Kiểu chào truyền thống Namaste của Ấn Độ “lên ngôi” mùa dịch Covid-19

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thái tử Anh Charles là hai nhà lãnh đạo tiếp theo từ chối chào hỏi qua hành động bắt tay nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Kiểu chào truyền thống Namaste của Ấn Độ “lên ngôi” mùa dịch Covid-19

(Trái) Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thái tử Anh Charles đều áp dụng kiểu chào chắp tay trước ngực khi gặp gỡ quan khách trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành. Ảnh: Reuters

Theo kênh truyền hình RT, trong cuộc gặp với Thủ tướng Ireland Taoiseach Leo Varadkar tại Nhà Trắng vào ngày 12/3, thay vì bắt tay chào hỏi, Tổng thống Trump đã đưa hai tay chắp trước ngực tương tự kiểu chào truyền thống Namaste của Ấn Độ.

“Hôm nay chúng tôi không bắt tay. Chúng tôi nhìn nhau, và nói: ‘Chúng ta sẽ làm gì nhỉ? Bạn biết đấy, đó là một cảm giác kỳ lạ". Và rồi, chúng tôi làm như này”, Tổng thống Trump mô tả lại động tác chắp tay trước ngực khi trả lời phóng viên tại Nhà Trắng, ngồi cạnh là Thủ tướng Varadkar.

Xem video Tổng thống Trump miêu tả cách chào hỏi Namaste (nguồn: Nhà Trắng):

Tương tự, tại thảm đỏ sự kiện trao giải Prince"s Trust Awards 2020 tổ chức tại thủ đô London (Anh) ngày 11/3, Thái tử Charles cũng kịp nhớ ra chào bằng kiểu chào Ấn Độ khi một số vị khách chủ động đưa tay.

Tuần trước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nêu bật sáng kiến này, khuyến khích không chỉ người dân Ấn Độ mà toàn thế giới nên áp dụng phương thức chào hỏi này nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Cách đó 5.000 km về phía Tây, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cam kết không bắt tay và chỉ chào hỏi bằng kiểu Namaste.

Kiểu chào truyền thống Namaste của Ấn Độ “lên ngôi” mùa dịch Covid-19

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chào người dân bằng cách chào hỏi truyền thống. Ảnh: AFP

Dịch Covid-19 đã lây lan ra trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 135.000 người được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi dịch bùng phát lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) từ cuối năm ngoái.

Dịch bệnh này đã cướp đi sinh mạng của trên 4.700 người. Hơn một nửa số bệnh nhân đã hồi phục, tuy nhiên, vẫn còn khoảng 62.000 trường hợp đang tiếp tục điều trị.

Tho Bảo Hà/Báo Tin tức

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast