Giúp người chấp hành án không giam giữ ở Thạch Hà hòa nhập cộng đồng

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, các xã, thị trấn ở Thạch Hà đã triển khai hiệu quả công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án treo, án cải tạo không giam giữ trên địa bàn. Qua đó, nắm bắt tâm tư tình cảm, giúp họ yên tâm cải tạo, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Cuối tháng 5/2022, ông N.V.T. (SN 1962, trú thôn Thống Nhất, xã Thạch Đài, đang chấp hành án 15 tháng cải tạo không giam giữ tại địa phương về tội đánh bạc) đến trụ sở Công an xã để tự nhận xét, đánh giá về bản thân trong suốt 1 tháng vừa qua.

Giúp người chấp hành án không giam giữ ở Thạch Hà hòa nhập cộng đồng

Đại úy Phạm Duy Triết - Trưởng Công an xã Thạch Đài giải thích các quy định của pháp luật cho người đang thi hành án cải tạo không giam giữ trên địa bàn.

“Ngày 24/12/2020, kết thúc tiệc cưới con của một người bạn thân, tôi cùng 3 người nữa tham gia đánh bạc với tổng số tiền hơn 7 triệu đồng và bị bắt. Đến ngày 18/3/2021, TAND huyện Thạch Hà đưa vụ án ra xét xử, tôi chịu mức án 15 tháng cải tạo không giam giữ. Sau khi Công an xã nhận bàn giao hồ sơ từ Công an huyện, tôi chính thức bắt đầu quá trình chấp hành án tại địa phương kể từ 23/4/2021” - ông T. cho biết.

Trong suốt thời gian qua, ông T. đều chấp hành tốt đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động xã hội cũng như phong trào chung của xã. Ngoài công việc thời vụ là thợ xây, ông T. còn chăm chỉ kiếm thêm thu nhập từ 7 sào ruộng của gia đình. Ông T. mong muốn, sự tuân thủ nghiêm sẽ giúp ông sớm kết thúc thời hạn thử thách và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Giúp người chấp hành án không giam giữ ở Thạch Hà hòa nhập cộng đồng

Sổ theo dõi người được hưởng án treo và người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ do công an xã lập.

Đại úy Phạm Duy Triết - Trưởng Công an xã Thạch Đài thông tin: “Hiện, trên địa bàn xã Thạch Đài có tất cả 9 người đang chấp hành án treo, án cải tạo không giam giữ (trong đó, 8 đối tượng chấp hành án treo, 1 đối tượng chấp hành án cải tạo không giam giữ), chủ yếu phạm các tội đánh bạc, trộm cắp tài sản”.

Sau khi tiếp nhận quyết định của tòa án, công an huyện sẽ bàn giao lại hồ sơ liên quan đến người chấp hành án treo, án cải tạo không giam giữ cho UBND xã quản lý. UBND xã và công an xã có trách nhiệm phối hợp giám sát, giáo dục. Trưởng công an xã sẽ trực tiếp phân công nhiệm vụ cho công an viên phụ trách và lập hồ sơ theo dõi. Tiếp đó, công an xã sẽ triệu tập người chấp hành án lên làm việc.

Vào ngày cuối cùng trong tháng, người chấp hành án sẽ tự nhận xét, đánh giá về quá trình giáo dục của bản thân. Đây là căn cứ để tại cuộc họp đầu tháng, công an xã tham mưu, đề xuất với UBND xã, ủy ban MTTQ xã đánh giá, nhận xét về quá trình chấp hành án tại địa phương và rút ngắn thời hạn thử thách vào các dịp tết Nguyên đán, 30/4, 1/5, 2/9. Theo đó, nếu chấp hành tốt, người đã chấp hành 1/2 thời hạn thử thách đối với án treo và 1/3 thời hạn thử thách đối với án cải tạo không giam giữ sẽ được xem xét.

Được biết, dịp 30/4 vừa qua, xã Thạch Đài đã có 3 người chấp hành tốt được rút ngắn thời hạn thử thách.

Giúp người chấp hành án không giam giữ ở Thạch Hà hòa nhập cộng đồng

Công an thị trấn Thạch Hà trao đổi về quá trình theo dõi, giám sát việc chấp hành của người chấp hành án treo, án cải tạo không giam giữ trên địa bàn.

Trong khi đó, thị trấn Thạch Hà là địa phương có số lượng người chấp hành án treo, án cải tạo không giam giữ đông nhất trên toàn huyện. Trong tổng số 13 người đang chấp hành án, có 10 người chấp hành án treo, 2 người chấp hành án cải tạo không giam giữ, 1 người hoãn chấp hành án. Trong đó, người thấp nhất chịu mức 8 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 16 tháng và cao nhất là 30 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng.

Theo Thượng úy Lê Tuấn Thành - cán bộ phụ trách theo dõi người chấp hành án treo, án cải tạo không giam giữ, Công an thị trấn Thạch Hà: Thời gian vừa qua, Công an thị trấn đã phối hợp với các đơn vị liên quan liên quan tổ chức tuyên truyền quy định của pháp luật về công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng đối với người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, đồng thời thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ, có hiệu quả đối tượng này.

Theo đánh giá, các đối tượng cơ bản chấp hành tốt quy định của pháp luật. Thời gian qua, trên địa bàn thị trấn đã có nhiều đối tượng được rút ngắn thời hạn thử thách như D.T.T. (SN 1971, trú tổ dân phố 7, chịu 24 tháng cải tạo không giam giữ về tội đánh bạc) được rút ngắn 3 tháng; P.S.N. (SN 1995, tổ dân phố 7, tội đánh bạc) được rút ngắn 5 tháng; N.V.H. (SN 1982, trú tổ 7, tội đánh bạc) được rút ngắn 3 tháng...

Giúp người chấp hành án không giam giữ ở Thạch Hà hòa nhập cộng đồng

Thị trấn Thạch Hà là địa phương có số lượng người chấp hành án treo, án cải tạo không giam giữ đông nhất trên toàn huyện. Ảnh minh họa

Trong giai đoạn 2020 - 2022, toàn huyện Thạch Hà có 85 người phải chấp hành án treo và 22 người phải chấp hành cải tạo không giam giữ. Công an các địa phương đã làm tốt công tác tham mưu, phối hợp với UBND xã làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, giáo dục người chấp hành án hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, UBND các xã, thị trấn đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định việc tiếp nhận hồ sơ chấp hành án treo, chấp hành án cải tạo không giam giữ do Công an huyện chuyển đến. Đồng thời, lập hồ sơ, cử cán bộ quản lý giám sát, giáo dục người chấp hành án, định kỳ tiến hành việc kiểm kê, điểm danh, điểm diện đúng quy định…

Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Khoa cho biết: “Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án treo, án cải tạo không giam giữ trên địa bàn. Công an cấp huyện và UBND cấp xã thực hiện tốt công tác nắm địa bàn, nắm đối tượng; thực hiện chặt chẽ công tác lập hồ sơ, phân công người trực tiếp quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối tượng chấp hành án; quan tâm công tác xét đề nghị miễn, giảm, rút ngắn thời gian thử thách cho những người chấp hành tốt. Bên cạnh đó, UBND cấp xã tăng cường phối hợp với các đoàn thể trong việc tổ chức các chương trình học nghề, tìm kiếm việc làm, các chương trình phát triển kỹ năng sống để tạo điều kiện cho người sau chấp hành án tìm việc làm có thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Tin liên quan:

Chủ đề Phòng chống tội phạm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast