Quản lý người mắc bệnh tâm thần ở Hà Tĩnh: Cần sự chung tay của toàn xã hội

(Baohatinh.vn) - Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra nhiều vụ án đau lòng do người mắc bệnh tâm thần gây ra khiến dư luận hoang mang. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu tăng cường biện pháp chăm sóc, quản lý, giám sát chặt chẽ người mắc bệnh tâm thần trong cộng đồng.

Đau lòng án mạng do người tâm thần gây ra

Mới đây nhất, ngày 12/5, cơ quan chức năng đã tiến hành bắt đối tượng N.N.N (SN 1968, ở thôn Lâm Bình, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn), được xác định là hung thủ dùng dao sát hại anh N.Đ.S. (SN 1985, trú xã Thanh Long, huyện Thanh Chương, Nghệ An) khi đang ở nhà mẹ ruột tại thôn Lâm Trung, xã Sơn Lâm.

Bước đầu xác định, đối tượng N. bị mắc bệnh tâm thần, không biết chữ.

Quản lý người mắc bệnh tâm thần ở Hà Tĩnh: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Hiện trường vụ án mạng ở thôn Lâm Trung, xã Sơn Lâm (Hương Sơn). Ảnh: Hữu Trung.

Cũng trên địa bàn Hương Sơn, dư luận vẫn còn chưa hết bàng hoàng về vụ án xảy ra ở xã Sơn Long vào ngày 26/3/2022 vừa qua. Thời điểm đó, người dân ở thôn 4, xã Sơn Long phát hiện bà L.T.H. (SN 1958) tử vong tại nhà riêng với nhiều vết chém trên cơ thể. Hung thủ gây án được cơ quan chức năng xác định chính là P.T.H (SN 1979), con gái ruột của nạn nhân. H. mắc bệnh tâm thần, lấy chồng về xã Sơn Trà và đã có 4 người con. Tuy nhiên, thời gian gần đây H. về sống với mẹ đẻ và gây ra vụ án mạng đau lòng.

Trước đó, ngày 04/2/2022, tại địa bàn xã Hương Giang (Hương Khê) xảy ra vụ trọng án, thủ phạm là L.T.H. Do trầm cảm sau sinh, H. bóp cổ con, sau đó dùng dao cứa vào cổ con trai mới 2 tháng tuổi. Trước đó, H. cũng đã nhiều lần bóp cổ con và định vứt con xuống giếng nhưng bị người nhà phát hiện và ngăn cản.

Quản lý người mắc bệnh tâm thần ở Hà Tĩnh: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Đối tượng H.T.Q (SN 1993, trú tại xã Sơn Ninh, Hương Sơn) khai nhận hành vi phạm tội trước cơ quan điều tra. Ảnh: Huyền Hùng

Ngày 25/10/2021, H.T.Q (SN 1993, trú tại xã Sơn Ninh, Hương Sơn) dùng dao mẹo chém nhiều phát vào vùng đầu, vai, tay cháu H.T.Đ (SN 2013) làm cháu Đ tử vong tại chỗ. Q. sau đó được xác định là người có biểu hiện tâm thần rối loạn, đã từng có thời gian chữa trị về các chứng bệnh tâm thần tại bệnh viện.

Theo thống kê sơ bộ của Công an Hà Tĩnh, từ cuối năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ án giết người với tính chất dã man, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do người mắc bệnh tâm thần gây ra.

Cộng đồng chung tay giúp đỡ người bị tâm thần

Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 2.700 người tâm thần phân liệt và động kinh được điều trị ngoại trú tại cộng đồng; hơn 100 bệnh nhân tâm thần điều trị nội trú.

Ngoài ra, còn số lượng rất lớn đối tượng tâm thần mãn tính không thuộc diện điều trị ngoại trú (rối loạn tâm thần do sử dụng rượu, ma túy; trầm cảm; rối loạn tâm thần sau chấn thương sọ não…).

