Cuộc "vạn lý trường chinh" của ông Tập trong thương chiến với Mỹ

Chủ tịch Trung Quốc kỳ vọng chiến lược "vừa đánh vừa đàm" có thể giúp Trung Quốc giành thắng lợi trong thương chiến với Mỹ sau 15 năm.

Cuộc “vạn lý trường chinh” của ông Tập trong thương chiến với Mỹ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: Reuters .

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 20/5 ghé thăm khu tưởng niệm ở huyện Vu Đô, thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây, nơi khởi đầu cuộc Vạn lý Trường chinh của Hồng quân Trung Quốc từ năm 1934 đến 1936. Sau cuộc rút lui chiến thuật kéo dài hơn 12.000 km, Hồng quân Trung Quốc cuối cùng đã giành thắng lợi trước Quốc Dân đảng 15 năm sau đó.

Đặt vòng hoa tại khu tưởng niệm, ông Tập tuyên bố Trung Quốc giờ đây phải bước vào một cuộc "Vạn lý Trường chinh mới" để vượt qua các thách thức lớn ở cả trong và ngoài nước.

Giới quan sát cho rằng cuộc "Vạn lý Trường chính mới" mà ông Tập đề cập chính là chiến lược ứng phó với cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động nhắm vào Trung Quốc. Cuộc chiến đang dần lan sang nhiều lĩnh vực khác như công nghệ, giáo dục, cho thấy đây là một phần trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới.

Vài ngày sau chuyến thăm Giang Tây của Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Mỹ tới Tokyo, Nhật Bản, nơi ông phát biểu với báo chí rằng Washington "chưa sẵn sàng" ký kết thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh trừ khi Trung Quốc chịu nhượng bộ và chấp nhận các yêu cầu từ ông. Trung Quốc trong khi đó liên tục đưa ra các tuyên bố cứng rắn, khẳng định sẽ không nhượng bộ đối với các "lợi ích cốt lõi".

"Sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng ông Tập chỉ đơn giản chuyển sang lập trường cứng rắn chống lại Mỹ. Mục đích thực sự của ông là giành thắng lợi cuối cùng trong "cuộc chiến 15 năm" với Mỹ, tức sẽ kéo dài đến năm 2035", một nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhận định. Ông này cho rằng một phương án Trung Quốc có thể tính đến trong cuộc chiến này là tạm thời "rút lui chiến thuật", giúp tránh đối đầu trực diện với Trump và chờ cơ hội phản công.

Khi ví hình ảnh ẩn dụ của cuộc "Vạn lý Trường chinh" với tình hình căng thẳng Mỹ - Trung hiện nay, giới chức Trung Quốc dường như muốn truyền thông điệp rằng họ đang phải đối mặt với tình thế hiểm nghèo không kém những gì diễn ra cách đây 85 năm. Trong khi Bắc Kinh vẫn cho rằng Mỹ sẽ tổn thương lớn hơn vì chiến tranh thương mại, trên thực tế, các đòn thuế của Washington cũng như áp lực Mỹ gây ra với các công ty lớn Trung Quốc, đặc biệt là hãng công nghệ Huawei, đã đặt nước này vào thế bất lợi.

Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 27/5 ở Tokyo, Tổng thống Trump cho biết "hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp đang rời bỏ Trung Quốc để đến những nơi không bị Mỹ đánh thuế".

Một hậu quả chắc chắn từ các đòn áp thuế là làn sóng cắt giảm việc làm bắt đầu lan tỏa đến những cơ sở sản xuất Trung Quốc, ngành thương mại điện tử và cả các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc.

Nếu công nhân ở thành phố mất việc, nhiều người không có sự lựa chọn nào khác ngoài quay về quê, gây ra những hệ lụy lớn từ làn sóng công nhân nhập cư thất nghiệp.

Lo ngại trước viễn cảnh trên, chính phủ Trung Quốc hôm 14/5 thành lập một cơ quan mới mang tên Tổ chỉ đạo Công tác Việc làm Quốc vụ viện nhằm hỗ trợ những người mất việc làm tìm được công việc mới. Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa được bổ nhiệm làm người đứng đầu cơ quan này.

Theo giới phân tích, việc đề ra khái niệm "Vạn lý Trường chinh mới" giúp ông Tập khơi dậy tinh thần lịch sử, củng cố sự đoàn kết trong dư luận và đội ngũ lãnh đạo, sau khi cuộc đàm phán thương mại gần đây với Mỹ đổ vỡ.

Điều này cũng sẽ giúp chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho người dân về một sự thỏa hiệp với chính quyền Trump. Thuật ngữ "rút lui tạm thời" để tránh xung đột trực diện theo tinh thần của "Vạn lý Trường chinh" sẽ khiến bất kỳ động thái nhượng bộ nào của Trung Quốc đều được xem là một tính toán khôn ngoan.

Dù vậy, trong cuộc họp báo với các cơ quan thông tấn nước ngoài ở Bắc Kinh hôm 22/5, Trương Yến Sinh, nhà nghiên cứu trưởng của Trung tâm Giao lưu Kinh tế Quốc tế Trung Quốc (CCIEE), dự báo cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ kéo dài rất lâu.

Ông Trương, người cũng đang giữ chức Tổng thư ký Ban học thuật thuộc Ủy Ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho rằng một mặt, hai nước sẽ đàm phán, mặt khác, đôi bên sẽ "chiến đấu" cho đến năm 2035. Hồi đầu tháng 5, một nhà nghiên cứu khác ở CCIEE cũng nói trong cuộc chiến thương mại hiện nay, Trung Quốc và Mỹ sẽ vừa "đánh" vừa "đàm".

Các nhận thức về sự cần thiết phải chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại kéo dài đến năm 2035 bắt đầu lan tỏa Trung Quốc.

2035 là năm hoàn tất cơ bản mục tiêu "hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa" mà đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra trong Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 19 hồi năm 2017. Đây là các mục tiêu được đề ra để Trung Quốc vượt mặt Mỹ về năng lực kinh tế lẫn công nghệ.

Còn hơn 15 năm nữa để đến thời hạn đó và con số này trùng khớp với 15 năm từ lúc bắt đầu cuộc "Vạn lý Trường chinh" vào năm 1934 cho đến khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949.

Những động thái trên cho thấy về thực chất, ông Tập đã tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ "vừa đánh vừa đàm" với Mỹ trong một cuộc "Vạn lý Trường chinh mới" và cuối cùng sẽ đánh bại đối thủ.

Thời gian đang ủng hộ ông. Ngay cả khi Trump tái đắc cử tổng thống vào năm 2020, ông không thể tiếp tục tại vị qua thời điểm tháng 1/2025 vì hiến pháp Mỹ quy định một tổng thống chỉ được phục vụ tối đa hai nhiệm kỳ. Trong khi đó, hiến pháp sửa đổi của Trung Quốc không giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch và ông Tập trên lý thuyết có thể nắm giữ quyền lực trong thời gian rất dài.

Đối với Trung Quốc, cuộc xung đột thương mại hiện nay với Mỹ chỉ là màn "va chạm" dạo đầu của một cuộc chiến dài hạn và ông Tập không chịu những áp lực về thời gian như ông Trump.

Cuộc “vạn lý trường chinh” của ông Tập trong thương chiến với Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong một cuộc họp về thương mại với Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (ngoài cùng bên trái) tại Nhà Trắng hồi đầu tháng 4. Ảnh: AFP .

Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho thấy ông vẫn dồi dào năng lượng tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Abe ở Tokyo hôm 27/5. Đề cập đến các cuộc đàm phán thương mại không thành công với Trung Quốc, Trump bày tỏ sự không hài lòng về việc Bắc Kinh đơn phương xóa bỏ các phần cam kết quan trọng trong dự thảo thỏa thuận đã được soạn ra sau 5 tháng đàm phán.

Mỹ cáo buộc đoàn đàm phán Trung Quốc đã xóa bỏ đến 30% nội dung dự thảo, giảm từ 150 trang xuống còn 105 trang. Quyết định này diễn ra sau khi các quan chức cấp cao đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ trích dự thảo thỏa thuận không khác gì "một hiệp định bất công" vì áp đặt những biện pháp ràng buộc pháp lý đối với các cam kết của Trung Quốc.

Hôm 27/5, Trump ca ngợi các đòn thuế nhằm vào Trung Quốc. "Chúng ta đang thu về hàng chục tỷ USD tiền thuế. Và con số có thể còn tăng lên rất mạnh, rất dễ dàng. Nhưng tôi nghĩ, đến lúc nào đó, Trung Quốc và Mỹ chắc chắn đạt được một thỏa thuận thương mại tuyệt vời. Và chúng tôi mong chờ đến thời điểm đó", ông nói.

Các nhà phân tích cho rằng nếu chấp nhận một "hiệp định bất công", ông Tập có thể phải đối mặt với làn sóng chỉ trích từ những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc. Nhưng khi kêu gọi về cuộc "Vạn lý Trường chinh mới", ông có thể nhận được sự ủng hộ cần thiết để khôi phục dự thảo thỏa thuận thương mại với Mỹ về giống như nội dung ban đầu, thời điểm Trung Quốc chưa rút bớt các cam kết, hoặc ít nhất gần giống như vậy.

Rất nhiều người kỳ vọng rằng cuộc "Vạn lý Trường chinh mới" sẽ không diễn ra khi Chủ tịch Tập và Tổng thống Trump gặp nhau bên lề hội nghị G20 cuối tháng này ở Nhật Bản. Hai lãnh đạo được kỳ vọng sẽ có cuộc thảo luận nhằm chấm dứt cuộc đối đầu thương mại, vốn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, thậm chí gây ra suy thoái toàn cầu, nếu tiếp tục kéo dài.

Nhưng đến nay vẫn chưa có sự đảm bảo nào từ hai phía rằng cuộc gặp sẽ diễn ra đúng theo kế hoạch. Trong khi đó, những lời công kích vẫn tiếp tục được tung ra, khi Trung Quốc công bố sách trắng về chiến tranh thương mại, tố Mỹ dùng các "chính sách đơn phương làm nghèo hàng xóm", trong khi Washington chỉ trích Bắc Kinh "chơi trò đổ lỗi" trong đàm phán thương mại.

Theo Nikkei Asian Review/VNE

Đọc thêm

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.
Indonesia xác nhận các trường hợp nhiễm HMPV

Indonesia xác nhận các trường hợp nhiễm HMPV

Ngày 7/1, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin xác nhận nước này đã phát hiện các ca nhiễm virus human metapneumovirus (HMPV), song khẳng định với người dân rằng căn bệnh này không nguy hiểm.
Hamas tuyên bố sẵn sàng phóng thích 34 con tin Israel

Hamas tuyên bố sẵn sàng phóng thích 34 con tin Israel

Thành viên cấp cao của Hamas nêu rõ: “Hamas đã nhất trí phóng thích 34 tù nhân Israel trong danh sách do phía Israel đưa ra như một phần của giai đoạn đầu tiên thuộc thỏa thuận trao đổi tù nhân”.
Trung Quốc thông tin về bệnh đường hô hấp do virus HMPV

Trung Quốc thông tin về bệnh đường hô hấp do virus HMPV

Theo kênh truyền hình NDTV của Ấn Độ, ngày 4/1, giới chức Trung Quốc đã lên tiếng trấn an trước những lo ngại về nguy cơ xuất hiện cuộc khủng hoảng y tế khác hậu COVID-19 khi các tài khoản mạng xã hội chia sẻ nhiều hình ảnh và video cho thấy các bệnh viện ở Trung Quốc quá tải do bệnh nhân nhiễm virus human metapneumovirus (HMPV) gây bệnh đường hô hấp.
Máy bay chở khách Nga hạ cánh khẩn cấp tại Ai Cập

Máy bay chở khách Nga hạ cánh khẩn cấp tại Ai Cập

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 3/1, Bộ Hàng không Dân dụng Ai Cập cho biết một máy bay chở khách của hãng hàng không Nga Ural Airlines đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Sharm El-Sheikh, sau khi có báo cáo về sự cố kỹ thuật ở động cơ.
Cảnh sát Hàn Quốc thực thi lệnh bắt Tổng thống Yoon Suk Yeol

Cảnh sát Hàn Quốc thực thi lệnh bắt Tổng thống Yoon Suk Yeol

Theo hãng tin Yonhap, ngày 3/1, các điều tra viên và cảnh sát Hàn Quốc đã tiến vào dinh thự của Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol liên quan đến nỗ lực áp đặt lệnh thiết quân luật bất thành vào tháng trước. Đây là lần đầu tiên lực lượng chức năng nước này tìm cách bắt giữ một tổng thống đương nhiệm.