Tai biến mạch máu não là một bệnh lý ngày càng trở nên phổ biến, không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi mà hiện nay rất nhiều người trẻ cũng mắc phải.
Bệnh để lại di chứng rất nặng nề, người bệnh có thể không nói được, không hiểu được, tay không cử động, chân không đi được... Theo một số nghiên cứu, đây là bệnh lý gây tử vong nhiều thứ 2 trên thế giới và cả tại Việt Nam, chỉ đứng sau bệnh tim mạch.
Tại Hà Tĩnh thời gian qua, các cơ sở y tế tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị tai biến mạch máu não. Do phát hiện và vào cấp cứu khá muộn nên dù được cứu sống song vẫn để lại nhiều di chứng. Chính vì vậy, việc tiến hành điều trị phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não là hết sức cần thiết để giúp người bệnh có thể hòa nhập trở lại với cuộc sống.
Bệnh nhân Hoàng Thế Lý (huyện Lộc Hà) bị tai biến mạch máu não, được người nhà đưa đi cấp cứu kịp thời nên chỉ để lại di chứng tay bên trái không cử động được. Sau khi cấp cứu, điều trị tại BVĐK tỉnh, bệnh nhân được gia đình chuyển đến Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh để điều trị phục hồi.
“Khi đến đây, tay trái của tôi không cử động được. Hàng ngày, tôi được các bác sỹ cho dùng thuốc đông y, châm cứu kết hợp điều trị vật lý trị liệu và các bài tập phục hồi chức năng nên cánh tay dần dần cử động. Qua 2 đợt điều trị đến nay, tay tôi có thể cầm nắm được”, bệnh nhân Lý chia sẻ.
Bà Trần Thị Hợi (huyện Hương Khê) bị tai biến mạch máu não, viêm phổi được đưa đến BVĐK tỉnh cấp cứu, điều trị. Sau đó được chuyển đến Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh trong tình trạng ăn uống qua sonde dạ dày, đại tiểu tiện không tự chủ, sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn. Sau 6 tháng điều trị phục hồi, với sự nỗ lực, kiên trì của bệnh nhân, các y bác sỹ, đến nay bệnh nhân Hợi đã tỉnh táo, gọi đáp ứng nhanh và đã có thể ngồi dậy. Theo đánh giá của các y bác sỹ, đây thực sự là một kết quả kỳ diệu đối với bệnh nhân nặng như bà Hợi.
Hiện nay, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh và Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh là hai cơ sở y tế hàng đầu trong thực hiện điều trị phục hồi chức năng cho các bệnh nhân bị tai biến mạch máu não và các nhóm bệnh tổn thương do thần kinh trên địa bàn Hà Tĩnh.
Bác sỹ Phạm Thị Phương – Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, có khoảng 30% bệnh nhân điều trị tại bệnh viện liên quan đến tai biến mạch máu não và nhóm bệnh về thần kinh. Bệnh nhân khi đến đây thường bị những khiếm khuyết về vận động, ngôn ngữ, trí nhớ... Mức độ và thời gian điều trị thường phụ thuộc vào mức độ tổn thương ban đầu. Điều quan trọng là người bệnh cần kiên trì, nỗ lực trong điều trị vật lý trị liệu và thực hiện các bài tập về phục hồi chức năng theo hướng dẫn để từng bước hòa nhập lại với cuộc sống”.
Đồng tình với quan điểm trên, Thầy thuốc Ưu tú Bùi Thị Mai Hương – Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh chia sẻ: “Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.000 trường hợp bị tai biến mạch máu não vào điều trị. Hầu hết các bệnh nhân thường có bệnh nền, hiểu biết về bệnh còn hạn chế nên nhập viện muộn, có nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng lớn đến quá trình điều trị. Chính vì vậy, việc kết hợp giữa y học cổ truyền và phương pháp điều trị của y học hiện đại, trong đó, các bài thuốc y học cổ truyền có vai trò hết sức quan trọng trong nâng cao thể trạng, đả thông kinh mạch, máu tụ, làm tiền để thuận lợi cho quá trình vật lý trị liệu phục hồi chức năng và điều trị các bệnh lý nền đi kèm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian điều trị đó là người bị tai biến cần phải đến cơ sở y tế để điều trị phục hồi càng sớm càng tốt”.