Gần 14,9 triệu ca nhiễm Covid-19, nguy cơ bùng phát ở châu Phi

Toàn thế giới có 14.823.869 ca nhiễm, 612.186 ca tử vong; trong khi đó WHO nhấn mạnh số lượng các ca bệnh tăng mạnh tại Nam Phi có thể là "điềm báo trước" về các đợt bùng phát dịch trên khắp châu Phi.

Gần 14,9 triệu ca nhiễm Covid-19, nguy cơ bùng phát ở châu Phi

Chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở Port Elizabeth, Nam Phi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang worldometers.info, tính đến 5h30 ngày 21/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có 14.823.869 ca nhiễm COVID-19, trong đó 612.186 ca tử vong, 8.885.440 ca phục hồi.

Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COIVD-19 với 3.952.141 ca nhiễm, 143.692 ca tử vong và 1.842.721 ca phục hồi. Tiếp theo đó là Brazil, Ấn Độ, Nga, Nam Phi.

WHO cảnh báo nguy cơ dịch bệnh bùng phát ở châu Phi

Ngày 20/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo về sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Phi, nhấn mạnh rằng số lượng các ca bệnh tăng mạnh tại Nam Phi có thể là “điềm báo trước” về các đợt bùng phát dịch trên khắp “lục địa đen.”

Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan nói: “Hiện tôi rất quan ngại rằng chúng ta đang bắt đầu chứng kiến một đợt gia tăng dịch bệnh ở châu Phi.”

Cho đến gần đây, châu Phi vẫn tương đối ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca lây nhiễm gia tăng được ghi nhận ở nhiều nơi khác trên thế giới. Với hơn 15.000 ca tử vong và gần 725.000 ca nhiễm, châu Phi vẫn là lục địa ít bị ảnh hưởng do COVID-19, đứng thứ hai chỉ sau châu Đại Dương.

Tuy nhiên, tình hình đang trở nên xấu đi, đặc biệt là ở Nam Phi. Cuối tuần qua, nước này đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 vượt 5.000 người và hơn 350.000 người mắc bệnh, đứng đầu châu Phi về hai chỉ số này.

Theo ông Ryan, tình hình này có thể được coi là “sự cảnh báo trước” về điều mà phần còn lại của “lục địa đen” có thể phải đối mặt trong tương lai gần nếu không có hành động khẩn cấp.

[Những số liệu “làm khó” châu Phi trong cuộc chiến chống COVID-19]

Trong tuần qua, số ca mắc COVID-19 ở Nam Phi đã tăng 30%, trong khi con số này ở Kenya là 31%, Madagascar tăng 50%, Zambia tăng 57% và Namibia tăng 69%.

Ông Ryan chỉ rõ dịch bệnh COVID-19 ở Nam Phi bùng phát sớm hơn ở các nước châu Phi khác. Ban đầu, dịch bệnh lây lan ở các khu vực giàu có, nhưng hiện đã lan ra khắp các khu vực nghèo khó và nông thôn.

Đây không chỉ là hồi chuông báo động đối với Nam Phi mà còn với toàn bộ châu lục, đòi hỏi phải theo dõi hết sức nghiêm túc diễn biến dịch bệnh ở châu Phi, đồng thời hối thúc cộng động quốc tế đoàn kết và hỗ trợ “lục địa đen.”

Ấn Độ bắt đầu thử nghiệm vắcxin COVID-19 trên người

Trang mạng Times Now ngày 20/7 đưa tin Ấn Độ đã bắt đầu thử nghiệm trên người vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu với báo giới cùng ngày, Giám đốc Viện khoa học y khoa toàn Ấn (AIIMS), Tiến sỹ Randeep Guleria cho biết việc thử nghiệm đã được tiến hành tại cơ sở của viện này ở thủ đô New Delhi.

Theo Tiến sỹ Guleria, AIIMS đã có 1.800 tình nguyện viên đăng ký cho các thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 tại 12 địa điểm nghiên cứu lâm sàng.

Đầu tiên vắcxin sẽ được thử nghiệm trên 100 tình nguyện viên và giai đoạn một sẽ được thực hiện trên những người khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18-55 không mắc bệnh và trong số các mẫu được lấy sẽ có 375 mẫu được nghiên cứu trong giai đoạn này. Giai đoạn hai sẽ thử nghiệm trên 750 người trong độ tuổi từ 12-65.

Giám đốc AIIMS cho biết vắcxin thử nghiệm có tên gọi COVAXIN do Bharat Biotech hợp tác với Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) - NIV phát triển.

Gần 14,9 triệu ca nhiễm Covid-19, nguy cơ bùng phát ở châu Phi

Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Cairo, Ai Cập, ngày 14/7/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi đó, ngày 20/7, một số công ty công nghệ sinh học và sản xuất dược phẩm trên thế giới đã công bố những bước tiến khả quan trong cuộc chạy đua điều chế vắcxin phòng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo kết quả được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet cùng ngày, vắcxin thử nghiệm AZD1222 do tập đoàn AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) và Đại học Oxford (Anh) phối hợp bào chế cho kết quả an toàn và tạo ra kháng thể ở người trong giai đoạn đầu cuộc thử nghiệm lâm sàng.

Cụ thể, vắcxin AZD1222 không gây tác dụng phụ nghiêm trọng, tạo ra kháng thể mạnh và các phản ứng miễn dịch của tế bào T. Cuộc thử nghiệm này được tiến hành ở hơn 1.000 người trưởng thành tại Anh.

Mặc dù vậy, các nhà khoa học cần tiến hành nghiên cứu thêm trước khi có thể xác nhận vắcxin này bảo vệ hiệu quả và lâu dài trước virus SARS-CoV-2.

Cùng ngày, các nhà nghiên cứu Trung Quốc thông báo vắcxin Ad5-nCOV do công ty sản xuất vắcxin CanSino Biologics và đơn vị nghiên cứu thuộc quân đội nước này hợp tác bào chế cũng chứng tỏ an toàn và tạo ra kháng thể ở đa số những người được tiêm một mũi. \

Kết quả được công bố sau khi các nhà nghiên cứu tiến hành giai đoạn hai cuộc thử nghiệm vắcxin ở hơn 500 người tại Trung Quốc. Thông tin này sẽ thúc đẩy các nhà nghiên cứu triển khai giai đoạn cuối cuộc thử nghiệm vắcxin ở quy mô rộng.

Cuối tháng Sáu vừa qua, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã “bật đèn xanh” cho phép quân đội sử dụng vắcxin Ad5-nCOV trong thời hạn một năm dù vắcxin này chưa bước vào giai đoạn cuối cuộc thử nghiệm lâm sàng.

Trong khi đó, công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức và công ty dược phẩm lớn Pfizer của Mỹ công bố thêm thông tin về cuộc thử nghiệm giai đoạn đầu một loại vắcxin COVID-19 cho thấy vắcxin này an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch ở người.

Hai công ty trên nêu rõ dữ liệu cho thấy vắcxin thử nghiệm đã tạo ra các phản ứng của tế bào T ở mức cao chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Kết quả được công bố sau khi Đức tiến hành tiêm thử nghiệm hai liều vắcxin lần lượt ở 60 tình nguyện viên khỏe mạnh. Đầu tháng này, các công ty trên cũng thông báo cuộc thử nghiệm tương tự ở Mỹ cho thấy các tình nguyện viên tạo ra các kháng thể tiêu diệt virus.

Trên thế giới hiện có hơn 150 vắcxin tiềm năng đang được phát triển và thử nghiệm nhằm chặn đứng đại dịch COVID-19 đến nay đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người. Có 23 “ứng viên” vắcxin đang được thử nghiệm lâm sàng ở người.

Nối lại tour du lịch trên sông Danube thời COVID-19

Từ cuối tháng Sáu vừa qua, các hãng tàu đã nối lại dịch vụ du lịch trên sông Danube, song các công ty du lịch cung cấp dịch vụ này phải đảm bảo thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trên thực tế, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, dịch vụ du lịch này chưa thể hồi phục hoàn toàn như trước và nhiều du thuyền vẫn trong tình trạng “đắp chiếu.”

Gần 14,9 triệu ca nhiễm Covid-19, nguy cơ bùng phát ở châu Phi

Du thuyền trên sông Danube. (Nguồn: themayor.eu)

Du thuyền của công ty Nicko của Đức là con tàu đầu tiên khởi động lại hành trình du lịch Danube vào ngày 22/6. Nicko đang vận hành ba du thuyền cung cấp hành trình du lịch 6-8 ngày từ Passau (Đức) đến Budapest (Hungary).

Một đại diện quản lý tàu Nicko cho biết thông thường lượng vé bán cho du khách đạt tới 90%, song trong năm 2020, công ty chỉ đạt được 70% lượng vé bán ra. Lượng khách chủ yếu đến từ Đức, Áo và Thụy Sĩ do nhiều nước hiện giờ vẫn áp đặt các biện pháp hạn chế xuất ngoại.

Điều kiện để du khách được lên tàu là phải xét nghiệm kiểm tra có nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không; đeo khẩu trang khi di chuyển; bàn ăn sẽ được đặt cách nhau và ngăn cách bằng màn che; bồi bàn cũng phải đeo khẩu trang và găng tay khi phục vụ.

Ngoài ra, hành khách sẽ phải kiểm tra thân nhiệt hằng ngày và phải tuân thủ các quy định an toàn khi tham gia du lịch trên tàu.

Được mệnh danh là “nữ hoàng” của các con sông ở châu Âu, sông Danube nối liền 10 quốc gia, đi qua bốn thủ đô, do đó, dịch vụ du lịch trên sông Danube được nhiều du khách lựa chọn trong những chuyến thăm quan ngắn ngày tại châu Âu, song vẫn đảm bảo có những trải nghiệm khó quên khi được chiêm ngưỡng quang cảnh thiên nhiên thơ mộng hay những lâu đài cổ kính nơi đây./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast