Đại tá Mamady Doumbouya tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời Guinea

Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời, Đại tá Doumbouya cam kết rằng cả ông và nhóm tham gia cuộc đảo chính tháng trước sẽ không ra tranh cử tại các cuộc bầu cử mà quân đội tổ chức.

Đại tá Mamady Doumbouya tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời Guinea

Đại tá Mamady Doumbouya (giữa) sau một cuộc họp ở Conakry, Guinea ngày 17/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 1/10, Đại tá Mamady Doumbouya, người đứng đầu cuộc đảo chính tại Guinea hồi tháng trước, đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời của nước này.

Chính quyền quân sự tại Guinea, được biết đến với tên gọi Ủy ban Hòa giải và Phát triển quốc gia (CNRD), đã công bố một “hiến chương chuyển tiếp,” khẳng định văn kiện này sẽ đưa đất nước trở lại chính quyền dân sự.

Tài liệu này được công bố trên truyền hình tối 27/9 giờ địa phương, đặt ra một loạt nhiệm vụ, bao gồm soạn thảo một hiến pháp mới và tổ chức các cuộc bầu cử “tự do, dân chủ và minh bạch,” dù không nói chính xác thời gian diễn ra quá trình chuyển tiếp.

Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời, Đại tá Doumbouya tuyên bố ông sẽ không tham gia ứng cử khi Guinea tổ chức các cuộc bầu cử.

Ông Doumbouya cam kết rằng cả ông và nhóm tham gia cuộc đảo chính tháng trước sẽ không ra tranh cử tại các cuộc bầu cử mà quân đội đã cam kết tổ chức.

Trước đó, ngày 5/9, một nhóm binh sỹ do đại tá lực lượng đặc nhiệm Mamady Doumbouya đứng đầu, đã tiến hành cuộc đảo chính ở thủ đô Conakry, tuyên bố xóa bỏ Hiến pháp, bắt giữ Tổng thống Alpha Conde và giải tán chính phủ.

Sau vụ đảo chính trên, Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) cho biết sẽ áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các thành viên của chính quyền quân sự ở Guine, cũng như đóng băng tài sản của lực lượng đảo chính.

ECOWAS kêu gọi Liên minh châu Phi (AU), LHQ, Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với lực lượng đảo chính.

Ngày 16/9, các nhà lãnh đạo ECOWAS đã ra một tuyên bố chung kêu gọi quốc gia này tiến hành bầu cử trong vòng 6 tháng nhằm nhanh chóng trở lại chế độ điều hành dân sự, và yêu cầu trả tự do cho ông Conde.

Theo Thanh Phương/Vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast