Rác “tấn công” làng biển

(Baohatinh.vn) - Tuyến đê biển xã Xuân Trường và đường ra biển xã Xuân Đan (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) đang bị rác “tấn công”, làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong nhiều tháng qua.

rac tan cong lang bien

Rác tràn ra biển

Khi đi qua tuyến đê biển thuộc xóm 3, xã Xuân Trường, hầu như ai cũng phải nín thở bởi mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác to đùng nằm ngay tuyến đê biển. Tại đây, đủ các loại rác thải được “đóng gói” trong bao tải nhưng do mưa nắng lâu ngày, rác bị bục cả ra ngoài. Ruồi, nhặng bám đầy, bay loạn xạ khi lại gần.

Một người dân ở xóm 3, xã Xuân Trường đang làm ruộng gần đó cho biết: Rác do những người thu gom trong xã đóng bao rồi đem đổ vào đây. Khi trời nắng, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên khắp cả vùng. Mưa thì rác cùng dòng nước trôi xuống biển. Người dân ở đây nhiều lần kiến nghị với xã nhưng không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa được xử lý.

rac tan cong lang bien

Rác thải chất đống lấn chiếm cả tuyến đường ra biển ở xã Xuân Đan.

Cách đó không xa, tuyến đường từ trung tâm xã Xuân Đan đi ra bờ biển cũng bị cản trở bởi một đống rác lớn, chiếm mất 1/3 chiều rộng mặt đường. Hàng trăm bao tải chứa rác chất cao hơn 1m, kéo dài gần 20m, rất phản cảm và ô nhiễm môi trường vùng biển nghiêm trọng. “Đống rác này được tập kết ở đây từ lâu. Cứ buổi sáng hoặc buổi chiều là có người dùng xe kéo chở rác ra đây tập kết. Trang trại nuôi tôm của chúng tôi cách đấy hơn 200m nhưng vẫn khổ sở vì mùi xú uế từ đống rác này” - anh Sơn, một người dân cho biết.

Trong lúc tìm hiểu thì chúng tôi bắt gặp chị Vi Thị Vị - Tổ trưởng tổ thu rác xã Xuân Đan đang kéo xe chở đầy rác chuẩn bị đổ xuống. Chị Vị cho hay: Đây là chỗ tập kết rác của một vài thôn trong xã. Vì không có bãi rác nên tập kết trên đường ra biển để xe của công ty môi trường thuận lợi vào vận chuyển. Thế nhưng, vài tháng nay, rác dường như không được bốc chuyển đi và ngày một nhiều thêm…

Chủ tịch UBND xã Xuân Trường Lê Văn Mạnh cho rằng: Trước đây, rác trên địa bàn xã do công ty môi trường huyện thu gom, nhưng sau đó huyện chia thành 3 vùng để thuận lợi cho quãng đường vận chuyển. Biết là rác thải chất đống ô nhiễm môi trường nhưng do kinh phí eo hẹp nên việc xử lý đang rất khó khăn. Để xử lý rác thải trên địa bàn, xã đang tìm hiểu để ký hợp đồng với HTX Môi trường Xuân Yên nhưng giá lại cao. Với mức giá 4 triệu đồng/chuyến thì mỗi tháng, toàn xã phải trả 32 triệu đồng. Trong khi đó, thu phí rác thải toàn xã chỉ được khoảng 13 triệu đồng, chỉ đủ trả lương cho tổ thu gom rác trên địa bàn… “Trong tuần này, chúng tôi sẽ xem xét, nghiên cứu để xử lý số rác thải này” - ông Mạnh khẳng định.

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.