Cho vay ngang hàng - cảnh báo tín dụng đen “núp bóng”!

(Baohatinh.vn) - “Vay trực tuyến chỉ cần CMND”, “Vay siêu tốc”, “Tiền trả trong 15 phút”… là nhữg câu mời chào quen thuộc trên các app cho vay tiền trực tuyến. Đây là kiểu vay tiền khá phổ biến đang diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có Hà Tĩnh.

Cho vay ngang hàng - cảnh báo tín dụng đen “núp bóng”!

Với kết nối không gian mạng, khách hàng có thể tiếp cận vay tiền trực tuyến nhanh chưa từng có.

Chỉ cần gõ cụm từ “vay tiền nhanh” trên máy tính, google cho ra hơn 63.000 kết quả. Ở đó, có vô vàn sự lựa chọn mà người tìm đến chỉ cần thực hiện các thao tác theo hướng dẫn của trang để vay tiền mà không cần phải qua bất cứ một cuộc tiếp xúc trực tiếp nào hay thủ tục phức tạp khác. Và, chỉ trong vòng 5 - 15 phút, số tiền vay sẽ được chuyển về tài khoản cá nhân.

Bà Bùi Thị Huệ - Trưởng phòng Kiểm soát nội bộ, tổng hợp (Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh) cho biết: “Cho vay tiêu dùng qua app, cho vay trực tuyến là hình thức cho vay ngang hàng (gọi tắt là P2P Lending), kết nối nhà đầu tư với cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có văn bản pháp lý cụ thể quản lý loại hình kinh doanh dịch vụ này. Do vậy, một số công ty kinh doanh “biến tướng” gây thiệt hại cho cả người đi vay và người đầu tư”.

Cho vay ngang hàng - cảnh báo tín dụng đen “núp bóng”!

Những “kẽ hở” của pháp luật đang khiến cho loại hình tội phạm lừa đảo qua mạng gia tăng (ảnh: Internet)

Hệ lụy của của mô hình P2P Lending trá hình chính là người vay phải chịu lãi cao, không nhận đủ tiền vay mà bị “cắt” phần lãi suất, các thủ đoạn đòi nợ bạo lực… Còn đối với nhà đầu tư thì mất vốn do người vay tiền không trả được nợ qua các công ty P2P hoặc bị chiếm dụng vốn từ các công ty P2P; bị đánh cắp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân… Mô hình P2P Lending còn dễ dàng trở thành công cụ cho một số đối tượng lợi dụng trốn thuế, rửa tiền…

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh, mặc dù đến thời điểm này chưa nhận được thông tin phản ánh nào của khách hàng liên quan đến việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng internet; tuy nhiên, P2P Lending hoạt động với hình thức tinh vi, trong khi nhận thức của người dân còn hạn chế nên việc bị lợi dụng, không bảo vệ được quyền lợi của mình là hoàn toàn có thể xảy ra.

Cho vay ngang hàng - cảnh báo tín dụng đen “núp bóng”!

Chỉ vì những lời mời chào hấp dẫn, nhiều người không hay biết mình đang vay tiền lãi cao qua app.

Lời mời hấp dẫn phổ biến mà các app vay tiền đưa ra là cho vay lãi suất 0,01%, thậm chí là 0%, khách hàng cứ thế… tưởng bở. Thế nhưng, khi thực sự bước vào thì mọi thứ chẳng còn như mơ và số tiền thực trả không khỏi khiến khách hàng choáng váng!

Chẳng hạn, một app vay tiền trực tuyến sẵn sàng công khai lãi suất khoản vay 1.000.000 đồng thì lãi suất phải trả sau 1 tháng chỉ 15.000 đồng (1,5%/tháng). Thế nhưng, tổng số tiền phải trả được niêm yết là 1.465.000 đồng do phát sinh phí khác (450.000 đồng). Nếu tính cộng tất cả chi phí khoản vay thì số lãi suất khách hàng phải trả là… 46,5%/tháng (khoảng 558%/năm).

Chị Nguyễn Thị L. - TP Hà Tĩnh cho hay: “Lúc vay chỉ nghĩ là cần tiền trong khoảng thời gian ngắn, không vướng víu đến các thủ tục ràng buộc như tại ngân hàng, hơn nữa, tôi cứ nghĩ số tiền tư vấn, bảo hiểm... là điều khoản bắt buộc chứ không cộng vào khoản vay nên không biết chính mình bị đánh lừa”.

Cho vay ngang hàng - cảnh báo tín dụng đen “núp bóng”!

Công an xã Cẩm Duệ tuyên truyền để người dân tham gia Zalo kết nối an ninh.

Điều đáng nói, mạng lưới phủ sóng của dịch vụ tài chính này khá rộng và gần như không ranh giới. Từ facebook, zalo, sms… và tiếp cận đủ các loại đối tượng khách hàng.

Mới đây nhất, ngày 16/9/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành chỉ đạo mới liên quan đến hoạt động cho vay ngang hàng. Trong đó, đưa ra những cảnh báo về những diễn biến phức tạp của tín dụng đen, cho vay nặng lãi đang xâm chiếm trên thị trường tài chính này.

Siết chặt quản lý cho vay ngang hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tuân thủ pháp luật về hoạt động ngân hàng; rà soát và phải chấm dứt ngay hợp động, hợp tác với các công ty cho vay ngang hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật…

Cho vay ngang hàng - cảnh báo tín dụng đen “núp bóng”!

Các ngân hàng sẽ phải tăng cường quản lý, kiểm soát các hình thức thanh toán, nhất là ngân hàng trực tuyến (Trong ảnh: Phát triển khách hàng ngân hàng điện tử tại Vietcombank Hà Tĩnh)

Cũng thời điểm này, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Chỉ thị 11/CT- UBND ngày 16/9 về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương vào cuộc phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có hành vi cho vay trái phép trực tuyến; yêu cầu cả hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và tố giác hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Riêng P2P Lending, đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh nghiên cứu, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền về cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng, các hình thức thanh toán mới chưa có quy định của pháp luật.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Chủ đề Bạn đọc viết

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast