Sản phẩm OCOP - nguồn sinh lực mới cho nông nghiệp Thạch Hà

(Baohatinh.vn) - Cùng với tập trung xây dựng và thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã triển khai có chiều sâu, hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đem lại sinh lực mới cho ngành nông nghiệp huyện nhà.

Sản phẩm OCOP - nguồn sinh lực mới cho nông nghiệp Thạch Hà

Toàn huyện Thạch Hà cải tạo đất sản xuất, phá bờ thửa nhỏ, hình thành ruộng sản xuất lớn được 2.574 ha.

Nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP

Thạch Hà là huyện phụ cận thành phố Hà Tĩnh, có nhiều tuyến giao thông huyết mạch đi qua, diện tích tự nhiên trên 355km2, diện tích đất nông nghiệp 13.757 ha, đất lâm nghiệp 8.315 ha, đất nuôi trồng thủy sản 1.123 ha; địa hình đa dạng, có đồng bằng, đồi rừng và biển, được quy hoạch ba vùng rõ nét (Bắc Hà, Tây Nam, Bãi Ngang). Đây được xem là những tiềm năng, thế mạnh để huyện Thạch Hà phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đa dạng các sản phẩm nông sản chủ lực.

Những năm qua, đặc biệt là từ khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Thạch Hà đã chú trọng xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, mang đậm bản sắc, hương vị riêng cho từng vùng miền, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững, hiện đại.

Sản phẩm OCOP - nguồn sinh lực mới cho nông nghiệp Thạch Hà

Trung bình mỗi năm, huyện Thạch Hà sản xuất trên 15.650ha lúa, năng suất bình quân hơn 55 tạ/ha, tạo nguồn nguyên liệu phát triển sản phẩm OCOP.

Với lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu 3 vùng kinh tế sẵn có, Thạch Hà đã chủ động xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung cho một số sản phẩm chủ lực ở địa phương. Về vùng nguyên liệu, đến nay, huyện đã chỉ đạo các địa phương thực hiện mạnh mẽ công tác cải tạo đất sản xuất, phá bờ thửa nhỏ, hình thành ruộng sản xuất lớn được 2.574 ha, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất khảo nghiệm các giống lúa mới đem lại năng suất, sản lượng cao; trung bình mỗi năm, toàn huyện sản xuất trên 15.650 ha lúa, năng suất bình quân hơn 55 tạ/ha.

Chủ tịch UBND xã Thạch Trị Nguyễn Công Hường cho biết: “Để đáp ứng nguyên liệu phát triển sản phẩm OCOP bánh đa nem ở địa phương, xã Thạch Trị đã xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất giống lúa Khang Dân 18 với tổng diện tích gần 40 ha. Ngoài cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP bánh đa nem Lan Hưng, trên địa bàn còn có 16 hộ sản xuất kinh doanh bánh đa nem. Vì vậy, vùng nguyên liệu chỉ đáp ứng một phần nhu cầu cho các hộ sản xuất trên địa bàn, còn lại là thu mua nông sản cho người dân vùng lân cận, trung bình mỗi cơ sở tiêu thụ xấp xỉ 30 tấn gạo mỗi năm, riêng cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP tiêu thụ trên 40 tấn gạo mỗi năm...”.

Sản phẩm OCOP - nguồn sinh lực mới cho nông nghiệp Thạch Hà

Toàn huyện có 121 nhà màng chuyên sản xuất các giống dưa lưới, hoa cúc đem lại giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh sản xuất lúa truyền thống, Thạch Hà còn xây dựng vùng nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm từ củ lạc với tổng diện tích sản xuất trên 769ha, năng suất 27,6 tạ/ha, sản lượng 2.122 tấn. Về sản xuất rau, củ, quả, tổng diện tích toàn huyện trên 2.800 ha, năng suất trên 68,3 tạ/ha, sản lượng 19.400 tấn; trong đó, diện tích sản xuất được chứng nhận VietGap hơn 34 ha, có 3 vùng được cấp mã vùng trồng. Toàn huyện có 121 nhà màng chuyên sản xuất các giống dưa lưới, hoa cúc đem lại giá trị kinh tế cao với tổng diện tích 73.000m2.

Về các loại cây trồng khác, Thạch Hà tập trung chỉ đạo sản xuất các vùng trồng cây ăn quả như cam, bưởi tại các xã vùng trà sơn với tổng diện tích trên 307 ha, trong đó hơn 40 ha đạt tiêu chuẩn VietGap, sản lượng cam mỗi năm gần 1.500 tấn, bưởi gần 1.000 tấn.

Sản phẩm OCOP - nguồn sinh lực mới cho nông nghiệp Thạch Hà

Các sản phẩm OCOP được sản xuất từ lúa gạo như: bún, miến, bánh đa, bánh ram... của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn phát triển mạnh với sản lượng tiêu thụ tăng cao theo từng năm.

Lĩnh vực chăn nuôi khá đa dạng với tổng đàn lợn 44.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 10.684 tấn/năm; trâu 4.300 con, sản lượng thịt ước đạt 390 tấn/năm; chăn nuôi gia cầm hơn 1.751 nghìn con, sản lượng thịt gần 5.000 tấn/năm... Lĩnh vực thủy sản với sản lượng khai thác hằng năm trên 4.500 tấn; diện tích nuôi trồng hơn 1.123 ha, sản lượng trên 3.200 tấn...

Những tiềm năng sẵn có ở địa phương đã thúc đẩy xây dựng các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Thạch Hà, tiêu thụ các nông sản cho bà con nông dân theo hình thức liên doanh, liên kết. Trong đó, các sản phẩm OCOP được sản xuất từ lúa gạo (bún, miến, bánh đa, bánh ram, gạo chất lượng cao, bột dinh dưỡng, trà gạo lứt, các sản phẩm kẹo cu đơ, kẹo lạc), các nông sản khác (cam, dưa lưới, nấm ăn, nấm dược liệu) và các sản phẩm được chế biến thịt gia súc, gia cầm và thủy hải sản của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn phát triển mạnh với sản lượng tiêu thụ tăng cao theo từng năm.

Sản phẩm OCOP - nguồn sinh lực mới cho nông nghiệp Thạch Hà

Chương trình OCOP từng bước tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của huyện Thạch Hà.

OCOP - nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm nông nghiệp

Chương trình OCOP như “luồng gió mới” đem lại cách nhìn mới, giá trị mới, hướng phát triển mới và từng bước tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, nâng cao nguồn lợi kinh tế cho người dân huyện Thạch Hà (được triển khai thực hiện từ năm 2019 đến nay). Ngay từ những ngày đầu triển khai, chương trình OCOP đã được cả hệ thống chính trị từ huyện đến các xã, thị trấn vào cuộc, triển khai một cách quy mô, bài bản, tạo động lực, sức lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp, THT, HTX, các cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn.

Công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất xây dựng sản phẩm OCOP của huyện và các địa phương được triển khai đảm bảo các bước theo quy trình, quy định, hướng dẫn của tỉnh. Với nhiều đổi mới trong công tác tuyên truyền từ huyện đến cơ sở, các hộ sản xuất - kinh doanh trên địa bàn huyện Thạch Hà ngày càng hiểu rõ được lợi ích và ý nghĩa của việc xây dựng sản phẩm OCOP.

Sản phẩm OCOP - nguồn sinh lực mới cho nông nghiệp Thạch Hà

Lãnh đạo UBND huyện Thạch Hà kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất xây dựng sản phẩm OCOP.

Từ những chương trình hội nghị tập huấn hằng năm, những game show thực tế do huyện tổ chức và cả những cơ hội xúc tiến quảng bá hình ảnh từ những lễ hội, hội chợ quy mô cấp tỉnh, cấp huyện đối với sản phẩm OCOP đã giúp nhiều tổ chức, cá nhân mạnh dạn xây dựng ý tưởng, phương án sản xuất - kinh doanh, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm. Song, điều cốt lõi để người dân “say hơn” chính là nguồn lợi kinh tế sau khi sản phẩm được chứng nhận OCOP mang lại với doanh thu tăng cao gấp 2 đến 3 lần so với trước khi chưa tham gia chương trình.

Chị Tô Thị Hương – chủ cơ sở sản xuất Miến gạo Hương Tâm (thôn Trung Trinh, xã Việt Tiến) phấn khởi chia sẻ: “Cơ sở sản xuất các loại bún, miến của chúng tôi thành lập vào năm 2016 với quy mô nhỏ lẻ, sản lượng mỗi ngày chỉ xấp xỉ trên dưới 1 tạ, doanh thu ít. Thế nhưng, từ năm 2020 đến nay, sau khi mở rộng quy mô nhà xưởng, đầu tư máy móc hiện đại, tham gia vào chương trình OCOP với sản phẩm “Miến gạo Hương Tâm” đạt tiêu chuẩn 3 sao, doanh thu của cơ sỏ tăng gấp 2 lần, bình quân mỗi năm cơ sở sản xuất trên 144 tấn miến, doanh thu trên dưới 2 tỷ đồng...”

Sản phẩm OCOP - nguồn sinh lực mới cho nông nghiệp Thạch Hà

Cơ sở sản xuất Miến gạo Hương Tâm tham gia vào chương trình OCOP với sản phẩm “Miến gạo Hương Tâm” đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện Thạch Hà có 70 ý tưởng sản phẩm được cấp tỉnh thẩm định, chấp thuận, 53 phương án sản xuất kinh doanh được huyện chấp thuận. Đã có 27 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao trở lên, nổi bật trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao là gạo Ngọc Mầm của Công ty TNHH KC Hà Tĩnh và Yến Sào tinh chế xứ Nghệ của Công ty TNHH Tư vấn nông nghiệp An Nông.

Theo ông Nguyễn Văn Duy - Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM huyện Thạch Hà, trên địa bàn huyện hiện có 48 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP, trong đó có 9 HTX, 11 THT, 12 doanh nghiệp, 16 hộ gia đình. Các sản phẩm sau khi tham gia chương trình OCOP được thị trường đón nhận và đánh giá cao, được người tiêu dùng yên tâm lựa chọn nên sản lượng, doanh thu tăng bình quân 145% so với trước khi tham gia chương trình; một số sản phẩm có doanh thu tăng gấp 2 đến 3 lần như: Miến gạo Hương Tâm, Rượu sim Long Ngâm, Kẹo cu đơ Phong Nga...”.

Sản phẩm OCOP - nguồn sinh lực mới cho nông nghiệp Thạch Hà

Sản phẩm Rượu sim Long Ngâm có doanh thu tăng cao so với trước khi tham gia chương trình OCOP.

Sau khi tham gia chương trình OCOP, các cơ sở đã mạnh dạn đầu tư hệ thống kho xưởng, mua sắm trang thiết bị phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất. Tổng kinh phí đầu tư của các cơ sở giai đoạn 2018 - 2023 ước tính hơn 100 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh hỗ trợ hơn 11 tỷ đồng.

Ngoài chính sách hỗ trợ của các cấp, năm 2023, HĐND huyện Thạch Hà cũng đã ban hành Nghị quyết số 23 ngày 30/12/2023 quy định hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM, đô thị văn minh trên địa bàn. Theo đó, hỗ trợ 40% kinh phí cho các tổ chức, cá nhân xây dựng điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng vùng miền, tối đa không quá 50 triệu đồng/cơ sở; thưởng 30 triệu đồng trên mỗi sản phẩm được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao và 50 triệu đồng lên 5 sao và các quy định khác về mức hỗ trợ phát triển thương mại dịch vụ... Đến nay, đã có 6 cơ sở được hưởng các chính sách hỗ trợ từ nghị quyết này với số tiền ước tính hơn 500 triệu đồng.

Sản phẩm OCOP - nguồn sinh lực mới cho nông nghiệp Thạch Hà

Ngoài chính sách hỗ trợ của cấp trên, huyện Thạch Hà thưởng 30 triệu đồng trên mỗi sản phẩm được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao và 50 triệu đồng lên 5 sao.

Chắp cánh thương hiệu nông sản Thạch Hà vươn tầm quốc tế

Cùng với việc xây dựng các sản phẩm OCOP, hoạt động nâng cao chất lượng, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp cũng được huyện Thạch Hà chú trọng thực hiện. Để xúc tiến thương mại, kết nối giữa các sản phẩm OCOP của địa phương với người tiêu dùng, Thạch Hà đã hỗ trợ tối đa cho các cơ sở đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trên mạng, đặc biệt là cho các cơ sở đi tham gia hội chợ cấp tỉnh, giới thiệu, bán các sản phẩm tại các cửa hàng nông sản sạch trong và ngoại tỉnh.

Chỉ tính riêng năm 2022, có 5 cơ sở trực tiếp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại ngoài tỉnh như: Hội chợ Festival Huế, sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh đồng bằng Sông Hồng. Năm 2023, UBND huyện đã tổ chức cho 5 cơ sở với 18 sản phẩm tham gia Hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc Bộ, tham gia Lễ hội Cam và các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Hà Tĩnh lần thứ 6...

Sản phẩm OCOP - nguồn sinh lực mới cho nông nghiệp Thạch Hà

Sản phẩm sứa ép Bãi Ngang của Tổ hợp tác thu mua và chế biến sứa Mai Dung (xã Thạch Trị) vươn tầm quốc tế, được thị trường Nhật Bản ưa chuộng, sản lượng hơn 100 tấn/năm, doanh thu hơn 5 tỷ đồng.

Đến nay, trong tổng số 27 sản phẩm OCOP của huyện Thạch Hà có 2 sản phẩm vươn tầm quốc tế, được thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc ưa chuộng là sứa ép Bãi Ngang và bánh ram Anh Thu. Ngoài ra, các mặt hàng nông sản khác như: cam Khe Giao, dưa lưới Lưu Vĩnh Sơn, các sản phẩm được chế biến từ gạo, lạc, thịt gia súc và thủy hải sản được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Có thể kể đến là các sản phẩm chả mực, nước mắm Hoàng Gia Lan, giò chả Thành Duẩn, nấm mộc nhĩ Phú Cường Đạt, cu đơ Phong Nga, ngũ cốc ủ gỗ sồi Vera food, nước mắm Hoài Yến...

Sản phẩm OCOP - nguồn sinh lực mới cho nông nghiệp Thạch Hà

Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Gia Lan (thôn Nam Hải, xã Thạch Hải) mỗi năm sản xuất trên 8 tấn chả mực, 16.000 lít nước mắm,doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng/ năm, tỷ lệ tăng doanh thu hơn 92% so với trước khi tham gia OCOP.

Ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, Phó BCĐ Chương trình MTQG và mỗi xã một sản phẩm huyện khẳng định: Giai đoạn 2022 - 2025, huyện tiếp tục hỗ trợ các cơ sở xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tìm kiếm, xây dựng các ý tưởng sản phẩm tốt, nâng cao chất lượng phương án sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các cơ sở tổ chức sản xuất theo quy mô hàng hóa. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 35 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra, kết nối tiêu thụ sản phẩm, có thêm ít nhất 2 đến 3 cửa hàng kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn. Từ đó, tạo động lực, đòn bẩy cho các sản phẩm nông sản của Thạch Hà tiếp cận tới các thị trường trong và ngoài nước.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Chủ đề Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

Đọc thêm

Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Với giá giảm gần 1 nửa so với năm ngoái, người dân xã Thiên Lộc (Can Lộc) - "vựa hành" lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, thấp thỏm lo âu trước thềm tết Nguyên đán 2025.
Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo đầu mùa được khách hàng ưa chuộng, giá bán cao giúp mang lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân vùng biển Hà Tĩnh. Trừ chi phí, mỗi thuyền có thể thu hàng triệu đồng sau mỗi lần ra khơi.
Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Nhờ được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên vườn quất duy nhất ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) của gia đình anh Nguyễn Song Thao cho quả đẹp mắt, hứa hẹn sẽ đem về nguồn thu khá dịp tết Nguyên đán.
Nông dân Hà Tĩnh vào vụ gieo cấy lúa xuân

Nông dân Hà Tĩnh vào vụ gieo cấy lúa xuân

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân Hà Tĩnh bám đồng, đẩy nhanh tiến độ làm đất đợt cuối và bắt đầu xuống giống những trà lúa đầu tiên của vụ xuân 2025.
Khu dân cư kiểu mẫu - nền móng để xây dựng NTM ở Kỳ Anh

Khu dân cư kiểu mẫu - nền móng để xây dựng NTM ở Kỳ Anh

Là địa phương “đi sau” trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhưng huyện Kỳ Anh đã có nhiều cách làm sáng tạo. Trong đó, huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng thành công các khu dân cư NTM kiểu mẫu, thôn thông minh, coi đây là nền móng tạo sự lan toả, đưa phong trào xây dựng NTM của huyện phát triển vững chắc.