Mắc kẹt ở “thủ phủ casino” Campuchia

Ngồi trên tầng 5 một khách sạn ven biển Sihanoukville, nhóm người Trung Quốc kể giấc mơ đầu tư biến thành ác mộng tại "thủ phủ casino" Campuchia.

Một ngày tháng 7, ngồi quanh bàn trà tại thành phố ven biển Campuchia mà họ từng coi là miền đất hứa, nhóm nhà đầu tư Trung Quốc kể lại tình cảnh bế tắc vì dự án đình trệ, tranh chấp pháp lý kéo dài với chủ đất ở Sihanoukville.

“Ai cũng tham lam”, Zhang Jiewei, người đứng đầu hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Sihanoukville, nói. “Người làm ăn muốn kiếm tiền, dù biết giá đất hoặc giá thuê đang quá cao. Đây là bong bóng mà ai cũng biết là sẽ vỡ, nhưng không ai nghĩ nó sẽ xảy ra với mình”.

Mắc kẹt ở “thủ phủ casino” Campuchia

Một dự án xây dựng dang dở tại Sihanoukville. Ảnh: FT

Tháng 8 đánh dấu ba năm bong bóng thị trường xây dựng và bất động sản ở Sihanoukville tan vỡ. Phát triển nóng, thiếu kiểm soát đã biến nơi từng là điểm đến thơ mộng nổi tiếng với khách du lịch thành một khu vực hỗn độn với vô số sòng bạc, căn hộ, khách sạn và trung tâm mua sắm.

Thành phố từng được gọi là “thủ phủ casino Campuchia” hay “Macau của Đông Nam Á”, với tăng trưởng chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp cờ bạc trực tuyến hình thành từ năm 2017. Ngành cờ bạc trực tuyến thu hút hàng trăm nghìn người lao động, kéo theo nhu cầu bùng nổ về bất động sản.

“Thời đó làm ăn quá tốt”, Gong, nhà phát triển bất động sản người Tứ Xuyên, nhớ lại thời kỳ tháng 10/2019. “Không ai phải nghĩ ngợi gì nhiều. Nhu cầu thị trường cứ thế thúc đẩy họ liên tục ra quyết định”.

Đến tháng 8/2019, chính phủ Campuchia ban lệnh cấm cờ bạc trực tuyến, làm dấy lên làn sóng tháo chạy của lao động trong lĩnh vực này. Một năm sau, Covid-19 bùng phát, góp phần làm nghiêm trọng hơn tình trạng suy thoái của thành phố.

Các khu văn phòng từng được những công ty đánh bạc trực tuyến thuê giờ đây bỏ trống, dần dần trở thành “đại bản doanh” cho những băng nhóm tội phạm chuyên thực hiện lừa đảo trên mạng ở phạm vi toàn cầu và buôn người, cưỡng bức lao động ở Campuchia.

Thành phố hiện có 1.155 tòa nhà xây dang dở, theo số liệu thống kê chính thức, đa số đã ngừng thi công. Thay đổi lớn duy nhất với cảnh quan thành phố sau bong bóng bất động sản là các tuyến phố mới, vỉa hè khang trang cùng hệ thống thoát nước đồng bộ mà chính phủ buộc phải xây dựng sau khi ngành bất động sản phát triển nóng quá mức đã phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng cũ của thành phố.

Trong nỗ lực tìm kiếm lối thoát, một số nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã gặp đại diện chính quyền tỉnh Preah Sihanouk hồi đầu tháng 7. Họ mong muốn chính quyền giảm thuế, xây dựng bảng giá trị đất đai để giúp các nhà đầu tư đàm phán cho thuê.

Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng hy vọng chính quyền giúp giải quyết tranh chấp với chủ đất, bằng cách thuyết phục họ trở thành cổ đông trong các dự án bất động sản.

Qiu đến Sihanoukville năm 2017, là một trong nhiều người vướng vào tranh chấp pháp lý với chủ đất Campuchia. Qiu đầu tư ba triệu USD xây khách sạn cao tầng trên Đại lộ Độc lập, hoàn thành hồi tháng 2/2020 sau 18 tháng xây dựng. Nhưng chủ đất sau đó muốn kiểm soát hoàn toàn dự án và khởi kiện Qiu.

“Tôi từng ra rất nhiều quyết định đầu tư sinh lời tốt ở Trung Quốc như xây trung tâm bán buôn quần áo, kiếm rất nhiều tiền”, Qiu nói. “Tôi nhìn thấy cơ hội ở Sihanoukville, nhưng giờ nhìn xem chuyện gì đã xảy ra. Tôi vô cùng xui xẻo”.

Chính phủ Campuchia đã ủy quyền cho Viện Quy hoạch và Thiết kế Đô thị Thâm Quyến hoàn thành quy hoạch tổng thể để biến thành phố Sihanoukville thành một trung tâm thương mại, dịch vụ và hậu cần. Nhưng gần như không ai thảo luận gì về cách giải quyết hàng trăm dự án bất động sản dang dở.

Mắc kẹt ở “thủ phủ casino” Campuchia

Xe ôm và xe tuk tuk Campuchia chờ khách bên ngoài sòng bạc Viên ngọc Đông phương và Gobo ở Sihanoukville năm 2018. Ảnh: SMH

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại không phải điềm báo tốt cho ngành xây dựng Campuchia, lĩnh vực đóng góp hơn 30% tăng trưởng GDP cho đất nước.

Theo báo cáo kinh tế tháng 6 của Ngân hàng Thế giới (WB), đầu tư trực tiếp nước ngoài được phê duyệt trong lĩnh vực bất động sản Campuchia đã giảm mạnh từ 1,7 tỷ USD năm 2019 còn 142 triệu USD năm 2020.

Ngay cả khi đại dịch đã dịu đi, ngành xây dựng vẫn “ì ạch”, theo WB. Trong ba tháng đầu năm nay, giá trị giấy phép xây dựng được phê duyệt giảm 66%, diện tích được thông qua giảm 67,9%, trong khi lượng thép và xi măng nhập khẩu giảm 37,5%. WB cảnh báo suy thoái có thể gây hậu quả lớn hơn cho nền kinh tế Campuchia.

Zhang, người đã đầu tư hơn 15 triệu USD vào loạt dự án khách sạn ở Sihanoukville, trong đó 5 dự án đang bị chủ đất chiếm vì tranh chấp, vẫn lạc quan một cách thận trọng. Ông cho rằng Sihanoukville vẫn có “tương lai tươi sáng” với nhiều cơ hội.

“Nếu Trung Quốc mở cửa, sẽ có nhiều người đến đầu tư hơn. Kể cả có người đầu tư thua lỗ, người ta vẫn sẽ tới”, ông nói. “Tình cảnh bây giờ rất khó khăn, nhưng chúng tôi phải tồn tại và ngày mai sẽ tốt đẹp”.

Theo Hồng Hạnh/VNE (FT)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast