡ nhanh. Ngoài ra, còn có các chất cấm khác mới được đưa vào danh mục chất cấm sử dụng trong chăn nuôi như chất vàng ô để làm đẹp thịt gia cầm… Hiện, các chất này bị cấm dùng trong chăn nuôi trên toàn thế giới do có thể gây biến chứng ung thư.

- Xin cảm ơn ông!

(Thực hiện)

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast