Qua cầu Tùng Cốc nhớ người anh hùng…

(Baohatinh.vn) - Những ngày tháng 7 lịch sử, cầu Tùng Cốc (thị trấn Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) là địa chỉ đỏ trong niềm tưởng nhớ của Nhân dân. Ở đây, câu chuyện về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Triều Chung vẫn nguyên vẹn trong hồn cây, mạch nước...

Chuyện lịch sử bên cây cầu Tùng Cốc

“Vắt” qua con suối nhỏ giữa miền đất lửa Đồng Lộc, cầu Tùng Cốc đã đi vào những câu thơ hào hùng của nhà thơ Phạm Tiến Duật: “Tùng Cốc, Tùng Cốc, Tùng Cốc, Tùng Cốc/ Qua cây cầu này rồi ta lên dốc/ Phía trước mặt là Ngã ba Đồng Lộc/ Đêm bom rơi pháo sáng đầy trời/ Mà vẫn không ngăn đoàn xe ta cứ ra vào”.

Địa danh “Tùng Cốc” trong những câu thơ ấy chính là cầu Tùng Cốc (hay còn gọi là cầu Tùng Cóc) nằm trên quốc lộ 15A. Cầu tuy chỉ dài 14m nhưng đã là huyết mạch giao thông quan trọng. Không ai biết, cầu đã cõng bao nhiêu xe chở lực lượng bộ đội, vũ khí, lương thực ra tiền tuyến, phục vụ cho chiến tranh chống Mỹ.

Qua cầu Tùng Cốc nhớ người anh hùng…

Cầu Tùng Cốc ngày nay.

Thời điểm năm 1968, cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt. Khi mảnh đất Đồng Lộc trở thành “chảo lửa túi bom” thì cầu Tùng Cốc cũng trở thành điểm đánh phá ác liệt. Để cắt đứt giao thông giữa 2 miền Nam - Bắc, giặc Mỹ liên tục huy động đủ các loại máy bay và xả xuống cống ngầm cầu Tùng Cốc hàng trăm quả bom.

Đại đội 557 - N55 - P18 làm nhiệm vụ san lấp hố bom, cứu xe hàng, rà phá bom từ trường và các loại bom chưa nổ ở các đoạn đường từ Ngã ba Đồng Lộc đến cầu Bạng. Đoạn đường này dài khoảng 5km nhưng có nhiều cây cầu như cầu Tối, cầu Đôi, cầu Tùng Cốc, cầu Máng, cống Khiêm Ích…

Qua cầu Tùng Cốc nhớ người anh hùng…

Đồng chí Võ Triều Chung (ngoài cùng bên phải hàng thứ nhất) cùng đồng đội vào năm 1968.

Người Đại đội trưởng, Bí thư chi bộ Đại đội 557 - N55 - P18 lúc ấy là đồng chí Võ Triều Chung (SN 1935 tại thôn Trường Tiến, xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc). Sinh ra trong hoàn cảnh khổ cực, ông sớm giác ngộ cách mạng, luôn có chí khí chiến đấu. Khi trưởng thành, ông tích cực tham gia vào hoạt động đoàn đội và được kết nạp vào Đoàn.

Đến năm 1963, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng. Năm 1965, ông tham gia TNXP và trải qua chiến trường Quảng Trị rồi trở về Hà Tĩnh vào năm 1967, phục vụ chiến đấu tại trạm bơm Linh Cảm. Năm 1968, ông được giao nhiệm vụ làm Đại đội trưởng và là Bí thư chi bộ Đại đội 557 - N55 - P18, có nhiệm vụ bảo đảm tuyến đường huyết mạch từ Ngã ba Đồng Lộc đến cầu Bạng. Ngày 24/8/1968, trong một lần làm nhiệm vụ rà phá bom tại cầu Tùng Cốc, đồng chí Võ Triều Chung đã anh dũng hy sinh.

Qua cầu Tùng Cốc nhớ người anh hùng…

Ngầm nước nơi đồng chí Võ Triều Chung hy sinh.

Nỗi nhớ người ở lại

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những ký ức về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Triều Chung vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức người thân, đồng đội.

Một ngày đầu tháng 7 lịch sử, tìm về ngôi nhà của của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Triều Chung tại thôn Trường Tiến, xã Thuần Thiện, chúng tôi gặp được người con trai cả của liệt sĩ là ông Võ Văn Chung (SN 1959). Thắp nén hương thơm lên bàn thờ cha, ông Chung ngậm ngùi kể lại những đoạn ký ức ngắn ngủi về người cha anh hùng.

Qua cầu Tùng Cốc nhớ người anh hùng…

Ông Võ Văn Chung - con trai cả của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Triều Chung.

Nhắc về cha, ông Chung nghẹn ngào nhìn lên bàn thờ rồi tâm sự: “Cha hy sinh khi tôi vừa lên 9 tuổi nên những câu chuyện về cha đều do mẹ kể lại. Năm ngoái, mẹ tôi cũng đã rời xa trần thế nên tôi trở thành người giữ ký ức ấy.

Tôi chỉ nhớ rằng, cha thường về thăm nhà vào buổi tối nhưng lúc ấy chẳng có đèn như bây giờ nên tôi không thấy rõ mặt cha. Sáng ngủ dậy thì cha đã rời đi. Quãng thời gian đó cũng không diễn ra lâu bởi một thời gian sau cha đã hy sinh. Tôi vẫn may mắn hơn khi được gặp cha, thương nhất đứa em út vì khi cha hy sinh, em còn nằm trong bụng mẹ. Một mình mẹ thờ chồng, nuôi 3 anh em tôi khôn lớn”.

Qua cầu Tùng Cốc nhớ người anh hùng…

Ông Võ Văn Chung cùng ông Nguyễn Viết Biện ôn lại những kỷ niệm về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Triều Chung.

Vẫn vẹn nguyên ký ức về người bạn thuở thiếu thời, ông Nguyễn Viết Biện (SN 1943, thôn Trường Tiến, xã Thuần Thiện) đã viết nhiều vần thơ tâm huyết để nhớ tới sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Võ Triều Chung.

Ông Biện hồi tưởng: “Anh Chung người đen gầy nhưng tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, chăm chỉ và rất ham học. Hồi ấy, vì được học hành, có chút chữ nghĩa nên tôi dạy bổ túc cho anh Chung. Trong các hoạt động đoàn, anh là người rất năng nổ, ai có việc gì anh đều giúp tận tình. Cũng vì thế, anh đã được kết nạp vào Đảng. Khi nhận quyết định vào Đảng, anh đã chạy đến để khoe với mẹ tôi, bởi bà cũng là một đảng viên”.

Qua cầu Tùng Cốc nhớ người anh hùng…

Mỗi khi nhắc về đồng đội, về Đại đội trưởng Võ Triều Chung, bà Hòe không khỏi xúc động.

Đồng cam cộng khổ trên chiến trường cùng liệt sĩ Võ Triều Chung, bà Nguyễn Thị Hòe (SN 1948, trú tại tổ dân phố Thuận Hồng, phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh) - Tiểu đội trưởng Tiểu đội 5, Đại đội 557 - N55 - P18 rưng rưng nhớ về những ký ức với người anh, người đồng đội thân thiết.

Bà Hòe nhớ lại: “Đó là ngày 20/8/1968, chúng tôi nhận được lệnh cấp trên thông báo có đoàn xe quân sự đặc biệt đi qua Ngã ba Đồng Lộc nên đơn vị phải khẩn trương làm tốt việc thông xe cầu Tùng Cốc bằng mọi giá. Đến rạng sáng ngày 24/8/1968, máy bay Mỹ điên cuồng ném bom xuống cầu Tùng Cốc khiến cho việc thông đường càng trở nên nguy hiểm, khó khăn.

Để giải quyết vấn đề trên, đồng chí Võ Triều Chung đã tổ chức cuộc họp chi bộ Đảng bất thường. Tại cuộc họp, trái tim của nhiều đảng viên đều hừng hực cháy, ai nấy cũng tha thiết được đi rà phá bom dù biết sẽ phải đánh đổi tính mạng. Lúc này, anh Chung đứng lên và nói: “Các đồng chí ạ, tôi đã có 3 con, tôi đi rà phá bom, nếu có mệnh hệ gì, tôi đã có đứa “chống gậy”, còn các đồng chí: Bổn, Tuấn, Bảo chưa có vợ thì thiệt thòi lắm. Do vậy, việc này các đồng chí cứ để tôi đi”.

Cùng đi với đồng chí Võ Triều Chung còn có đồng chí Phan Văn Bổn. Đó là lần cuối mà bà Hòe được nhìn thấy những người đồng đội của mình bởi sau 30 phút quả bom phát nổ, hai người làm nhiệm đã hy sinh anh dũng, thân thể Đại đội trưởng Võ Triều Chung đã hòa vào cát bụi quê hương.

Qua cầu Tùng Cốc nhớ người anh hùng…

Năm 2015, Đảng và Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Võ Triều Chung.

Ghi nhớ công ơn của liệt sĩ Võ Triều Chung, năm 2015, Đảng và Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông trong niềm xúc động, tự hào của người thân, đồng đội và dân làng.

Ngày nay, cây cầu Tùng Cốc đã được xây mới nhưng vẫn giữ nét giản dị. Đôi bờ cây cầu đã san sát nhà cửa, nhịp sống mới đã hiện hữu. Để ghi nhớ sự hy sinh của Anh hùng Võ Triều Chung, năm 2021, UBND tỉnh đã đặt tên đường “Võ Triều Chung” tại thị trấn Đồng Lộc.

Qua cầu Tùng Cốc nhớ người anh hùng…

Con đường mang tên Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Triều Chung tại thị trấn Đồng Lộc.

Chiến tranh đã lùi xa và những người ở lại như bà Hòe, ông Biện hay lớp hậu thế như chúng tôi sẽ mãi nhớ về sự hy sinh anh dũng của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Triều Chung. Và mỗi tháng 7 về, muôn triệu trái tim lại hướng về Đồng Lộc để tưởng nhớ và tri ân những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chủ đề 55 năm chiến thắng Đồng Lộc

Đọc thêm

Vị Tể tướng nào quê Hà Tĩnh từng phụng sự 3 triều vua Lê?

Vị Tể tướng nào quê Hà Tĩnh từng phụng sự 3 triều vua Lê?

Ông quê ở xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, lập được nhiều công trạng. Ông phụng sự trong 3 triều vua Lê (Lê Thế Tông, Lê Kính Tông và Lê Thần Tông) và 2 đời chúa là Trịnh Tùng, Trịnh Tráng.
Người "dẫn đường" của phụ nữ xã Trường Sơn

Người "dẫn đường" của phụ nữ xã Trường Sơn

Với 28 năm bền bỉ gắn bó với công tác hội, chị Trần Thị Khuyên - Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn (Đức Thọ, Hà Tĩnh) luôn là người "dẫn đường" cho phong trào của chị em ở địa phương ngày càng phát triển.
Phục dựng đền Nhà Ông ở Hương Sơn

Phục dựng đền Nhà Ông ở Hương Sơn

Lễ khởi công phục dựng đền Nhà Ông ở xã Sơn Bằng (Hương Sơn – Hà Tĩnh) nhằm tri ân bậc tiền nhân có công lao với quê hương và người dân trong vùng.
Gìn giữ nếp nhà

Gìn giữ nếp nhà

“Nước có quốc pháp, nhà có gia phong” - câu thành ngữ về nếp nhà ấy đang được mỗi gia đình người Việt nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng giữ gìn, phát huy, kiến tạo tổ ấm hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước thịnh vượng.
Người quản đốc yêu nghề, mê sáng tạo

Người quản đốc yêu nghề, mê sáng tạo

Anh Hoàng Xuân Quý - Quản đốc Phân xưởng cơ điện của Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải (Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Hà Tĩnh) đã có nhiều ý tưởng sáng tạo góp phần làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Lan tỏa những điển hình học và làm theo Bác

Lan tỏa những điển hình học và làm theo Bác

Tại Hà Tĩnh, ngày càng nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã xuất hiện và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng bằng những việc làm thiết thực nhất.
Phố trong lòng sông...

Phố trong lòng sông...

Tôi vẫn thường nghĩ về sự ưu ái của thiên nhiên khi trong những biến đổi địa chất đã để lại cho thành phố Hà Tĩnh địa hình ba mặt sông bao quanh...
Nhớ tết Đoan ngọ xưa…

Nhớ tết Đoan ngọ xưa…

Dù không phải là lễ trọng như tết Nguyên đán nhưng từ lâu, tết Đoan ngọ (mồng 5/5 âm lịch) vẫn là nét văn hóa truyền thống được nhiều người dân Hà Tĩnh gìn giữ, phát huy.