Đại dịch của người nghèo

Một tỷ người ở 43 quốc gia trên thế giới đã mắc bệnh tả, trong đó trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, mặc dù các biện pháp ngăn ngừa dịch tả rất rõ ràng nhưng thế giới vẫn thiếu nguồn lực để đối phó với “đại dịch của người nghèo”.

Theo hãng tin APA, từ ngày 15-5 đến nay, 12 người đã chết vì dịch tả ở Pretoria, thủ đô hành chính của Nam Phi. Sở Y tế tỉnh Gauteng của Nam Phi cho biết, 10 bệnh nhân đã chết sau khi trải qua các triệu chứng về tiêu hóa. Đến ngày 22-5, có thêm 2 người nữa qua đời, nâng số người chết vì dịch tả ở tỉnh Gauteng lên 12 người.

Ông Motalatale Modiba, phát ngôn viên của Bộ Y tế Nam Phi cho biết, dịch tả đang lan rộng ở Pretoria. Kể từ ngày 15-5, ở Pretoria, đã có 37 người nhập viện và 95 người khác tìm kiếm sự chăm sóc y tế. Những người này được đưa vào bệnh viện trong tình trạng tiêu chảy, co thắt dạ dày và nôn mửa. Ngày 21-5, Bộ Y tế Nam Phi xác nhận, dịch tả đang bùng phát ở Hammanskraal, gần Pretoria, nơi cư dân không được tiếp cận với nước sạch trong nhiều thập kỷ qua.

Đại dịch của người nghèo

Trẻ em Syria uống vaccine ngừa bệnh tả, tháng 3-2023. Ảnh: EPA

Dịch tả cũng đang hoành hành ở thành phố Bukavu của Cộng hòa Congo, nơi có 200 người mắc bệnh và 5 người thiệt mạng trong một tuần qua, cũng như ở các nước Haiti, Mozambique, Ethiopia... Phần lớn bệnh nhân của dịch tả là người nghèo.

“Có một đại dịch đang giết chết người nghèo ngay trước mắt chúng ta. Chúng ta biết chính xác cách ngăn ngừa căn bệnh này nhưng chúng ta cần thêm sự hỗ trợ và giảm sức ỳ từ cộng đồng toàn cầu. Nếu chúng ta không hành động ngay, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn”, Jérôme Pfaffmann Zambruni, Trưởng bộ phận Khẩn cấp Y tế công cộng của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc ( UNICEF ) cảnh báo.

Theo Giám đốc về ứng phó dịch tả toàn cầu của WHO Henry Gray, các ca bệnh tả đã giảm dần trong hơn 10 năm nhưng xu hướng này đã đảo ngược vào năm 2021. Số ca mắc tả và tử vong do căn bệnh này đã tăng vọt trong năm ngoái, khi bệnh tả lan đến những khu vực mới, đặc biệt là vùng xung đột và khu vực có tỷ lệ nghèo đói cao. “Trong năm nay, có 24 quốc gia đã ghi nhận bùng phát dịch tả. Sự gia tăng các ca nhiễm tả là do nghèo đói, xung đột, biến đổi khí hậu và cuộc sống của người tị nạn trong điều kiện bấp bênh”, ông Henry nêu rõ.

Theo WHO, dịch tả đang lan nhanh trong điều kiện người dân không được vệ sinh đầy đủ và thiếu nước uống. Bệnh tả lây lan qua đường tiêu hóa, khi người bệnh ăn, uống phải thực phẩm hoặc nước nhiễm khuẩn. Bệnh này thường gây ra các triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng. Các trường hợp nặng dẫn đến tiêu chảy cấp tính và có thể khiến bệnh nhân tử vong trong vài giờ nếu không được chữa trị.

Để đẩy lùi dịch tả, việc tiếp cận nước sạch, hệ thống vệ sinh cũng như công tác tiêm phòng và chữa trị nhanh chóng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, theo ông Henry, WHO không thể cung cấp đủ vaccine, khi chỉ có 8 triệu liều vaccine được đáp ứng trong tổng số 18 triệu liều được yêu cầu trong năm 2023. Do đó, WHO và các đối tác đã quyết định chỉ áp dụng tiêm phòng một liều vaccine, thay vì hai liều như thông thường.

Hiện WHO và UNICEF đang kêu gọi hỗ trợ 640 triệu USD để đối phó với mối đe dọa dịch tả đang gia tăng. Kế hoạch ứng phó với dịch tả của hai cơ quan này chú trọng đến sự phối hợp, giám sát và phòng ngừa nhiễm trùng, tiêm chủng, điều trị, nước sạch, vệ sinh. “Tuy nhiên, giải pháp tổng thể là đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng xử lý nước thải”, ông Henry nhấn mạnh.

Trong khi đó, Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) dự báo, đến năm 2026, nguồn cung vaccine ngừa bệnh tả sẽ tăng lên khi các hãng dược phẩm tăng cường sản xuất cũng như có những công ty mới gia nhập thị trường. GAVI kêu gọi cải thiện công tác lên kế hoạch để bảo đảm vaccine được sử dụng tại những nơi cần nhất, bao gồm cả các chiến dịch ngăn ngừa dịch tả.

Theo QĐND

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast