Quê nhà tôi ơi...!

(Baohatinh.vn) - Tôi thường xốn xang mỗi khi nhắc đến quê nhà. Mẹ đang lúi húi thổi cơm, bên nhà hàng xóm, khói bếp cũng vừa lan tỏa trên mái rạ.

Tôi còn nhớ, trong mảnh vườn xưa do tiên tổ để lại, cha mẹ có trồng mấy loại rau xanh, trong đó có bù rợ (phía Bắc gọi là bí đỏ), bù gáo (loại này các vùng miền gọi bằng nhiều tên nhưng phổ thông nhất là hồ lô).

Quê nhà tôi ơi...!

Bù rợ (phía Bắc gọi là bí đỏ). Ảnh internet.

Bù rợ trong làng giờ chẳng ai trồng. Quê đã lên thị trấn, vườn xưa các gia đình phần thì chia con cháu, phần thì chia lô bán nền. Bù rợ ngoài chợ không thiếu, do nông dân các xã cận kề đưa nông sản về chợ thị trấn bán. Bù gáo thì thật là hiếm.

Hình như cách gọi bù gáo cũng rất đặc biệt, rặt phong vị Xứ Nghệ, nhất là Hà Tĩnh. Vào “google” gõ cụm từ “bù gáo” là không có. Bù gáo ngoài vỏ màu xanh hoặc lẫn trắng. Điều khác biệt là quả bù gáo có hai phần. Phần trên, bắt đầu từ cuống đến đoạn thắt eo giữa quả nhỏ hơn, phần từ thắt eo đến rốn quả phình to ra.

Vì sao gọi là bù gáo? Khi tôi lớn lên đã thấy quả bù khô được các gia đình dùng làm gáo múc nước. Cạnh mép sân đất ngày xưa nhà nào cũng có một bể nước, gọi là bể cạn đựng nước ăn, gánh về từ giếng làng. Bên cạnh có một cái cọc, thường làm bằng cành của cây tre, trên đó có úp chiếc gáo. Thời khó khăn, chỉ có gáo bằng quả bù, hoặc bằng dừa.

Quê nhà tôi ơi...!

Quả bù gáo có hai phần. Phần trên, bắt đầu từ cuống đến đoạn thắt eo giữa quả nhỏ hơn, phần từ thắt eo đến rốn quả phình to ra. Ảnh internet.

Thường qua mùa bù, giàn bù nhà ai cũng có vài quả để già làm giống, sau khi lấy hạt thì quả bù khô được phơi nắng, phơi sương, treo lên gác bếp cho thật khô, thật nỏ, làm thêm cái cán bằng tre là được cái gáo xinh xinh. Với loại bù gáo phần trên quả dài thẳng tuột thì khỏi cần xỏ thêm cán tre. Chắc vì có công dụng làm gáo mà thành tên.

Quả bù gáo, tất nhiên chỉ ăn xanh, khác bù rợ, ăn xanh hoặc quả chín làm thực phẩm dự trữ. Quả non được luộc lên chấm mắm cáy (tên khác là ruốc cáy). Ruốc cáy, ruốc rạm, ruốc rươi, đó là những đặc sản Xứ Nghệ. Mùa hè, đi làm đồng về, mâm cơm có đĩa bù gáo luộc chấm với mắm cáy, thêm bát canh bù gáo nấu với tép đồng thì tuyệt vời. Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon” (ca dao).

Bầu/bù trong câu ca dao ngàn đời nay, chính là bù gáo. Câu ca dao nói lên nghĩa thủy chung vợ chồng, đã yêu nhau thì dù cảnh nghèo, bữa ăn chỉ có râu tôm nấu với ruột bầu là hai thứ đáng ra vứt đi thì vẫn ngon. Thực tế, quả bù gáo non luộc lên ăn từ ngoài vào trong, không bỏ đi tí tẹo nào. Khác cơ bản với bí xanh, phần ruột và hạt phải bỏ đi.

Quê nhà tôi ơi...!

Mùa hè, đi làm đồng về, mâm cơm có đĩa bù gáo luộc chấm với mắm cáy, thêm bát canh bù gáo nấu với tép đồng thì tuyệt vời. Ảnh internet.

Không giống như quả bù rợ, nhà nông trồng có thể cho leo hoặc cây tự bò giữa đất vườn, đất đồi vẫn ra quả, bù gáo là loại phải làm giàn. Đều là cây dây leo, nhưng bù gáo có “tính nữ” đòi hỏi phải chăm sóc, chiều chuộng. Tôi còn nhớ, cha tôi làm giàn ngay trên lối đi, tức là ngõ vào nhà. Ra tết, cha tra hạt, sau tết, ngày nông nhàn, cha đẵn tre làm cột trụ hai bên hành lang ngõ; phía trên chẻ tre, cho các ngọn tre phủ lên làm giàn.

Cứ thế bù gáo mọc mầm, lớn dậy và leo lên. Đến đầu hè thì bù đã mọc nhanh cả giàn. Giàn bù còn có tác dụng tránh nắng. Bù rợ, bù gáo đều có hoa màu vàng. Khi kết trái, quả thõng xuống giàn. Nhiều năm, bù gáo được mùa, quả chi chít. Mỗi vụ, cha tôi lại để giống vài quả, chọn những quả đẹp để già lấy hạt cho mùa sau...

Quê nhà tôi ơi...!

Tháng tư vừa rồi, nhân chuyến công tác Tây Nguyên, tôi có vào thăm tư gia nhà thơ gốc Hà Tĩnh Đặng Bá Tiến. Bước vào sân nhà, tôi thấy những miếng bù gáo được phu nhân nhà thơ thái ra phơi trên nong nhỏ (Xứ Nghệ gọi loại nông cụ này là mẹt). Thấy tôi ngơ ngác nhìn, nhà thơ Đặng Bá Tiến bảo: “Vợ tôi vẫn mua về phơi khô lên, xào tép đấy”.

Ôi văn hóa ẩm thực rặt Nghệ, rặt quê. Ngoài nấu canh, luộc, xào tép, người nông dân Xứ Nghệ còn thái bù gáo ra phơi phô, treo bên cạnh gác bếp làm thức ăn cho bữa cơm mùa đông. Ấy là những năm bù gáo được mùa. Ấy là thời tự cung, tự cấp, trồng để dùng trong gia đình, cho hàng xóm, ít ai nghĩ đến trồng mang ra chợ bán.

Bù gáo phơi khô, đến mùa đông được mẹ tôi mang ra, mỗi hôm dùng một ít. Mẹ bốc một nắm cho vào nước ngâm. Phần để rửa rạch bồ hóng, phần để cho miếng bù khô quắt kia nở ra. Mùa tháng mười như quê tôi, ven sông nước lợ, có đầm khi mưa xuống cơ man nào tôm rảo. Cũng không hẳn là tôm đất, không hẳn là tôm bạc, giống tôm rảo thân vừa tròn, vừa bẹt. Bù gáo sau khi nở ra, mẹ rửa sạch, xào với tép tươi, tôm rảo thì ôi chao thần tiên.

Bây giờ thi thoảng tôi bắt gặp bù gáo trên đường phố Hà Nội. Hóa ra quả bù gáo khô được chế tác thành đồ mỹ nghệ. Không biết họ mang từ đâu đến. Có loại quả to, quả bé. Quả bé kết thành chùm, có thắt nơ xanh đỏ ở phần eo. Lạ mắt, mua về treo trong nhà, trang trí ở các phòng khách, lối cầu thang lên xuống. Đó chính là quả hồ lô khô mà người Hà Tĩnh gọi là bù gáo. Nghe đâu, hồ lô có đến 12 tác dụng về phong thủy cơ đấy. Thảo nào xa xưa cha tôi hay trồng trước ngõ.

Tôi thường xốn xang mỗi khi nhắc đến quê nhà. Nhắc đến quả bù gáo, trước mắt tôi là cảnh gia đình. Mẹ đang lúi húi thổi cơm, bên nhà hàng xóm, khói bếp cũng vừa lan tỏa trên mái rạ. Cái bụng tôi, nghe mùi thơm của cơm gạo mới, mùi bù gáo mẹ xào bốc lên, đã bắt đầu “biểu tình”.

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh có hai câu thơ về làng: “Ngày xưa tôi sống trong làng/ Bây giờ làng sống trong tôi”. Nhiều khi chỉ là bắt gặp người bán rong quả bù gáo khô trên đường phố mà quê nhà sống dậy, xốn xang.

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.