Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cần hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan

(Baohatinh.vn) - Tại hội nghị lấy ý kiến xây dựng pháp luật đối với dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Tĩnh tổ chức, các đại biểu cho rằng, luật cần quy định để hài hòa lợi ích giữa các bên.

Để chuẩn bị tham gia ý kiến dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 5/10, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến xây dựng pháp luật đối với dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cần hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì hội nghị.

Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành được Quốc hội khóa X thông qua tại Kỳ họp thứ 8, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2001; được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2010 và 2019.

Sau hơn 20 năm áp dụng vào thực tiễn, luật đã trở thành khung pháp lý vững chắc, minh bạch cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp; đáp ứng nhu cầu tham gia bảo hiểm ngày càng đa dạng của các tổ chức, cá nhân; đảm bảo sự hài hòa giữa quản lý giám sát thận trọng và tạo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy vậy, hiện nay, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự; một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn; chưa theo kịp thông lệ quốc tế. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung luật là hết sức cần thiết.

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này về cơ bản giữ nguyên bố cục của luật hiện hành, gồm 8 chương, 156 điều.

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cần hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan

Giám đốc Công ty Bảo Việt Hà Tĩnh Võ Tiến Dũng: Dự thảo luật cần quy định riêng một mục về ứng dụng CNTT trong hoạt động bảo hiểm.

Tại hội nghị, đa số các đại biểu đồng tình với việc cần thiết sửa đổi và bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bảo hiểm ở Việt Nam đã hình thành và phát triển.

Với quan điểm đây là hoạt động kinh doanh chứa đựng nhiều rủi ro, các đại biểu đề nghị trong luật sửa đổi cần có những quy định mang tính pháp lý để phòng ngừa gian lận trong tất cả các khâu, các nghiệp vụ, các hành vi trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cần hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan

Phó Giám đốc Công ty Bảo Việt Nhân thọ Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Đức cho rằng, cần có bộ hợp đồng chung cơ bản cho các doanh nghiệp triển khai để người dân dễ tiếp cận.

Theo đó, đại biểu cho rằng, cần có bộ hợp đồng chung cơ bản cho các doanh nghiệp triển khai để người dân dễ tiếp cận. Trong hợp đồng bảo hiểm, các doanh nghiệp có thể bổ sung nội dung riêng của từng loại nghiệp vụ, từng loại sản phẩm.

Luật cần thống nhất cơ quan quản lý về đào tạo bảo hiểm nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động này vì hoạt động bảo hiểm là đặc thù, khách hàng tiếp cận các loại hình bảo hiểm thông qua đại lý bảo hiểm, do đó, người đại lý cần phải nắm rõ về nguyên tắc hoạt động, cũng như tư vấn đúng, đủ cho khách hàng.

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cần hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan

Giám đốc kinh doanh cấp cao Văn phòng Manulife Hà Tĩnh Dương Thị Thanh Thảo: Cần có các hoạt động tạo điều kiện nhằm nâng cao tầm quan trọng của ngành bảo hiểm nhân thọ; tạo thuận lợi trong công tác tuyên truyền về việc nâng cao nhận thức khi tham gia bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng.

Cần có cơ chế rõ ràng để tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, giữa các kênh phân phối. Cần có các hoạt động tạo điều kiện nhằm nâng cao tầm quan trọng của ngành bảo hiểm nhân thọ; tạo thuận lợi trong công tác tuyên truyền về việc nâng cao nhận thức khi tham gia bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng.

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cần hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan

Ông Phạm Văn Tuyển - đại diện Bảo hiểm Agribank trên địa bàn Hà Tĩnh: Cần thiết phải có hợp đồng mẫu để tránh việc các doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm bóp méo các điều khoản của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Các đại biểu cho rằng, cần quy định doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng thiết kế sản phẩm bảo hiểm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường; yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tái bảo hiểm phải công khai, cập nhật định kỳ các thông tin công khai định kỳ, công khai thường xuyên, công khai bất thường theo quy định nhằm giúp khách hàng nắm bắt được tình hình hoạt động, năng lực, uy tín của doanh nghiệp để từ đó lựa chọn tham gia.

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cần hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Phan Thành Biển làm rõ một số nội dung liên quan trong quá trình thực hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Một số đại biểu đề xuất: Bổ sung trường hợp người thụ hưởng do người được bảo hiểm chỉ định bên cạnh trường hợp do bên mua bảo hiểm chỉ định; cân nhắc lại khoản 3, Điều 13 của dự thảo luật về nguyên tắc bồi thường; bỏ cụm từ “để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường” trong điểm a, khoản 2, Điều 19 của dự thảo; quy định rõ hệ quả pháp lý trong trường hợp quá hạn nộp hồ sơ; chỉ nên giới hạn quy định của khoản 1, Điều 37 của dự thảo áp dụng đối với nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ; áp dụng cơ chế hủy bỏ hợp đồng thay vì đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng...

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cần hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu.

Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến để gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết nhằm đưa thị trường bảo hiểm phát triển, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người tham gia..

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast