“Thừa” cử nhân, thiếu lao động phổ thông

(Baohatinh.vn) - Những con số kết nối lao động với việc làm ở các trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian qua đang ngày càng thể hiện rõ nét một nghịch lý là số lượng cử nhân ngày càng khó tìm việc làm trong khi thị trường lao động phổ thông, lao động đã qua đào tạo nghề lại thiếu nguồn cung.

Ông Nguyễn Tiến Hòa - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh cho biết: Vài năm gần đây, lao động có trình độ cao đẳng, đại học ngày càng khó tìm việc như mong muốn; nhiều người xin được việc thì lương thấp hơn lao động học nghề, đặc biệt là lao động có trình độ cao đẳng, cử nhân thuộc các ngành kinh tế, luật, các ngành khối xã hội…

thua cu nhan thieu lao dong pho thong

Tư vấn cho lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, có gần 500 lượt doanh nghiệp (DN) đăng ký tuyển dụng, trong đó có 150 DN tuyển dụng trực tiếp. Trung tâm đã tổ chức được 15 phiên giao dịch việc làm, thu hút hơn 3.500 lượt lao động tham gia, trong đó có gần 2.000 lượt lao động được giới thiệu việc làm và gần 600 lượt lao động được tuyển dụng. Trong đó, số lao động trình độ đại học, cao đẳng tìm đến tìm việc làm qua trung tâm chiếm tới 60-70% nhưng tỷ lệ người có cơ hội công việc chỉ chiếm rất nhỏ. Nhu cầu của DN đang tập trung vào việc tuyển lao động phổ thông và lao động qua đào tạo lại cao nhưng số lượng lao động đáp ứng yêu cầu này đăng ký tuyển dụng lại ít.

Thực tế tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, nguồn cung lao động phổ thông, lao động qua đào tạo đến sàn giao dịch đang giảm bởi nhiều lao động tốt nghiệp trường nghề đã có việc làm. Bên cạnh đó, đa phần lao động mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, thiếu kỹ năng nên chưa hội đủ các yếu tố để giới thiệu cho DN. Về phía lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng lại thường tìm việc tại văn phòng và yêu cầu lương cao, khi tư vấn giới thiệu trái ngành nghề thì không đồng ý.

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Cung ứng nhân lực Khu kinh tế Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã đón tiếp, tư vấn, hướng dẫn cho khoảng 2.500 lượt lao động đến tìm hiểu cơ hội làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng; giới thiệu 870 lao động vào thi tuyển, phỏng vấn tại các DN, nhà thầu; có 310 lao động trúng tuyển vào làm việc tại các DN (45 lao động trình độ đại học, 87 cao đẳng, 88 trung cấp, 23 sơ cấp, 67 lao động phổ thông).

“Thực tế, các DN tuyển dụng lao động thông qua trung tâm chủ yếu có trình độ cao đẳng, trung cấp nghề, sơ cấp nghề và lao động phổ thông; tuyển dụng lao động trình độ đại học ít hơn nhiều lần và chủ yếu tuyển dụng người có trình độ đại học ngành kỹ thuật. Muốn tìm được việc, nhiều lao động có trình độ đại học đã chấp nhận tuyển dụng vào vị trí có trình độ cao đẳng hay trung cấp” - ông Phạm Anh Tú - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Cung ứng nhân lực Khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết.

Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Huế, chuyên ngành Quản trị kinh doanh loại khá, Nguyễn Ngọc Hoàng (Nghi Xuân) đến trung tâm đăng ký tìm việc. Hoàng chia sẻ: Khi mới ra trường, em đã làm việc thời vụ với vị trí cộng tác viên kinh doanh cho một số công ty ở Huế, tuy nhiên, thu nhập không ổn định. Sau 2 năm ra trường, em thấy tìm việc làm đúng nghề rất khó. Về quê, em mong muốn sẽ tìm được vị trí nhân viên kinh doanh nhưng không được nên đành chấp nhận đăng ký việc làm trái ngành học để có thu nhập”.

Trong khi đó, không ít DN, cơ sở sản xuất cần lao động nhưng không tìm được người như ý. Anh Nguyễn Văn Hoàn - chủ một cơ sở cơ khí ở Thạch Hà cho biết: “Cơ sở đang cần tuyển thợ hàn có tay nghề tốt, nhưng tìm cả tháng vẫn chưa được”. Theo anh Hoàn - cơ sở của anh cần người có tay nghề, chịu khó và có sức khỏe. Tuy nhiên, người thì thiếu tay nghề, người thì không tuân thủ giờ giấc, kỷ luật lao động, có thể nghỉ việc bất cứ lúc nào họ muốn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Tìm được người đã khó, việc hướng dẫn, đào tạo cũng đòi hỏi phải có thời gian.

Thực tế ngày càng chứng minh sự khập khiễng giữa công tác đào tạo và nhu cầu việc làm hiện nay. Bởi vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác dự báo và định hướng, hỗ trợ để giúp thế hệ trẻ có được sự lựa chọn phù hợp trước một quyết định lớn của tương lai: vào đại học hay chọn lối rẽ học nghề...

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast