Tình hình Triều Tiên có thể cứu vãn?

Có vẻ như trò vờn nhau ở bán đảo Triều Tiên đang quay lại quy trình của nó: các bên răn đe nhau mạnh mẽ, thậm chí có những phát ngôn tưởng như chiến tranh đến nơi, rồi thì mỗi bên lại lùi một chút.

tinh hinh trieu tien co the cuu van

Trong tổ hợp khoa học công nghệ của Triều Tiên ở thủ đô Bình Nhưỡng trưng mô hình tên lửa Unha-3 để người dân có thể chiêm ngưỡng - Ảnh: Reuters

“Cho đến nay, vẫn chưa có tiền lệ một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân bị tấn công quân sự. Vì vậy, Triều Tiên đương nhiên nghĩ rằng với vũ khí hạt nhân mà họ sở hữu, các nước khác sẽ không dám sử dụng vũ lực với họ. - Đổng Hướng Vinh (nghiên cứu viên Viện nghiên cứu chiến lược châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc)

Sau khi nắn gân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bằng màn “pháo hoa chào khách” những 59 tên lửa Tomahawk bên Syria, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục cho Triều Tiên và Trung Quốc thấy rằng mình còn đồ chơi vũ khí khác không kém phần ấn tượng: cho thả “mẹ các loại bom” bên Afghanistan.

Lằn ranh đỏ: thử hạt nhân

Rồi lại có thông tin đoàn tàu chiến binh hùng tướng mạnh của Mỹ với tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Carl Vinson đã được lệnh quay mũi hướng đến bán đảo Triều Tiên.

Truyền thông cứ như lên cơn sốt về khả năng Tomahawk hay “siêu bom” được sử dụng lần nữa.

Các phát ngôn hăm dọa cứ được bắn qua bắn lại rồi tình hình lại hạ nhiệt một chút với “lằn ranh đỏ” lần này là “không chấp tên lửa nhưng thử hạt nhân thì khác” và kèm theo là những hoan nghênh về thái độ hợp tác của Trung Quốc.

Nhưng đến nay thì có vẻ những màn phủ đầu trước giờ đàm phán của ông Trump đã đưa trở lại con đường của các chính quyền tiền nhiệm của Mỹ: chỉ có Trung Quốc mới có thể gây áp lực đối với Bình Nhưỡng để kiềm chế quốc gia này trong chương trình hạt nhân.

Bằng chứng là hôm 18-4, một quan chức trong Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định với Hãng tin AFP: “con át chủ bài” của hải quân Mỹ được ngóng chờ cả tuần qua rốt cuộc chưa thực sự hướng đến bán đảo Triều Tiên.

Ở đâu đó, các nhà ngoại giao Mỹ tiếp tục quay lại chiêu thức cũ: tìm cách hạ nhiệt mà không mất mặt.

Ngày 18-4, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Nikki Haley khẳng định Mỹ không có ý định khiêu khích Triều Tiên, đáp lại lời cảnh báo của Bình Nhưỡng về một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

Phát biểu trước báo giới tại trụ sở LHQ ở New York, đại sứ Haley nêu rõ Washington không có ý định tìm kiếm một cuộc chiến tranh. Bà cảnh báo nếu tiếp tục các hành vi kích động, chính Bình Nhưỡng mới là bên gây chiến.

Phát biểu này rõ ràng nhằm phản ứng lại với bình luận của ông Kim In Ryong, phó đại sứ Triều Tiên tại LHQ, hôm 17-4. Ông này tuyên bố rằng: “Một cuộc chiến hạt nhân có thể nổ ra bất cứ lúc nào”.

Tuyên bố của bà Haley cũng tương tự với những tuyên bố trước đó của các quan chức ngoại giao và quân sự Mỹ rằng Washington không tìm cách gây xung đột với Bình Nhưỡng, mà đang tìm kiếm dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân.

Rồi trong ngày 19-4, trên đất của đồng minh Nhật, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence một mặt đe dọa Triều Tiên không nên thử thách quyết tâm của quân đội Mỹ, đồng thời cam kết sẽ đáp trả “mạnh mẽ và hiệu quả” đối với bất kỳ cuộc tấn công nào sử dụng vũ khí quy ước hoặc vũ khí hạt nhân; một mặt cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục “nỗ lực phối hợp” với các đồng minh như Nhật Bản, Trung Quốc và các cường quốc khác để gây sức ép kinh tế và ngoại giao lên Bình Nhưỡng.

Phát biểu trước 2.500 lính thủy trên tàu sân bay USS Ronald Reagan tại căn cứ hải quân Mỹ ở Yokosuka trong vịnh Tokyo, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, ông Pence “ủy lạo” binh sĩ bằng khẳng định Mỹ sẽ đánh bại mọi vụ tấn công, đồng thời đáp trả mạnh mẽ và hiệu quả đối với mọi vụ tấn công bằng vũ khí thông thường hay vũ khí hạt nhân từ Triều Tiên.

Xem chừng thái độ đồng minh

Trước đó, trong cuộc hội đàm với ông Pence, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng cần tăng sức ép để kéo Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán nghiêm túc.

Về phần mình, ông Pence cho biết Tổng thống Trump hi vọng Trung Quốc sẽ sử dụng các “đòn bẩy đặc biệt” của mình để buộc Triều Tiên từ bỏ các chương trình vũ khí, song cũng bày tỏ đã hết kiên nhẫn với Bình Nhưỡng.

Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) nhấn mạnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cần được hóa giải để hướng tới một giải pháp hòa bình.

Ông Lục Khảng cho biết Bắc Kinh muốn nối lại các cuộc đàm phán đa phương bị ngưng trệ từ năm 2009.

Đến đây dường như mọi chuyện đã rõ hơn một chút và cũng trở lại với quy trình một chút: dấm dứ nhau đỏ mặt tía tai rồi sau đó tìm cách nói chuyện.

Nhưng trong cuộc chơi lần này có một điểm nhấn quan trọng mà các chuyên gia cho rằng đang định hướng đường đi sắp tới: cuộc gặp của ông Trump và ông Tập tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida vừa rồi.

Ông Lý Minh Giang, phó giáo sư khoa quan hệ quốc tế của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), nhận định rằng Mỹ và Trung Quốc đã đạt được tiến triển trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Theo ông, hiện nay tính cấp bách để Mỹ áp dụng biện pháp quân sự nhằm tiêu diệt chính quyền Kim Jong Un tiến tới giải quyết mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng là không lớn.

Ông Lý Minh Giang cho biết trong cuộc gặp Trump - Tập, tuy không bày tỏ thái độ rõ ràng về vấn đề Triều Tiên nhưng ít nhất có hai điểm có thể khẳng định: thứ nhất, hai bên Trung - Mỹ đang tìm kiếm lợi ích chung.

Thứ hai, xét từ thái độ của ông Tập Cận Bình, phía Trung Quốc đã gia tăng mức độ phối hợp với Mỹ, vì vậy tiếp theo Trung Quốc sẽ gây sức ép lớn hơn cho Triều Tiên. Đây được xem như một thành quả quan trọng của cuộc gặp thượng đỉnh đó.

Tuy nhiên, cũng có phân tích chỉ ra rằng hậu quả của việc sử dụng vũ lực đối với Triều Tiên sẽ khiến Mỹ phải hết sức thận trọng khi đưa ra quyết định.

Ông Lý Quần Anh - chủ nhiệm khoa chính trị quốc tế Đại học Chính trị pháp luật Trung Quốc - cho biết: “Khác với Syria, nhiều thông tin xuyên suốt thời gian qua cho rằng Triều Tiên trên thực tế đã sở hữu vũ khí hạt nhân, vì vậy Mỹ phải tính đến hậu quả do việc Triều Tiên đáp trả gây ra”.

Ngoài ra, Mỹ còn phải đối mặt với sự phản đối của các nước xung quanh bán đảo Triều Tiên đối với việc sử dụng vũ lực với Bình Nhưỡng.

Còn theo ông Viên Chinh - chủ nhiệm phòng nghiên cứu ngoại giao của Trung tâm nghiên cứu Mỹ (Viện Khoa học xã hội Trung Quốc), việc Mỹ điều nhóm tàu sân bay chiến đấu tới gần bán đảo Triều Tiên lần này mang ý nghĩa đọ sức tâm lý lớn hơn khả năng tấn công quân sự.

Liên quan đến vụ phóng thử tên lửa vừa qua, truyền thông Mỹ dẫn lời các quan chức cho biết tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng là loại tên lửa một tầng mới được gọi là KN-17.

Theo Hãng tin ABC News, KN-17 là tên lửa được đặt trên bệ phóng di động, có thể là tầm ngắn hoặc tầm trung, sử dụng nhiên liệu lỏng.

Các quan chức này cho rằng vụ phóng thử tên lửa KN-17 đầu tiên được thực hiện hôm 5-4, nhưng dường như đã thất bại.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast