Kịch bản khó đoán trong cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới ở Nhật Bản

Theo giới phân tích, nhiều khả năng cuộc đua "tứ mã" tới chiếc ghế chủ tịch LDP có thể bước vào vòng bỏ phiếu thứ hai khi không có ai giành được đa số phiếu ở vòng một.

Kịch bản khó đoán trong cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới ở Nhật Bản

(Từ trái sang) Bộ trưởng Cải cách hành chính Taro Kono, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida, cựu Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Sanae Takaichi và quyền Tổng Thư ký Điều hành LDP Seiko Noda trong cuộc họp báo chung tại Tokyo, ngày 17/9. (Nguồn: Kyodo).

Theo giới phân tích, nhiều khả năng cuộc đua “tứ mã” tới chiếc ghế chủ tịch LDP, người gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng mới ở Nhật Bản, có thể bước vào vòng bỏ phiếu thứ hai khi không có ai giành được đa số phiếu ở vòng một.

Cuộc đua vào chiếc ghế chủ tịch LDP năm nay rất quyết liệt khi có tới bốn ứng cử viên tham gia, gồm Bộ trưởng Cải cách Hành chính Taro Kono, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida , cựu Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Sanae Takaichi và quyền Tổng Thư ký Điều hành LDP Seiko Noda.

Khác với cuộc đua vào chiếc ghế chủ tịch LDP năm ngoái, vốn chỉ có các nghị sỹ LDP và 47 đại diện đảng bộ cấp tỉnh được phép bỏ phiếu, cuộc bầu cử năm nay có sự tham gia của cả các đảng viên cơ sở.

Bất cứ ai muốn giành chiến thắng đều phải nhận được ít nhất 383 trong số 764 phiếu, trong đó có 382 lá phiếu của các nghị sỹ LDP và 382 phiếu của các đảng viên cơ sở. Số phiếu của các đảng viên cơ sở sẽ được phân bổ cho các ứng cử viên trên cơ sở tỷ lệ ủng hộ mà họ nhận được từ khoảng 1,1 triệu đảng viên cơ sở.

Kết quả thăm dò dư luận mới nhất của các phương tiện truyền thông Nhật Bản cho thấy nhiều khả năng không có ứng cử viên nào giành được đa số phiếu ở vòng một. Hiện tại, có vẻ như Bộ trưởng Kono là lựa chọn hàng đầu trong số các đảng viên cơ sở, còn ông Kishida đang dẫn trước về số phiếu ủng hộ từ các nghị sỹ LDP.

Tuy nhiên, bà Takaichi đang bám rất sát hai đối thủ trên và vẫn còn cơ hội khi có một số lượng đáng kể đảng viên cơ sở và nghị sỹ LDP chưa quyết định hoặc chưa tiết lộ sẽ bỏ phiếu cho ai.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò dư luận do hãng tin Kyodo thực hiện trong hai ngày 25 và 26/9, có 47,4% đảng viên cơ sở ủng hộ ông Kono, trong khi tỷ lệ ủng hộ ông Kishida là 22,4%. Tỷ lệ ủng hộ bà Takaichi và bà Noda tương ứng là 16,2% và 3,4%.

Nếu quy đổi tỷ lệ ủng hộ trên thành phiếu bầu, ông Kono sẽ giành hơn 200 trong tổng số 382 phiếu từ các đảng viên cơ sở, trong khi ông Kishida sẽ nhận được 90 phiếu. Các nữ chính trị gia Takaichi và Noda sẽ nhận được tương ứng khoảng 70 và 10 phiếu.

Đối với nhóm cử tri là nghị sỹ, kết quả thăm dò cho thấy ông Kishida đang nhận được sự ủng hộ của khoảng 135 trong tổng số 382 nghị sỹ LDP. Số nghị sỹ ủng hộ ba ứng cử viên còn lại được phân chia như sau: ông Kono (ít nhất 100 nghị sỹ), bà Takaichi (gần 100 nghị sỹ) và bà Noda (hơn 20 nghị sỹ).

Nếu thống kê số phiếu từ cả hai nhóm cử tri, ông Kono có thể nhận được hơn 300 trong tổng số 764 phiếu, ông Kishida khoảng 230 phiếu, bà Takaichi khoảng 170 phiếu và bà Noda khoảng 35 phiếu. Điều này có nghĩa là nhiều khả năng không ai trong số bốn ứng cử viên giành được đa số phiếu ở vòng một.

Theo quy định của LDP, trong trường hợp không có ứng cử viên nào giành đa số phiếu trong vòng bỏ phiếu thứ nhất, đảng sẽ tổ chức bỏ phiếu lần hai để chọn ra chủ tịch mới từ hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất ở vòng một. Tham gia bỏ phiếu ở vòng hai là 382 nghị sỹ và 47 đại diện của các đảng bộ cấp tỉnh. Người giành chiến thắng ở vòng này phải nhận được ít nhất 215 phiếu.

Kịch bản khó đoán trong cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới ở Nhật Bản

Ứng viên tranh cử Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) Nhật Bản Taro Kono trong phiên thảo luận trực tuyến tại trụ sở của đảng ở Tokyo, ngày 25/9. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Giới phân tích nhận định nhiều khả năng ông Kono sẽ lọt vào vòng hai. Đối thủ của ông Kono ở vòng này có thể sẽ là ông Kishida hoặc bà Takaichi.

Ông Kono, năm nay 58 tuổi, là người có tư tưởng cải cách. Tham gia cuộc đua năm nay, ông Kono đặt mục tiêu giành thắng lợi ngay ở vòng đầu. Phát biểu với các phóng viên hôm 22/9, Bộ trưởng Kono nói: “Tôi sẽ cố gắng hết sức để giành chiến thắng ở vòng một.”

Tuy nhiên, có vẻ như mục tiêu đó không còn khả thi. Trong bối cảnh đó, đội ngũ ủng hộ Bộ trưởng Kono đang định vị chính trị gia này như một sự lựa chọn có lợi cho các hạ nghị sỹ muốn ra tranh cử trong cuộc bầu cử hạ viện sắp tới dưới sự dẫn dắt của một nhà lãnh đạo được nhiều người mến mộ.

Ông Kono đang nhận được sự ủng hộ từ khoảng một nửa trong số 53 nghị sỹ của phái Aso do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso dẫn đầu. Đây cũng là phái mà ông Kono tham gia.

Mặt khác, với sự hậu thuẫn của Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba - hai chính trị gia khá nổi tiếng ở Nhật Bản, ông Kono cũng nhận được sự ủng hộ từ phía các nghị sỹ trẻ hoặc chưa có nhiều thâm niên trong các phe phái.

Ngoài ra, việc Thủ tướng Suga lên tiếng ủng hộ ứng cử viên Kono có thể giúp ông này giành được phiếu bầu từ các nghị sỹ độc lập nhưng không theo trường phái bảo thủ trong LDP.

Ông Yu Uchiyama, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tokyo, nhận định do cuộc đua vào chiếc ghế chủ tịch LDP sẽ diễn ra ngay trước cuộc bầu cử hạ viện nên các nghị sỹ chưa có nhiều thâm niên của LDP với nền tảng ủng hộ vẫn còn yếu có thể có khuynh hướng bỏ phiếu cho ông Kono vì sự nổi tiếng của ông này trong công chúng.

Theo Giáo sư Yu Uchiyama: “Đối với các nghị sỹ trẻ, chưa có được sự ủng hộ vững chắc từ các cử tri, cơ hội tái đắc cử (trong cuộc bầu cử hạ viện) sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ấn tượng của công chúng đối với LDP như thế nào. Vì vậy, họ dĩ nhiên muốn một người được công chúng yêu mến làm lãnh đạo của mình."

Tuy nhiên, ông Kono được cho là sẽ gặp khó khăn ở vòng hai do nhiều nghị sỹ LDP phản đối các quan điểm chính sách của chính trị gia này về vấn đề lương hưu và năng lượng hạt nhân.

Trong khi đó, nền tảng ủng hộ chủ yếu của ứng cử viên Kishida, 64 tuổi, là phái Kishida với 46 nghị sỹ do ông đang lãnh đạo, cùng với một phần của phái Hosoda - phái lớn nhất trong LDP với 96 nghị sỹ do cựu Tổng Thư ký LDP Hiroyuki Hosoda lãnh đạo, và các nghị sỹ kỳ cựu thuộc phái Aso.

Đội ngũ ủng hộ cho ông Kishida đang tính toán về khả năng xảy ra kịch bản ở vòng bỏ phiếu thứ nhất, ông Kishida sẽ chỉ đứng ở vị trí thứ hai sau ông Kono. Các vị trí thứ ba và tư sẽ thuộc về các nữ chính khách Takaichi và Noda. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại khi bà Takaichi đang bắt kịp ông Kishida một cách nhanh chóng.

Với sự hậu thuẫn của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, bà Takaichi đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nghị sỹ bảo thủ, cho dù lúc đầu nữ chính trị gia này bị coi là ứng cử viên không có hy vọng thắng cử.

Tuy nhiên, nếu ứng cử viên này lọt vào vòng hai, những người đã bỏ phiếu cho ông Kishida và bà Noda trong vòng đầu tiên có thể bỏ phiếu cho ông Kono ở vòng cuối cùng vì lo ngại về quan điểm diều hâu của bà Takaichi. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu xảy ra cặp đấu Kono-Takaichi, ông Kono có cơ hội thắng cao hơn bà Takaichi.

Kịch bản khó đoán trong cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới ở Nhật Bản

Ứng viên tranh cử Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) Nhật Bản, cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida trong phiên thảo luận trực tuyến tại trụ sở của đảng ở Tokyo. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Mặc dù vậy, theo giới phân tích, ở vòng hai, khả năng xảy ra cuộc đối đầu Kono-Kishida cao hơn cặp đấu Kono-Takaichi. Nếu ông Kishida lọt vào vòng hai, không loại trừ kịch bản sẽ hình thành liên kết giữa ông Kishida và bà Takaichi để đối đầu với ông Kono ở vòng này.

Điều này có nghĩa đa số nghị sỹ ủng hộ bà Takaichi sẽ quay sang bỏ phiếu cho ông Kishida. Cụ thể, ngoài 46 nghị sỹ của phái Kishida, 96 nghị sỹ thuộc phái Hosoda có thể sẽ ủng hộ cho ông Kishida, bởi vì ở vòng một phái này chủ yếu bỏ phiếu cho ông Kishida và bà Takaichi.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi, người đứng đầu phái Takeshita có 51 nghị sỹ, cho biết nhiều nghị sỹ của phái này sẽ bỏ phiếu cho ông Kishida ở vòng hai.

Vì vậy, giới phân tích cho rằng nếu xảy ra cặp đấu Kono-Kishida, khả năng ông Kono thất bại cao hơn. Trong cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch LDP năm 2012, ông Ishiba cũng dẫn trước ông Abe ở vòng một nhờ sự ủng hộ của các đảng viên cơ sở nhưng lại thất bại ở vòng hai khi lá phiếu của các nghị sỹ có trọng lượng hơn.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia phân tích, kịch bản trên chỉ có thể xảy ra nếu ông Kishida nhận được sự ủng hộ từ các đảng viên cơ sở nhiều hơn bà Takaichi.

Trong trường hợp ông Kishida vẫn vượt qua vòng một để đối đầu với ứng cử viên Kono nhưng thua bà Takaichi về số phiếu ủng hộ từ các đảng viên cơ sở, không loại trừ khả năng nhiều nghị sỹ sẽ quay sang ủng hộ cho ông Kono.

Nguyên nhân là do tại thời điểm hiện nay, các nghị sỹ LDP lo ngại đảng này sẽ phải đối mặt với “sự trả đũa” từ phía người dân trong cuộc bầu cử hạ viện sắp tới nếu một ứng cử viên không nhận được nhiều sự ủng hộ từ các đảng viên cơ sở vẫn chiến thắng ở vòng hai, nơi lá phiếu của các nghị sỹ có trọng lượng lớn hơn và sự ủng hộ từ các phe phái trong LDP có ý nghĩa rất lớn.

Với những diễn biến như vậy, có thể nói, cuộc đua để có thể trở thành Thủ tướng Nhật Bản năm nay rất quyết liệt và không loại trừ khả năng xảy ra những bất ngờ./.

Theo Đào Thanh Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast