Sàng lọc trước sinh, sơ sinh giúp giảm di chứng bệnh tật

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh hiện có 191 xã trên địa bàn 13 huyện, thành, thị được phủ sóng đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Bằng các biện pháp để phát hiện sớm, can thiệp kịp thời và điều trị bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, đề án đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số ở Hà Tĩnh.

sang loc truoc sinh so sinh giup giam di chung benh tat

Tuyên truyền lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại Khoa sản - Bệnh viện Đa khoa Hương Sơn.

Niềm vui dường như đã trở lại trong căn nhà nhỏ của gia đình chị Lê Thị Hải ở xóm Bình Hàn (xã Thạch Sơn, Thạch Hà) bởi sức khỏe của cháu Nguyễn Bá Hoàng Lực - bệnh nhân được phát hiện thiếu men G6PD nhờ lấy mẫu máu gót chân sơ sinh giờ đây đã ổn định. Theo các bác sỹ chuyên ngành, loại bệnh này không thể phát hiện trong quá trình siêu âm mà phải lấy mẫu máu gót chân ở trẻ mới sinh trong vòng 48 tiếng. Khi trẻ thiếu men G6PD, gây ra tình trạng thiếu máu, vàng da, vàng mắt, suy thận. Khi trẻ bị vàng da nặng, nhất là trong 2 tuần đầu sau sinh, trẻ có thể bị tổn thương não gây ra bại não, chậm phát triển tâm thần.

Chị Hải - mẹ cháu bé cho biết: “Sau khi phát hiện bệnh, gia đình chúng tôi rất lo lắng, nhưng từ sự tư vấn của bác sỹ, chúng tôi đã đưa cháu ra Hà Nội để khám và kê đơn thuốc. Cứ 3 tháng tái khám 1 lần, đến nay, cháu không phải uống thuốc, sức khỏe cũng rất tốt và điều quan trọng là cháu phát triển bình thường như bao đứa trẻ cùng trang lứa”.

Cùng nỗi lo con đối mặt với bệnh tật ngay từ khi mới ra đời, chị Nguyễn Thị Thu Thảo ở xóm 11 (xã Sơn Giang, Hương Sơn) chia sẻ: Từ công tác tuyên truyền của ngành dân số, sự quan tâm của đội ngũ y, bác sỹ Khoa sản Bệnh viện Đa khoa Hương Sơn nên cháu đã được lấy mẫu máu gót chân, phát hiện thiếu men G6PD để điều trị kịp thời”.

Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên sau 7 năm, đề án sàng lọc trước và sơ sinh mới chỉ triển khai ở 191 xã. Tuy nhiên, hiệu quả của đề án đã thực sự góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng dân số. Anh Phạm Bá Quyền - Gám đốc Trung tâm Dân số Thạch Hà cho biết: “Ngoài việc siêu âm phát hiện các dị tật thai nhi thì lấy mẫu máu gót chân phát hiện thiếu men G6PD và suy tuyến giáp trạng bẩm sinh gây chậm phát triển trí tuệ là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, việc lấy mẫu máu gặp nhiều khó khăn do các bậc ông bà, cha mẹ sợ con cháu đau đớn nên thường từ chối thực hiện phương pháp này”.

Y sỹ Phan Thị Yến - Điều dưỡng trưởng Khoa sản - Bệnh viện Đa khoa Hương Sơn cho biết: “Là người trực tiếp lấy mẫu máu cho trẻ sơ sinh nên tôi thấy tâm lý của các bố mẹ vẫn còn e ngại với vấn đề này. Với nhiều người dân, do đời sống khó khăn, việc cơm đùm cơm nắm đưa trẻ sơ sinh ra Hà Nội để kiểm tra lại kết quả là điều không dễ, nên dù đã rất cố gắng nhưng năm 2015, Bệnh viên Hương Sơn cũng chỉ lấy được 185 mẫu, từ đầu năm đến nay là 129 mẫu (cao nhất toàn tỉnh)”.

Tác dụng của đề án sàng lọc trước sinh bằng các biện pháp siêu âm thai nhi, lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh mỗi năm đã giúp hàng chục gia đình phát hiện kịp thời bệnh tật để điều trị cho con, góp phần giảm gánh nặng do di chứng bệnh tật, giúp trẻ em phát triển bình thường, mạnh khỏe. Tuy nhiên, với những khó khăn đã nêu nên đến thời điểm hiện tại, việc lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh trên địa bàn Hà Tĩnh mới chỉ thực hiện được 421/1.115 ca, đạt 37% kế hoạch năm.

Để phát huy hiệu quả đề án, đồng thời thúc đẩy việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm, ngành dân số đang tập trung cho công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành dân số và y tế trong các bước thực hiện - siêu âm sàng lọc, lấy mẫu máu gót chân… Cùng đó, những người làm công tác dân số cấp cơ sở cũng mong muốn chương trình dân số, y tế của trung ương sớm bổ sung kinh phí để kịp thời triển khai các hoạt động.

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.