Thế giới ngày qua: Nghi phạm gửi thư cho Văn phòng Thủ tướng New Zealand trước khi tiến hành vụ xả súng

(Baohatinh.vn) - Nghi phạm gửi thư cho Văn phòng Thủ tướng New Zealand trước khi tiến hành vụ xả súng; EU tái khẳng định không công nhận kết quả trưng cầu của Crimea... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 17/3 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Thế giới ngày qua: Nghi phạm gửi thư cho Văn phòng Thủ tướng New Zealand trước khi tiến hành vụ xả súng

Brenton Tarrant phát video trực tiếp về vụ xả súng nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand hôm 15/3 trên Facebook. (Ảnh: Daily Star)

Nghi phạm gửi thư cho Văn phòng Thủ tướng New Zealand trước khi tiến hành vụ xả súng: Ngày 16/3, Văn phòng Thủ tướng New Zealand xác nhận đã nhận được một lá thư từ nghi phạm trong vụ xả súng gây rúng động xảy ra chiều 15/3, chỉ chưa đầy 10 phút trước khi các cuộc tấn công xảy ra.

Người phát ngôn của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết, trong thư nghi phạm nêu các lý do để y thực hiện vụ tấn công nhưng không nói cụ thể về thời gian hay địa điểm gây án nên các cơ quan chức năng đã “không có cơ hội để ngăn chặn”.

Văn phòng Thủ tướng New Zealand cho biết thêm, nội dung bức thư cũng đã được nghi phạm gửi qua hòm thư điện tử tới khoảng 70 địa chỉ khác, trong đó có các chính trị gia như lãnh đạo Đảng Quốc gia Simon Bridges và Chủ tịch Quốc hội Trevor Mallard.

Ít nhất 50 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong vụ xả súng vào 2 thánh đường Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand, khi các tín đồ đang thực hiện buổi cầu nguyện chiều thứ Sáu hàng tuần. Cảnh sát New Zealand đã bắt giữ nghi phạm Brenton Harrison Tarrant, công dân Australia sinh sống tại bang New South Wales, 28 tuổi. Sáng 16/3, nghi phạm đã bị đưa ra tòa ở thành phố Christchurch đối mặt với cáo buộc giết người.

Thế giới ngày qua: Nghi phạm gửi thư cho Văn phòng Thủ tướng New Zealand trước khi tiến hành vụ xả súng

Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini. (Ảnh: THX/TTXVN)

EU tái khẳng định không công nhận kết quả trưng cầu của Crimea: Sputnik đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố liên quan đến lễ kỷ niệm 5 năm trưng cầu ý dân ở Crimea, tái khẳng định chính sách không công nhận kết quả cuộc trưng cầu và áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt đối với Liên bang Nga.

Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini nhấn mạnh: "EU vẫn cam kết thực hiện đầy đủ chính sách không công nhận Crimea, bao gồm các biện pháp trừng phạt.

EU một lần nữa kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc xem xét áp dụng các biện pháp không công nhận tương tự theo nghị quyết Đại hội đồng 68/262."

5 năm trước, ngày 16/3, Crimea đã tổ chức trưng cầu dân ý về việc rời khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. 96,77% người dân Crimea đã bỏ phiếu ủng hộ gia nhập Liên bang Nga.

Ngày 18/3/2014, trước hai viện Quốc hội, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp nhận và chấp thuận đề nghị của Hội đồng Quốc gia Cộng hòa Crimea về việc gia nhập thành phần của Liên bang Nga. Vì quyết định này mà từ đó đến nay, quan hệ giữa Nga và Ukraine đã gần như bị cắt đứt, Nga đồng thời phải chịu nhiều án phạt từ phía Mỹ và EU.

Thế giới ngày qua: Nghi phạm gửi thư cho Văn phòng Thủ tướng New Zealand trước khi tiến hành vụ xả súng

Cử tri bỏ phiếu sớm tại một địa điểm bầu cử ở Bangkok, Thái Lan, ngày 17/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thái Lan tổ chức bỏ phiếu sớm tại 395 địa điểm bầu cử trên cả nước: Ngày 17/3, Vương quốc Thái Lan đã tổ chức bầu cử cho khoảng 2,6 triệu cử tri đăng ký bỏ phiếu sớm một tuần trước khi cuộc tổng tuyển cử chính thức diễn ra vào ngày 24/3 tới.

Bất chấp thời tiết nắng nóng mùa Hè vào thời điểm gần buổi trưa, hàng trăm nghìn người thuộc các tầng lớp, nghề nghiệp trong xã hội vẫn đứng xếp hàng bỏ phiếu tại 395 địa điểm bỏ phiếu trên khắp Thái Lan.

Cử tri Thái Lan đi bỏ phiếu lần gần đây nhất là vào đầu năm 2014, nhưng người biểu tình đường phố phản đối chính phủ đã ngăn chặn cuộc tổng tuyển cử bằng cách bao vây các địa điểm bỏ phiếu. Kết quả bỏ phiếu sau đó đã bị huỷ bỏ vì lý do pháp lý.

Vào ngày 24/3 tới, hơn 51 triệu cử tri đủ điều kiện tham gia cuộc tổng tuyển cử được nhiều người trông đợi, trong đó theo ước tính có khoảng 7 triệu cử tri lần đầu tiên được đi bỏ phiếu.

Thế giới ngày qua: Nghi phạm gửi thư cho Văn phòng Thủ tướng New Zealand trước khi tiến hành vụ xả súng

Thủ tướng Anh Theresa May (giữa) sau cuộc bỏ phiếu lần thứ 2 về thỏa thuận Brexit tại Hạ viện Anh ngày 13/3. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thỏa thuận Brexit có thể sẽ không được đưa ra bỏ phiếu lần 3: Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May ngày 17/3 cảnh báo có thể hủy kế hoạch đưa thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu lần ba vào tuần này, trừ phi cảm thấy có thể chiến thắng và tránh được sự trì hoãn một thời gian dài việc nước này rời Liên minh châu Âu.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Sky News, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox cho biết: "Sẽ khó có lý do tiến hành bỏ phiếu nếu biết sẽ thất bại."

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond trả lời phỏng vấn đài BBC cho biết: "Chúng tôi sẽ chỉ đưa thỏa thuận trở lại nếu tin tưởng rằng có đủ số đồng nghiệp sẵn sàng ủng hộ để thỏa thuận được thông qua tại Nghị viện."

Nước Anh rơi vào tình trạng tê liệt về chính trị khi chỉ còn ít ngày nữa sẽ đến thời điểm Brexit (ngày 29/3 tới), chấm dứt 46 năm là thành viên của EU. Hạ viện Anh đã hai lần bác bỏ nội dung thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng May đã rất vất vả để đạt được với các lãnh đạo EU cuối năm 2018.

Trong cuộc bỏ phiếu lần đầu tiên vào tháng Một vừa qua, thỏa thuận đã bị bác bỏ với 202 phiếu thuận và 432 phiếu chống. Trong cuộc bỏ phiếu lần thứ hai vào ngày 12/3 vừa qua, thỏa thuận lại bị bác bỏ với 391 phiếu chống và 242 phiếu thuận.

Thế giới ngày qua: Nghi phạm gửi thư cho Văn phòng Thủ tướng New Zealand trước khi tiến hành vụ xả súng

Khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa, người Israel gọi là Núi Đền (Temple Mount) ở thánh địa Jerusalem. (Ảnh: timesofisrael.com)

Israel quyết định tạm đóng cửa Golden Gate tại thánh địa Jerusalem: Tòa sơ thẩm Jerusalem ngày 17/3 đã phán quyết tạm thời đóng Golden Gate (Cổng Vàng) tại khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa mà người Israel gọi là Núi Đền (Temple Mount) ở thánh địa Jerusalem.

Theo phán quyết, Golden Gate sẽ phải đóng cửa trong vòng 60 ngày để cơ quan quản lý khu vực này, tổ chức tôn giáo Waqf, có thêm thời gian hồi đáp xét xử của tòa án về công trình trên. Cảnh sát Israel đã đề nghị đóng cửa công trình này trong bối cảnh căng thẳng gia tăng những tuần gần đây.

Các nguồn tin cho rằng đang diễn ra các cuộc thảo luận giữa Israel và Jordan - nước trông coi thánh địa này - về quy chế của Golden Gate.

Những tuần gần đây đã xảy ra đụng độ giữa những người Palestine đến cầu nguyện tại địa điểm này và cảnh sát Israel liên quan việc sử dụng công trình. Israel đã đóng cửa Golden Gate năm 2003 trong cuộc nổi dậy intifada lần thứ hai của người Palestine.

Giới chức Palestine khẳng định rằng tổ chức đã thúc đẩy lệnh cấm vào địa điểm này nay không còn tồn tại nữa, vì vậy không có lý do gì để tiếp tục đóng cửa công trình.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast