Công chức Trung Quốc thắt lưng buộc bụng cận Tết

Với Timothy Tian và hàng triệu công chức Trung Quốc khác, Tết Nguyên đán sắp tới có thể là dịp lễ "thắt lưng buộc bụng" chưa từng có.

Ngay cả khi Trung Quốc nới hạn chế đi lại ngăn Covid-19, Timothy Tian, người làm việc tại chính quyền một thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang, vẫn không thể đủ tiền đi du lịch dịp Tết, sau khi thu nhập hàng tháng của anh bị giảm 2.000 tệ (315 USD), xuống còn mức 5.000 tệ (786 USD).

“Tổng tiền lương bị giảm khoảng 25% và tôi không trông mong nhiều về khoản thưởng tết trong tình hình này”, Tian nói và nhắc tới lời kêu gọi từ chính phủ rằng công chức “cần thắt lưng buộc bụng hơn nữa”.

Giống phần lớn công chức Trung Quốc, thu nhập hàng tháng của Tian bao gồm các khoản phụ cấp và thưởng hiệu suất, song giờ các khoản này đều bị cắt giảm. Nhiều người phàn nàn trên mạng xã hội rằng họ phải chật vật xoay sở khi bị giảm lương.

Công chức Trung Quốc thắt lưng buộc bụng cận Tết

Thí sinh dự kỳ thi công chức tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc tháng 11/2021. Ảnh: CNS

Tuy nhiên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuần trước khẳng định thắt lưng buộc bụng là cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn. Ông Lý nói Trung Quốc từ năm 2016 giảm thuế và phí tới gần 1.400 tỷ USD, nên công chức cần chia sẻ khó khăn để chính phủ có thể mang lại nhiều lợi ích hơn cho các doanh nghiệp và tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế.

Số liệu thống kê được công bố cuối năm 2015 cho thấy, Trung Quốc có khoảng 7,1 triệu công chức. Những người này được cho là khá may mắn khi có công việc cùng thu nhập ổn định, trong một thị trường việc làm vốn đòi hỏi cạnh tranh cực kỳ gay gắt.

Tuy nhiên, tới nay, công chức ở những địa phương giàu có và phát triển nhất của Trung Quốc như thành phố Thượng Hải cùng các tỉnh ven biển phía đông và phía nam cũng cảm thấy cuộc sống khó khăn.

Một người tại Quảng Đông, địa phương được ví là đầu tàu kinh tế của Trung Quốc, cho biết anh và các đồng nghiệp trong tỉnh đã bị giảm thu nhập.

“Đúng là có chính sách thắt lưng buộc bụng. Tôi biết nhiều người bị giảm 20-30% thu nhập, chủ yếu là các khoản phúc lợi ngoài lương như phụ cấp nhà ở”, anh cho biết.

Lương cơ bản của công chức Trung Quốc ở mức khá thấp. Một quan chức cấp bộ nhận lương cơ bản chưa tới 1.400 USD mỗi tháng, trong khi những người ở cấp cơ sở, vốn được mệnh danh là “trụ cột của đội ngũ cán bộ hành chính”, nhận gần 790 USD mỗi tháng.

Tuy nhiên, thu nhập của họ tăng lên nhờ một số khoản như phụ cấp nhà ở, đi lại, giáo dục, tiền điện thoại, chi phí chăm sóc con cái, quyền lợi y tế cùng một khoản tiền thưởng tết, vốn thường không được công khai. Nhiều công chức Trung Quốc được yêu cầu hoàn trả những khoản phụ cấp họ đã nhận trước đó, khi đợt thắt lưng buộc bụng diễn ra.

Tian cho biết, một số cơ quan chính quyền ở Chiết Giang tháng 12/2021 chuyển khoản phụ cấp nhà ở trong 11 tháng cho các nhân viên, song sau đó yêu cầu họ hoàn lại vào tháng này. Những người làm việc tại Phòng Tài nguyên Nước của thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, tháng 6/2021 cũng được yêu cầu nộp lại tiền phụ cấp trong vài ngày.

Thành phố Đức Hưng lân cận yêu cầu giáo viên làm điều tương tự, khiến thu nhập của họ giảm chỉ còn một nửa. Do lương giáo viên tại đây là khoảng 314-629 USD, nhiều người phàn nàn rằng họ không có cách nào trả lại khoản tiền kịp thời gian.

Alfred Wu, giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định công chức Trung Quốc phải trải qua đợt thắt lưng buộc bụng chưa từng có do tình hình tài chính của nhiều địa phương ngày càng tồi tệ, vốn chịu ảnh hưởng kép từ đại dịch Covid-19 và sụt giảm nguồn thu do thị trường nhà đất đình trệ.

“Chính quyền nhiều địa phương cấp tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc đang trong tình trạng thâm hụt ngân sách. Họ không còn nhiều tiền để trang trải một số quyền lợi của công chức”, Wu cho biết.

Thủ tướng Lý Khắc Cường năm 2020 cảnh báo Trung Quốc đang đối mặt “những thách thức chưa từng có” do đại dịch gây ra, kêu gọi chính quyền các cấp cắt giảm chi tiêu và giảm một nửa các khoản “không cấp thiết và không thiết yếu”.

Dù chính quyền trung ương cam kết sẽ cấp thêm ngân sách cho các địa phương để bù đắp thâm hụt, chỉ có Thượng Hải là địa phương duy nhất trong số 31 tỉnh thành đạt thặng dư ngân sách tính đến tháng 11/2021. 18 địa phương cấp tỉnh báo cáo thâm hụt lớn hơn tổng thu ngân sách, trong đó khu tự trị Tây Tạng dẫn đầu với thâm hụt 27,9 tỷ USD, gấp 7 lần thu ngân sách.

Chuyên gia Wu cho biết ngoài tình trạng kinh tế bị ảnh hưởng từ Covid-19, nhiều tỉnh thành Trung Quốc phải chi ngân sách lớn để mua bộ xét nghiệm nCoV hay đồ bảo hộ cá nhân.

Một quan chức y tế ở Cam Túc xác nhận điều này, cho biết tỉnh đã chi “hàng chục triệu tệ” mua bộ xét nghiệm và trang bị y tế cần thiết để khống chế đợt dịch bùng phát hồi tháng 10/2021, trong đó một số bệnh viện nợ nhà cung cấp hàng triệu tệ. “Chúng tôi phải trông chờ vào hỗ trợ ngân sách từ trung ương”, quan chức này nói.

Dù thu nhập công chức giảm mạnh, nhiều sinh viên Trung Quốc sau khi ra trường vẫn tìm cách thi vào biên chế, sau những thay đổi lớn trên thị trường việc làm hai năm qua.

“Ngày càng nhiều lao động trẻ Trung Quốc từ bỏ khu vực tư nhân, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh trực tuyến từng rất được săn đón”, Wu cho biết. “Họ muốn công việc ổn định hơn trong lĩnh vực công, nơi vẫn được hưởng một số đặc quyền như hỗ trợ giáo dục con cái hay y tế, cũng như địa vị xã hội và mối quan hệ gắn liền với công việc đó”.

Số lượng thí sinh tham gia kỳ thi tuyển công chức tại Trung Quốc trong năm 2021 lên tới 2,1 triệu người, cao hơn nhiều so với 1,6 triệu thí sinh đăng ký năm 2020.

“Tôi nghĩ rằng công việc ổn định trong biên chế giờ vẫn tốt hơn khu vực tư nhân nhiều bấp bênh. Tôi chưa thấy công chức nào xin nghỉ, dù họ liên tục phàn nàn rằng tiền thưởng, phụ cấp bị cắt giảm”, Tian nói.

Theo Nguyễn Tiến/VNE (SCMP)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast