Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, các bộ ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Đến nay, đã có 40/41 phương án tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhiều địa phương, doanh nghiệp, tập đoàn đã tích cực thực hiện sắp xếp, đổi mới đối với hai mô hình TNHH hai thành viên và cổ phần. Hiện có 252 công ty được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tổng diện tích các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng khoảng trên 2,4 triệu ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 404.899 ha, đất lâm nghiệp trên 1,8 triệu ha, đất phi nông nghiệp trên 35.300 ha và đất chưa sử dụng 1.458 ha. Dự kiến, sắp xếp lại các công ty sẽ giữ lại gần 1,9 triệu ha.
Sau khi sắp xếp lại, bước đầu các đơn vị SX-KD ổn định hơn; các tồn tại về tài chính, tranh chấp, lấn chiếm đất đai được cơ bản xử lý.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, một số địa phương xây dựng phương án tổng thể chưa sát thực tế; việc sắp xếp, đổi mới vẫn còn chậm; các công ty gặp khó khăn về tài chính; khó khăn trong giải quyết, việc xử lý các tồn tại về đất đai…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng cho rằng việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp đã đạt được kết quả khá quan trọng, hoạt động theo đúng nội dung được phê duyệt. Tuy nhiên, tình hình hoạt động của các đơn vị vẫn còn khó khăn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ soát xét để có sự sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy, tạo điều kiện để doanh nghiệp SXKD. Các công ty bám sát nhiệm vụ, đề án đã phê duyệt, tập trung trọng tâm nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng; mạnh dạn cơ cấu lại vốn điều lệ; đổi mới về tư duy SX-KD; phát triển tiềm năng lợi thế rừng... |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị các bộ ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành cơ bản việc sắp xếp, đổi mới và phát triển; nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp theo đề án được duyệt trong năm 2018; giải quyết khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện cơ chế chính sách để các đơn vị sau sắp xếp lành mạnh về tài chính, quản lý chặt chẽ đất đai, sản xuất kinh doanh có hiệu quả…
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thành việc rà soát, đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp; xử lý dứt điểm các trường hợp cho thuê, cho mượn, lấn chiếm, tranh chấp, liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
Tập trung tiến hành xây dựng kế hoạch việc tiếp nhận đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp giao về địa phương quản lý sử dụng. Các bộ, ngành phải theo dõi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai.
Tại Hà Tĩnh, hiện có 2 công ty 100% vốn Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lâm nghiệp, bảo vệ rừng, quản lý 34.843 ha rừng và đất lâm nghiệp (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn). Các công ty đã sắp xếp tổ chức và bộ máy theo hướng tinh giản; mở rộng hiệu quả ngành nghề SXKD theo đề án đã phê duyệt. |