Video: Trích tiết mục "Thập ân phụ mẫu" do CLB dân ca - dân vũ Thành Sen biểu diễn.
Giữ gìn ví, giặm, thơ Kiều qua những lời ru
Có thể nói, hát ru là nét văn hóa đặc sắc của người phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Hà Tĩnh nói riêng. Suốt hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc, lời ru của người mẹ, người bà, người chị mang theo những câu ca dao, dân ca… như “dòng sữa” mát lành tưới tắm, làm giàu đẹp thêm tâm hồn của bao thế hệ người Việt.
Với phụ nữ Hà Tĩnh, lời ru ấy còn là “con thuyền” chuyên chở những làn điệu ví, giặm ngọt ngào, những câu Kiều sâu lắng thấm đẫm tâm hồn trẻ thơ, vun đắp, nuôi dưỡng tâm hồn con người núi Hồng, sông La trải dài theo năm tháng. Để rồi từ đó, bao lớp người lớn lên, trưởng thành từ quê hương Hà Tĩnh, đưa tâm và tài của mình phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân. Mạch nguồn ấy ngày nay vẫn đang xanh tươi, đơm hoa, kết trái.
Bà Nguyễn Thị Nghị (67 tuổi, tổ dân phố 2, phường Bắc Hồng, TX Hồng Lĩnh) bày tỏ: “Lớn lên bên dòng sông La, núi Hồng, qua lời ru của mẹ, tôi đã thuộc lòng nhiều làn điệu ví, giặm, thơ Kiều. Khi làm mẹ, làm bà, tôi đã mang lời ca, tiếng hát ấy để ru con, ru cháu. Giờ con gái tôi cũng tiếp nối giữ gìn những câu ca của ông bà. Tôi nghĩ, đối với phụ nữ Hà Tĩnh, dân ca ví, giặm, thơ Kiều, ca trù… sẽ mãi ngân vang, khi truyền thống văn hóa được giữ gìn, tiếp nối qua các thế hệ phụ nữ trong mỗi gia đình”.
Bà Nguyễn Thị Nghị (tổ dân phố 2, phường Bắc Hồng, TX Hồng Lĩnh).
Trong năm 2022, hội LHPN các cấp ở Hà Tĩnh đã tổ chức liên hoan hát ru, thu hút hàng trăm hội viên phụ nữ tham gia. Một lần nữa, liên hoan đã thổi bùng tình yêu và ý thức trách nhiệm về giữ gìn, phát huy di sản trong mỗi hội viện, phụ nữ quê hương núi Hồng, sông La. Đặc biệt, trong thể lệ liên hoan yêu cầu và khuyến khích mỗi bài hát ru phải có 70% làn điệu dân ca ví, giặm.
CLB dân ca - dân vũ Thành Sen (TP Hà Tĩnh) biểu diễn tiết mục dân ca ví, giặm tại chương trình “Thơ Kiều qua các làn điệu ví, giặm” dịp tháng 12/2022.
Nghệ nhân dân gian Lê Quyết Diễn (xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh) bày tỏ: “Liên hoan hát ru có ý nghĩa lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca ví, giặm - di sản phi vật thể đại diện của nhân loại khi tạo ra sức lan tỏa rộng rãi không chỉ trong các hội viên phụ nữ mà còn đối với mọi tầng lớp nhân dân. Tất cả các tiết mục tham dự liên hoan không chỉ sử dụng dân ca ví, giặm làm “nguyên liệu” chính mà còn được sân khấu hóa không gian diễn xướng đặc trưng của loại hình di sản này”.
Lan tỏa thông điệp về giá trị gia đình, ngân vang làn điệu ví, giặm, thơ Kiều trên sân khấu từ làng quê đến thành phố, liên hoan hát ru do các cấp hội phụ nữ Hà Tĩnh tổ chức năm 2022 đã tạo hiệu quả tích cực không chỉ trong mỗi hội viên phụ nữ mà còn đến mọi tầng lớp nhân dân về ý thức giữ gìn di sản văn hóa.
Một tiết mục hát ru sử dụng làn điệu dân ca ví, giặm tại Liên hoan hát ru và dân vũ toàn tỉnh năm 2022.
Nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa
Câu chuyện về việc trao truyền niềm say mê dân ca ví, giặm cho 2 người con trai của chị Phan Thị Hải Yến - Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm thôn Thanh Văn (xã Xuân Thành, Nghi Xuân) khiến tôi xúc động và khâm phục.
Video: Chị Phan Thị Hải Yến (người đứng giữa 2 thanh niên áo xanh con trai chị) biểu diễn dân ca ví, giặm tại Đại hội chi bộ thôn Thanh Văn (Xuân Thành, Nghi Xuân).
Chị Yến kể: “Tuy yêu thích ca hát và có năng khiếu nhưng như nhiều thanh niên hiện nay, 2 con trai của tôi chỉ thích hát nhạc trẻ, hiện đại. Để động viên các con, tôi phân tích về cái hay, cái đẹp của dân ca ví, giặm, đồng thời cho các con tham gia lớp dân ca do các nghệ nhân tổ chức. Nhờ đó, các cháu say mê dân ca ví, giặm và mong muốn tham gia CLB của thôn, xã…”.
Hai người con trai của chị Yến là em Phạm Thế Hoàng (SN 2004), Phạm Hồng Thắng (SN 2005), đều là thành viên CLB Dân ca ví, giặm thôn Thanh Văn (xã Xuân Thành). Cùng với mẹ và các thành viên CLB, 2 em thường xuyên tham gia biểu diễn dân ca ví, giặm tại các sự kiện do xã, huyện tổ chức.
Chị Yến là một trong rất nhiều phụ nữ Hà Tĩnh với vai trò là người mẹ, cô giáo… đã và đang thực hiện vai trò khơi dậy tình yêu và trao truyền di sản văn hóa cho con cái và học sinh của mình.
Chị Hải Yến và con trai Phạm Thế Hoàng trước giờ lên sân khấu.
Theo số liệu từ Sở VH-TT&DL, đến nay, toàn tỉnh có 176 CLB dân ca ví, giặm, 2 CLB ca trù, 3 CLB trò Kiều. Trong hàng trăm thành viên tham gia các CLB, thành viên nữ chiếm số lượng vượt trội với tỷ lệ trên 60%.
Trong đó, nhiều CLB tỷ lệ thành viên nữ chiếm 80-90%, tiêu biểu như: CLB Dân ca ví, giặm Thành Sen (TP Hà Tĩnh) với 30 thành viên thì có 25 người là nữ; CLB Ca trù Cổ Đạm có 28/32 thành viên nữ… Điều đó cho thấy, hội viên phụ nữ là người nắm giữ vai trò chủ đạo trong việc phát huy vai trò giữ gìn và bảo vệ giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại các CLB.
Các nghệ nhân ca trù Nghi Xuân biểu diễn phục vụ du khách tại đền thờ Nguyễn Công Trứ
Thời gian qua, nhiều nghệ nhân nữ của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở Hà Tĩnh đã miệt mài với công tác bảo tồn di sản và đã được Nhà nước vinh danh là nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú. Nổi bật như: nghệ nhân nhân dân Vũ Thị Thanh Minh (Cẩm Xuyên, dân ca ví, giặm); các nghệ nhân ưu tú: Dương Thị Xanh (Nghi Xuân, ca trù), Trần Thị Phượng (Nghi Xuân, ca trù), Nguyễn Thị Duyễn (huyện Kỳ Anh, dân ca ví, giặm), Đặng Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Định (TP Hà Tĩnh, dân ca ví, giặm)…
Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thị Thanh Minh biểu diễn tại chương trình hát thơ Kiều qua các làn điệu dân ca ví, giặm tại không gian văn hóa Khu sinh thái Green (TP Hà Tĩnh). Ảnh: Kiều Minh
Không chỉ biểu diễn, trên lĩnh vực nghiên cứu, quản lý bảo tồn di sản văn hóa, nhiều phụ nữ Hà Tĩnh cũng có những đóng góp nổi bật. Tiêu biểu như: Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phan Thư Hiền với nhiều công trình nghiên cứu đã được xuất bản và đạt giải tại các cuộc thi cấp tỉnh, Trung ương; chị Trần Thị Cảnh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Nghi Xuân với nhiều kết quả nổi bật được các cấp, ngành ghi nhận trong công tác trao truyền, phục dựng các làn điệu ca trù Cổ Đạm…
Chị Trần Thị Cảnh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Nghi Xuân chụp ảnh cùng ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục di sản (Bộ VH-TT&DL) tại Liên hoan Ca trù toàn huyện Nghi Xuân năm 2022.
Cùng với các cá nhân, tổ chức, Hội LHPN tỉnh là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Trong đó, bên cạnh chú trọng bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể qua các cuộc thi, liên hoan văn nghệ sôi nổi trong các cấp hội, nhiều năm qua, hội cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi ảnh áo dài gắn với quảng bá các di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh của quê hương.
Dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm 2023, Hội LHPN Hà Tĩnh tổ chức cuộc thi ảnh “Áo dài với quê hương Hà Tĩnh” thu hút hàng nghìn hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh tham gia. Trong đó, với tiêu chí chụp ảnh, quay video thuyết minh về áo dài gắn với các di tích, danh lam, cuộc thi đã lan tỏa rộng rãi thông điệp giữ gìn giá trị di sản văn hóa trong mỗi hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân.
Cuộc thi ảnh “Áo dài với quê hương Hà Tĩnh” thu hút hàng trăm hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh tham gia. Trong ảnh từ phải qua trái: Thí sinh Đào Thị Thanh Bình quảng bá áo dài bên Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Hương Sơn) và thí sinh Nguyễn Thị Thu Hà bên Khu di tích Nguyễn Du (Nghi Xuân).
“Bám sát nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025: “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy dân chủ, đoàn kết, ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Hà Tĩnh”, Hội LHPN tỉnh đã và đang xây dựng nhiều chương trình hành động, triển khai rộng rãi trong các cấp hội, trong đó, công tác bảo tồn di sản văn hóa luôn được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục triển khai chương trình hành động với chủ đề “Xây dựng người phụ nữ Hà Tĩnh nhân ái, thủy chung, văn minh, thân thiện, góp phần xây dựng giá trị chuẩn mực con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới”.
Đồng thời, phát động “Mỗi phụ nữ lựa chọn một hình thức văn hóa - văn nghệ (khuyến khích phát huy di sản dân ca ví, giặm, ca trù, trò Kiều), thể dục - thể thao quần chúng phù hợp để rèn luyện sức khỏe” nhằm đáp ứng đúng nguyện vọng và thu hút ngày càng nhiều phụ nữ tham gia, tạo thành nếp sống văn hóa lành mạnh trong cộng đồng, giữ gìn giá trị văn hóa, hạnh phúc gia đình”.