Quản lý người mắc bệnh tâm thần ở Hà Tĩnh: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 2.700 người tâm thần phân liệt và động kinh được điều trị ngoại trú tại cộng đồng

Để làm tốt công tác giám sát, chăm sóc bệnh nhân, thời gian qua Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh đã thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách ở cơ sở; triển khai các đợt khám sàng lọc tại cộng đồng; khám sức khỏe tâm thần định kỳ tại các trung tâm bảo trợ, giáo dục lao động xã hội… Tháng 4/2022, Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh đã thành lập đội phản ứng nhanh nhằm kịp thời khống chế, đưa bệnh nhân kích động vào điều trị.

Bên cạnh đó, với các bệnh nhân bị rối loạn tâm thần đang điều trị ngoại trú, nhân viên y tế cơ sở thường xuyên cấp thuốc điều trị, theo dõi diễn biến bệnh sát sao.

Quản lý người mắc bệnh tâm thần ở Hà Tĩnh: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Đoàn công tác Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh giám sát, kiểm tra hồ sơ bệnh án ngoại trú tại Trạm Y tế xã Phúc Trạch và xã Lộc Yên (Hương Khê).

Nỗ lực là vậy nhưng hiện nay tình trạng bệnh nhân bị rối loạn tâm thần quậy phá, đi lang thang, gây rối trật tự công cộng vẫn còn xảy ra và đang có dấu hiệu gia tăng.

Ông Trần Văn Hợi - quyền Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sơn Long (Hương Sơn) cho biết: "Hiện nay, trạm đang quản lý 18 người bị động kinh và tâm thần trên địa bàn. Tuy nhiên, việc quản lý dựa trên cơ sở theo dõi tình hình sức khỏe bệnh nhân khi đến trạm và trạm tiến hành cấp phát thuốc, hướng dẫn người nhà cho bệnh nhân uống thuốc đầy đủ. Việc giám sát người bệnh phụ thuộc lớn vào người thân, hàng xóm và các đoàn thể nơi bệnh nhân cư trú.

Ngoài ra, việc để người bệnh chấp thuận điều trị, uống thuốc đúng thời gian, liều lượng lại là một vấn đề khó; hơn nữa, khi gia đình, người thân thiếu sát sao, chu đáo với người bệnh thì việc chữa trị hết sức khó khăn. Bệnh nhân không được điều trị đúng phác đồ thì bệnh sẽ trở nặng, gây ra những hành vi đáng tiếc".

Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Đồng (huyện Kỳ Anh) Nguyễn Anh Hoan cho rằng: “Thực tế tại địa phương cho thấy phần lớn bệnh nhân tâm thần rơi vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, họ không đủ điều kiện về kinh tế, nhân lực để đưa người thân đi khám, điều trị chuyên khoa. Vì vậy, người bệnh không được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời”.

Quản lý người mắc bệnh tâm thần ở Hà Tĩnh: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh tổ chức khám sàng lọc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Hà Tĩnh (Sở LĐ-TB&XH)

Để góp phần giảm thiểu tình trạng bệnh nhân rối loạn tâm thần nhưng chưa được điều trị, theo bác sỹ Nguyễn Đình Thiện - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh, điều quan trọng là sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng như các cấp ngành. Theo đó, chính quyền địa phương cần phối hợp với gia đình theo dõi, xác định tình trạng rối loạn tâm thần của bệnh nhân, trong trường hợp cần thiết có biện pháp cưỡng chế để đưa đi điều trị bắt buộc.

Trong trường hợp bệnh nhân không thể điều trị ngoại trú tại cộng đồng thì chính quyền địa phương cần phối hợp với ngành LĐ-TB&XH tìm phương án đưa bệnh nhân vào quản lý tại các trung tâm bảo trợ, lao động xã hội...

“Với vai trò, chức năng của mình, Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh đang tăng cường tiếp nhận bệnh nhân, chẩn đoán, điều trị nội trú; lập hồ sơ điều trị ngoại trú đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt; hướng dẫn trung tâm y tế các huyện, trạm y tế các xã quản lý, cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân” - bác sỹ Nguyễn Đình Thiện cho biết.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.