Làm việc “chui” tại Hàn Quốc - Hậu quả khôn lường!

(Baohatinh.vn) - Mong muốn tiếp tục có thu nhập để gửi về cho gia đình nên rất nhiều lao động Việt Nam, trong đó có lao động Hà Tĩnh, khi sang làm việc tại Hàn Quốc sau khi hết hợp đồng đã tìm cách ở lại và làm việc bất hợp pháp. Nếu không có các giải pháp đủ mạnh thì rất có thể trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có nguy cơ mất thị trường lao động đầy tiềm năng và hấp dẫn này.

Ý thức chấp hành pháp luật còn thấp

Từ năm 2004, chương trình cấp phép việc làm (EPS) tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc tại Hàn Quốc chính thức khởi động đã mở ra cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam tại thị trường mới mẻ và đầy hấp dẫn này. Tính từ năm 2004 đến nay, Hàn Quốc đã tiếp nhận hơn 74.000 lao động Việt Nam, trong đó, Hà Tĩnh có khoảng 3.000 người.

Làm việc “chui” tại Hàn Quốc - Hậu quả khôn lường! ảnh 1

Cần nâng cao nhận thức cho các lao động ngay từ các đợt học và sát hạch trình độ tiếng Hàn

Với chi phí các thủ tục chỉ hơn 1.200 USD/người, khi sang làm việc tại Hàn Quốc, mỗi lao động có mức thu nhập từ 1.000 - 1.200 USD/tháng đã giúp không ít gia đình có của ăn, của để, đời sống đổi thay nhanh chóng. Mức thu nhập hấp dẫn đã khiến không ít lao động Việt Nam khi hết hạn hợp đồng không về nước mà mạo hiểm ra ngoài cư trú và làm việc bất hợp pháp.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, tính từ năm 2013 đến nay, Hà Tĩnh có trên 300 lao động cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Chỉ riêng Thạch Hà, Can Lộc đã có trên 50 lao động. Lý giải vấn đề này, anh Hoàng Công Viên (Thạch Hải, Thạch Hà) từng đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc về nước theo đúng hạn hợp đồng, cho rằng: “Do khi về nước muốn tìm được việc làm ổn định là rất khó khăn, muốn đi lại thì sợ thi không đậu vì trên thực tế, có rất nhiều người khi về thi lại đến 5-7 lần vẫn trượt. Ngoài ra, hiện nay, tình trạng “cò” xuất hiện nhiều, đẩy chi phí xuất khẩu lao động lên cao, gây tâm lý e ngại cho anh em”.

Tại hội nghị tuyên truyền, vận động lao động đang làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước khi hết hợp đồng do Sở LĐ-TB&XH tổ chức mới đây, ông Nguyễn Lương Lĩnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho rằng: Nguyên nhân cơ bản là do ý thức tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật nước bạn của lao động Việt Nam còn rất hạn chế, chỉ nghĩ đến lợi ích riêng, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của Việt Nam và chương trình hợp tác giữa 2 nước. Hơn nữa, để lao động Việt Nam ở lại và làm việc bất hợp pháp, rất có thể các ông chủ, doanh nghiệp cũng có sự bao che khi cơ quan chức năng Hàn Quốc kiểm tra.

Nguy cơ bị đóng cửa thị trường

Tình trạng hết hạn hợp đồng nhưng lao động vẫn cố tình ở lại làm việc bất hợp pháp sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của đất nước và nghiêm trọng hơn là Việt Nam có nguy cơ bị mất hoàn toàn thị trường lao động tại xứ sở Kim Chi.

Bà Phạm Ngọc Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Hiện nay, cả nước đang tồn đọng khoảng 5.000 hồ sơ, trong đó, Hà Tĩnh có 250 hồ sơ chưa được sang Hàn Quốc làm việc. Để nước này tiếp tục gia hạn biên bản ghi nhớ tiếp nhận lao động Việt Nam, chúng ta phải cam kết hạ thấp tỷ lệ lao động bất hợp pháp xuống dưới 28%, nhưng cho đến nay, con số này vẫn ở mức 40,67%. Trong khi một số quốc gia cũng cử lao động sang Hàn Quốc, có mức thu nhập bình quân đầu người trong nước không cao hơn Việt Nam, nhưng tỷ lệ ở lại cư trú bất hợp pháp thấp, chẳng hạn như Campuchia chỉ khoảng 7%. Chính vì vậy, nếu không có các giải pháp mạnh, tuyên truyền, vận động lao động hết hạn hợp đồng về nước thì nguy cơ Hàn Quốc không tiếp tục gia hạn tiếp nhận lao động Việt Nam mà ta vừa ký lại được vào đầu năm 2015 là rất cao”.

Làm việc “chui” tại Hàn Quốc - Hậu quả khôn lường! ảnh 2

Các gia đình có người thân đi lao động tại HQ ký cam kết tuyên tuyền, vận động về nước đúng thời hạn.

Để từng bước hạn chế tình trạng lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt; trong đó, phải kể đến là phương thức ký quỹ 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách - Xã hội trước khi lao động sang Hàn Quốc làm việc. Sau khi hết hạn hợp đồng, nếu lao động không về nước thì sẽ không được nhận lại số tiền ký quỹ. Ngoài ra, Chính phủ cũng đưa ra hình thức xử phạt hành chính từ 80-100 triệu đồng đối với những lao động vi phạm.

Cùng với các chế tài xử lý thì việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động được coi là giải pháp hiệu quả, căn cơ nhất. Theo ông Lê Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cùng với sự khuyên răn, vận động của người thân trong gia đình người lao động thì quan trọng nhất vẫn là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nổi bật là MTTQ, các đoàn, hội ở phường, xã, thị trấn. Các buổi sinh hoạt, giao lưu là cơ hội để thông tin, tuyên truyền cho các hội viên biết hậu quả của việc cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast