Pháp "dậy sóng" vì vụ nghe lén điện thoại của ông Sarkozy

Những ngày này, chính trường nước Pháp lại một phen dậy sóng vì vụ ngành tư pháp nước này nghe lén điện thoại của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy nhằm tiến hành điều tra liên quan đến các cáo buộc ông nhận tiền của cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi cho chiến dịch vận động tranh cử năm 2007.

Dựa trên nội dung một cuộc điện đàm giữa ông Sarkozy với luật sư của mình là Thierry Herzog, ngày 26/2 ngành tư pháp của Pháp đã mở cuộc điều tra cựu tổng thống nước này về tội "kinh doanh ảnh hưởng" và "vi phạm bí mật điều tra." Trong khuôn khổ cuộc điều tra này, các thẩm phán đã khám xét văn phòng và nhà riêng luật sư của ông Sarkozy ngày 4/3.

Ông Sarkozy
Ông Sarkozy



Vụ nghe lén điện thoại ông Sarkozy và luật sư của ông được báo Le Monde ngày 7/3 tiết lộ đã làm dấy lên làn sóng phản đối từ giới luật sư Pháp. Họ lên án điều mà họ gọi là "xâm phạm bí mật nghề nghiệp."

Tuy nhiên, vụ việc chỉ trở nên ồn ào khi xuất hiện những mâu thuẫn giữa tuyên bố của Bộ trưởng Tư pháp Christiane Taubira với báo chí là không nhận được bất kỳ thông báo nào về việc nghe điện thoại và những phát biểu sau đó của Thủ tướng Jean-Marc Ayrault, dường như đã chứng minh điều ngược lại, và việc bà vô tình để lộ cho báo chí biết các văn bản gửi tới văn phòng của mình.

Cụ thể, bà Taubira khẳng định tối ngày 10/3 trên kênh TF1 rằng chỉ được biết thông tin về vụ nghe điện thoại khi đọc báo Le Monde số ra ngày 7/3. Một ngày sau đó, trên kênh truyền hình France 2, Thủ tướng Jean-Marc Ayrault lại cho biết chính phủ đã được thông báo vụ việc từ ngày 26/3.

Bên cạnh đó, tại cuộc họp báo ngày 12/3, Bộ trưởng Tư pháp Christiane Taubira khi giơ cao một số văn bản cho báo chí xem đã vô tình để lộ hai lá thư có liên quan đến vụ nghe lén, một của Công tố viên quốc gia phụ trách tài chính Eliane Houlette gửi Trưởng Công tố Paris và một lá thư khác của người đại diện của bà Eliane Houlette gửi Bộ trưởng Taubira. Các văn bản cho thấy cho thấy ngay từ ngày 28/2, Bộ trưởng Taubira đã có thông tin về cuộc điều tra nhằm vào cựu Tổng thống Sarkozy.

Vụ việc khiến chính phủ Pháp và bà Bộ trưởng Tư pháp hết sức lúng túng. Lần lượt, nhiều thành viên chính phủ được mời đến truyền hình để giải thích,mà đúng hơn là để thanh minh.

Còn các đảng viên Đảng Xã hội thì hết sức bàng hoàng, chưa hiểu tại sao một loạt các vụ việc nhằm vào cánh hữu trong những tuần qua, lại đột nhiên quay lại chống lại họ vào thời điểm cận kề cuộc bầu cử địa phương - cuộc bầu cử vốn ám ảnh họ là sẽ bị cử tri "trừng phạt" vì những thành tích yếu kém của Tổng thống François Hollande và chính phủ của Thủ tướng Jean-Marc Ayraul sau gần hai năm cầm quyền.

Trong khi đó, đảng đối lập UMP ra sức công kích Bộ trưởng Tư pháp, cho rằng bà đã "nói dối," tiến hành "gián điệp chính trị" và đòi bà phải từ chức.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Tư pháp Christiane Taubira, người nổi tiếng về sự mạnh mẽ, được mệnh danh là một "tượng đài" của chính phủ cánh tả không hề tỏ ra nao núng. Trả lời báo Le Monde ngày 13/3, bà tuyên bố sẽ không từ chức bởi vì bà đã không yêu cầu tiến hành điều tra, cũng không hề biết gì về thời gian tiến hành và nội dung các vụ nghe điện thoại. Theo bà, trong hai lá thư gửi tới bà, người ta chỉ giải thích tại sao phải mở cuộc điều tra.

Bà cũng không cho rằng Thủ tướng Jean-Marc Ayrault đã bác bỏ điều bà đã nói, cái mà báo chí gọi là "mâu thuẫn" chẳng qua chỉ là sự suy diễn của đảng cánh hữu UMP. Bà cũng phản công lại bằng cách đặt câu hỏi vì sao cựu Tổng thống Sarkozy, ngoài số di động chính thức, còn có một số điện thoại khác đăng ký dưới một cái tên giả. "Tại sao lại phải cần một cái tên giả, phải chăng là để che giấu điều gì?". Cuối cùng, bà kết luận rằng đây là một "cái bẫy" của truyền thông.


Các báo cánh tả tại Pháp cũng đồng quan điểm, cho rằng đây chỉ là trò do UMP dàn dựng nhằm phóng đại một sự sơ suất nhỏ của bà Bộ trưởng trong tiếp xúc với báo chí đồng thời đánh lạc hướng dư luận liên quan đến những nghi vấn về việc ông Sarkozy đã được nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi tài trợ 50 triệu euro cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2007.

Vụ việc đến nay chưa ngã ngũ. Bất luận đúng sai thuộc về ai, vụ việc cho thấy các đảng phái chính trị ở Pháp không từ một thủ đoạn nào để nhằm làm giảm uy tín của nhau vào thời điểm chỉ còn cách cuộc bầu cử cấp thành phố trên toàn nước Pháp chưa đến 10 ngày, cuộc bầu cử được cho là "phép thử" về mức độ tín nhiệm đối với các đảng chính trị, nhằm chuẩn bị cho việc khởi động chiến dịch chạy đua vào điện Elysée vào năm 2017.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.