Ám ảnh nhạc… đám tang!

(Baohatinh.vn) - Đành rằng “nghĩa tử là nghĩa tận”, khi một gia đình có tang thì làng xóm chung tay góp sức cho chu toàn, bỏ qua những sai sót, bất tiện trong lúc "tang gia bối rối". Song, chuyện âm thanh trong đám tang đến mức ám ảnh cũng cần suy nghĩ.

Mùa đông năm nay khắc nghiệt quá! Phải chăng, điều này làm nhiều người già yếu qua đời nhiều hơn. Ấy thế nên, nhạc đám tang càng trở nên ám ảnh với nhiều khu dân cư.

Ám ảnh nhạc… đám tang!

Ảnh minh họa từ internet.

Hiện nay, nhiều hủ tục tập quán cũ trong đám tang đã được thay đổi rõ rệt như: rải vàng mã trên đường đưa tang; ăn uống hạn chế; rượu ít, không thuốc lá; ít vòng hoa, bức trướng hơn…

Theo quy định, trong đám tang chỉ được sử dụng nhạc tang âm lượng nhỏ, không mở trước 6 giờ sáng và không kéo dài sau 22 giờ đêm. Vậy nhưng, âm thanh của nhạc đám tang, giới thiệu phúng viếng qua hệ thống loa công suất lớn vẫn diễn ra khá phổ biến làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của Nhân dân, hoạt động các công sở, trường học…

Những âm thanh ấy liên tục được bật ra với công suất khá lớn vô hình tạo không khí tang thương trong cộng đồng, ảnh hưởng đến văn minh đô thị… Đặc biệt, những lời hát mẫu tử tình thâm ám ảnh đến nhiều lứa tuổi, nhất là nhóm người già, sức yếu, bệnh tật… làm ảnh hưởng đến suy nghĩ và tâm lý.

Thành phố Hà Tĩnh đã có nhiều giải pháp, nhiều quy định và cũng đã giao trách nhiệm thường xuyên cho cấp ủy, chính quyền các địa phương về việc hạn chế âm thanh trong đám tang nhưng ở các địa phương vẫn ít nhiều tồn tại thực trạng này.

Đành rằng sinh, lão, bệnh, tử là quy luật tự nhiên; hệ thống quy định của Nhà nước, hương ước, quy ước từ cấp cơ sở trở lên đã đầy đủ trong việc tổ chức tang lễ; các tập tục xưa cũ cũng dần được thay đổi để phù hợp, thế nhưng, tiếng nhạc đám tang vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người.

Mong rằng, ngay từ gia đình, họ hàng, hàng xóm, tổ liên gia, liên đoàn cán bộ cơ sở và những người có liên quan như: ban tổ chức lễ tang, người xướng lễ, thầy cúng… phải là những người quán triệt, đồng thuận đầu tiên trong việc thực hiện các quy định liên quan để hạn chế tình trạng này.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong quản lý việc cưới, tang; nêu cao tính tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp trong thực hiện để Nhân dân noi theo; lồng ghép nội dung tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang vào sinh hoạt thôn, xóm, tổ dân phố; thẳng thắn nhắc nhở, chấn chỉnh sai phạm, tổ chức thực hiện ký cam kết tại khu dân cư... để hạn chế những ám ảnh về nhạc đám tang, góp phần xây dựng đô thị ngày càng văn minh.

Chủ đề Bạn đọc viết

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast