Nếu Tổng thống Hàn Quốc phải từ chức...

Chính trường Hàn Quốc đang có dấu hiệu khủng hoảng khi đảng cầm quyền bị chia rẽ và Tổng thống Park Geun Hye đang cố gắng thay đổi tình thế bằng cách cải tổ nội các.

neu tong thong han quoc phai tu chuc

Người dân Hàn quốc tiếp tục xuống đường biểu tình tại trung tâm thủ đô Seoul tối 31-10 đòi "Tổng thống Park Geun Hye từ chức" (câu trong bảng đỏ) - Ảnh: Reuters

Phe đối lập đang có những bước đi thận trọng trên chính trường kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng xoay quanh nhân vật Choi Soon Sil có sức ảnh hưởng lớn đến tổng thống Park Geun Hye. Hiện phe đối lập vẫn kiềm chế yêu cầu tổng thống từ chức hay đưa ra ý kiến về việc luận tội bà.

Tuy nhiên, theo đài KBS của Hàn Quốc, sáng 30-10 vừa qua, các lãnh đạo của ba đảng chính trị chính của Hàn Quốc đã nhóm họp nhưng không đi đến thống nhất.

Lãnh đạo nhóm nghị sĩ đảng cầm quyền Saenuri đã nhanh chóng kết thúc cuộc gặp với nhóm nghị sĩ của hai đảng đối lập. Theo ông Chung Jin Suk, lãnh đạo nhóm của đảng Saenuri, việc bên đối lập nay lại từ chối thành lập chính phủ thống nhất quốc gia gồm các đảng phái chính trị là "không thể chấp nhận được" vì ý tưởng này do bên đối lập nêu ra trước đây.

Về phần mình, phía đảng đối lập không chấp nhận kiểu chỉ trích của bên Saenuri. Yêu cầu mới của đảng Minjoo và Đảng Nhân dân, là trước khi bàn đến việc thành lập một chính phủ nhiều thành phần, thì phải làm rõ vụ bê bối mang tên Choi Soon Sil, vốn dính líu không chỉ Tổng thống Park Geun Hye mà còn cả các thư ký của bà.

Tuy nhiên, các nghị sĩ của đảng cầm quyền và đối lập đều kêu gọi tổng thống giải tán nội các hiện nay và thành lập một chính phủ liên minh lớn thông qua việc chỉ định một thủ tướng trung lập về chính trị và để người này chọn các thành viên nội các.

Bà Park đã thuận theo giải pháp này, yêu cầu các thư ký thân cận từ chức và nhanh chóng bổ nhiệm Thủ tướng mới cùng một số bộ trưởng. Nhưng quá trình điều tra bà Choi dự báo còn nhiều yếu tố bất ngờ gây ảnh hưởng cho Tổng thống Park.

Nếu bà Park từ chức, theo quy định của luật pháp Hàn Quốc, nước này sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử trong vòng 60 ngày kể từ khi bà rời văn phòng. Người chiến thắng trong cuộc bầu cử này sẽ trở thành Tổng thống mới với nhiệm kỳ 5 năm.

Các nhà phân tích cho rằng đảng đối lập chưa chuẩn bị tình huống để có thể đảm nhận trách nhiệm từ tay đảng cầm quyền trong một cuộc bầu cử sớm như vậy. Cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc theo kế hoạch sẽ diễn ra vào tháng 12-2017.

"Nếu bà Park từ chức, điều này sẽ khiến mọi người rối loạn do vẫn đang tập trung trí lực vào việc chuẩn bị cho cả một năm vận động tranh cử" - ông Kim Man Heum, người đứng đầu Học viện Chính trị và Lãnh đạo Hàn Quốc, nhận định.

Đảng Saenuri đã bất ngờ bị mất đa số ghế tại Quốc hội hồi tháng 4 vừa qua. Điều này khiến đảng cầm quyền bị chia cắt thành 2 phe trong khi nhiều thành viên cấp cao đã cố gắng giữ khoảng cách với tổng thống Park trước cả khi xảy ra vụ bê bối được đặt tên là "Choigate".

Hàn Quốc chưa từng chứng kiến cuộc biểu tình lớn như thế kể từ năm 1987 (thời điểm của cuộc tuần hành khổng lồ ủng hộ dân chủ của người dân Hàn Quốc)

Báo Hankyoreh của Hàn Quốc so sánh về các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố tại Hàn Quốc ngày 29-10 vừa qua

Hãng tin Reuters cho biết tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận tại Hàn Quốc về việc sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của nước này mặc dù ông vẫn chưa nói gì về việc có tham gia vào cuộc đua vào Nhà Xanh sắp tới hay không.

Tuy nhiên rất nhiều người dân Hàn Quốc trông đợi ông Ban, người sẽ hết nhiệm kỳ Tổng thư ký LHQ vào ngày 1-1-2017, sẽ gia nhập đảng Saenuri nếu ông tham gia vào cuộc đua.

Tuy nhiên một đảng Saenuri đang bị chia rẽ và rối loạn sẽ ít hấp dẫn đối với ông Ban. Nhiều khả năng ông Ban sẽ thành lập một đảng chính trị mới nếu muốn vào Nhà Xanh.

Hãng tin Reuters cho biết các đảng chính trị tại Hàn Quốc thường có giải pháp "giải tán và tái thành lập" dưới tên mới.

"Sẽ rất khó khăn cho đảng Saenuri để giành lại sự ủng hộ từng có nếu họ không giải tán và thành lập một đảng mới. Họ đang hoàn toàn rối loạn và chia rẻ" - nhà phân tích chính trị Rhee Jong Hoon ở Hàn Quốc nhận định.

Theo đài KBS của Hàn Quốc, khoảng 50 nghị sĩ đảng Saenuri đã thành lập một liên minh trong tuần rồi để lập kiến nghị kêu gọi lãnh đạo đảng từ chức sau vụ bê bối Choigate.

"Những nỗ lực để làm rõ vụ bê bối này và để bình thường hóa công việc của chính phủ là rất cần thiết. Tuy nhiên chúng tôi cảm thấy dưới sự lãnh đạo hiện nay của đảng chúng tôi thì đó là điều không thể" - nghị sĩ Oh Shin Hwan của đảng Saenuri tuyên bố hôm 1-11.

Bà Park cũng khiến tình hình chính trị Hàn Quốc thêm phần rối loạn khi tuần rồi bà tuyên bố sẽ cho nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp, cho phép Tổng thống có thể phục vụ nhiều nhiệm kỳ để chính phủ có thể theo đuổi các mục tiêu chính sách nhất quán và lâu dài.

Tám trong số các trợ lý cấp cao của bà Park đã từ chức sau vụ bê bối liên quan đến bà Choi Soon Sil. Bà Park cũng đã bổ nhiệm Thủ tướng mới và một số bộ trưởng để đối phó với cuộc khủng hoảng chính trị này.

neu tong thong han quoc phai tu chuc

Tân Bộ trưởng Tài chính Yim Jong Yong phát biểu tại họp báo ở Văn phòng chính phủ tại thủ đô Seoul sáng 2-11 - Ảnh: Reuters

Tổng thống Park đang phải đối phó với vụ bê bối vì đã để lộ nhiều bài phát biểu và tài liệu chính trị cho bà Choi, người có quan hệ thân thiết với mình trong 40 năm qua.

Bà Choi Soon Sil bị nghi ngờ sử dụng mối quan hệ này để can thiệp vào các công việc quốc gia, trong đó có một số vấn đề chính sách nhạy cảm. Bà cũng đang bị điều tra việc sử dụng mối quan hệ thân thiết với tổng thống để gây ảnh hưởng lên các doanh nghiệp lớn, khiến họ quyên góp tiền vào 2 quỹ phi lợi nhuận do bà lập nên. Ước tính số tiền đóng góp vào các quỹ này vào khoảng 50 tỉ won (tương đương 44 triệu USD).

Đầu tháng 9, bà Choi Soon Sil cùng con gái rời Hàn Quốc đi Đức khi thông tin về vụ bê bối bắt đầu gia tăng, sau đó đã quay về nước sáng 30-10 để trả lời thẩm vấn trong khuôn khổ cuộc điều tra vụ việc này. Bà đã bị bắt vào sáng 1-11 trong khuôn khổ cuộc điều tra.

Vụ việc đã khiến hàng chục ngàn người dân Hàn Quốc đổ ra đường phố biểu tình ở thủ đô Seoul, và nhiều thành phố khác từ ngày 29-10 yêu cầu Tổng thống Park Geun-hye từ chức hoặc bị luận tội.

Tổng thống Park Geun Hye hiện đang ở năm thứ tư trong nhiệm kỳ 5 năm. Cuộc khủng hoảng chính trị trên đe dọa sẽ làm phức tạp thêm quá trình hoạch định chính sách trong giai đoạn khó khăn thường gặp ở cuối nhiệm kỳ duy nhất của các tổng thống Hàn Quốc.

Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast